Can Lộc - đổi mới từ trong nhận thức

Can Lộc - đổi mới từ trong nhận thức
Sau 6 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, toàn huyện Can Lộc đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 13,6%), đến nay không có xã nào đạt dưới 7 tiêu chí. Kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống an sinh xã hội được bảo đảm và tăng cường, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (tỷ lệ hộ nghèo giảm 14,11%, cận nghèo giảm 5,5% so với năm 2011), thu nhập bình quân đầu người tăng cao (tăng hơn 1,2 lần so với năm 2010). Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú. Để có được những thành quả đó, Huyện ủy, UBND huyện Can Lộc đã có những cách làm cụ thể, sáng tạo.


 

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Can Lộc Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Để phong trào xây dựng nông thôi mới phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Can Lộc xác định công tác tuyên truyền phải đi trước, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: treo panô, áp phích tại các điểm công cộng trung tâm các xã, sân khấu hóa, hệ thống truyền thanh, tờ rơi, tổ chức các hội nghị chuyên đề... Qua hơn 5 năm thực hiện, huyện Can Lộc đã tổ chức 4.198 cuộc tuyên truyền với 452.661 lượt người tham gia, nội dung tuyên truyền được đổi mới từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung giới thiệu các chủ trương, chính sách mới và các tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức rõ rệt của người dân, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM có hiệu quả và đạt kết quả cao.

Việc ban hành các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn sát hợp với thực tế cũng góp phần đẩy nhanh mục tiêu xây dựng NTM. Ngoài các chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện Can Lộc đã chủ động ban hành các cơ chế giao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, như: hỗ trợ xây dựng kênh bê tông 60 triệu đồng/km; hỗ trợ xây mới nhà văn hóa thôn 50 triệu đồng/nhà, nâng cấp, sữa chữa 10 triệu đồng/nhà; hỗ trợ các xã về công tác truyền thông cơ sở 5 triệu đồng/xã; xử lý rác thải vệ sinh môi trường 15 triệu đồng/xã; hỗ trợ mua xe chở rác cho các xã về đích năm 2015 là 50 triệu đồng/xe… Nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Với cách làm ấy, vừa đề cao vai trò làm chủ của người dân, người dân làm, người dân giám sát và người dân hưởng lợi; vừa tạo sự chủ động, minh bạch góp phần đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Đề xuất phương hướng phát triển trong thời gian tới, Huyện ủy Can Lộc đề nghị tỉnh cho phép ban hành cơ chế đặc thù đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để huy động nguồn vốn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, tạo cú hích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn.

 
Theo Tùng Lâm/daibieunhandan.vn