Chuyện những người làm sạch nông thôn bằng cái tâm với môi trường

Theo chân các thành viên HTX môi trường Mỹ Lộc 1 ngày đi thu gom rác, chúng tôi thấu hiểu được những vất vả của những thành viên của HTX nơi đây và thật sự cảm phục khi họ làm sạch nông thôn bằng cái tâm với môi trường.
Gọn gàng bốc từng bao rác lên xe, không để rơi vãi.

Đúng 6h sáng thứ 7 hàng tuần, 100% thành viên HTX có mặt tại trụ sở xã để lên xe đi thu gom rác. Bao giờ cũng thế, xe chạy vòng quanh ngõ ngách của xóm Sơn Thủy rồi ra thôn Thái Xá 2 - là hai thôn xa nhất, cũng có số dân khá đông nên lượng rác bao giờ cũng phải chất rất cao.

8h30 phút, khi xe đến thôn Thái Xá 1 thì tất cả công nhân xuống ngồi bên vệ đường tạm nghỉ, một mình Giám đốc Trần Bá Thuận điều khiển xe về bãi rác để đổ. 9h, vòng quay thứ hai lại bắt đầu, 10h30 bắt đầu chuyến thứ 3… Lần nào cũng thế, giờ nghỉ trưa của nhân viên là  ngoài 12h, còn Giám đốc thì không có lúc nào nghỉ trước 12h30.

 Tranh thủ giữa các chuyến rác, chị em công nhân lại giở cơm nắm hoặc bánh mì ăn lót dạ để có đủ sức làm việc. Buổi chiều, đúng 13h30, các công nhân HTX môi trường lại bắt đầu vòng quay cho đến bao rác cuối cùng trên địa bàn được gom hết thì mới nghỉ, lúc đó, trời đã nhá nhem tối. Hầu hết, hoàn cảnh của các thành viên HTX khá khó khăn nhưng cứ đến ngày thu gom rác thì hầu như không lúc nào họ vắng mặt.

Khi thắc mắc về chế độ làm việc có phần hơi quá sức, quá giờ so với Luật lao động, vậy HTX đã giải quyết đế độ lương thưởng như thế nào? Ông Trần Bá Thuận thẳng thắn chia sẻ: “Bản thân HTX không hề cố tình bố trí chị em làm việc quá sức như vậy, nhưng đây là việc bất khả kháng. Nếu thu đủ 100% số tiền từ dân thì có thể bố trí được mỗi tuần 2 lần thu gom thì thời gian làm việc trong ngày sẽ được giảm xuống. Vì thất thu nên mỗi tuần chỉ có thể thực hiện thu gom được 1 lần vào thứ 7. Còn về chế độ, tất cả cũng chỉ được phép cân đối trong tổng số tiền thu được. Đáng lẽ, mỗi ngày được 200.000 đồng nhưng vì làm việc thêm giờ và độc hại nên chúng tôi cân đối mỗi người được 250.000 đồng/ngày. Ngoài ra, tất cả cán bộ, thành viên  đều được HTX trang bị đồng phục bảo hộ lao động và mua thẻ BHYT. Nói thật, tất cả anh chị em đều phải làm rất nhiều nghề khác nhau thì mới đảm bảo được kinh tế gia đình chứ mỗi tháng được 1 triệu làm sao đủ. Như tôi đây phải nuôi 500 con vịt, nào hàn xì, làm thợ điện, bán hàng tạp hóa… Lê Khánh Toàn phải đi làm MC đám cưới…”.

Giám đốc Trần Bá Thuận làm đủ mọi nghề để "nuôi sống" HTX môi trường.

Để đảm bảo được hoạt động của Hợp tác xã, các thành viên đồng tâm hợp lực góp cổ phần mua xe chở rác hơn 100 triệu đồng. Tất cả chi phí trả nhân công, xăng xe đều phải tự cân đối trong nguồn thu từ người dân. Tuy nhiên, theo thống kê từ sổ sách kế toán, hiện nay, HTX thường xuyên thất thu từ 30-40% khi một số người dân cố tình không nạp hoặc “khất nợ” dài hạn nên gây rất nhiều khó khăn cho HTX.

 Hàng tháng, hố rác được thuê máy múc dọn sạch, không để rác tràn ra phía ngoài.

 Ngoài ra, mặc dầu bãi rác được đầu tư ở khu vực xa dân cư, có tường bao, cổng có cánh, hệ thống mương máng bao quanh không để nước tràn vào, nằm lọt thỏm giữa rừng cây xanh nên khá đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng, do lượng rác quá nhiều, nên bãi rác chỉ có thể chứa được thêm khoảng 6 tháng – 1 năm nữa sẽ đầy.

Trao đổi về đề xuất của HTX môi trường đề nghị UBND xã phải có phương án đầu tư mở rộng bãi chứa rác vì sắp quá tải, ông Trần Đình Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dầu, lúc xây dựng bãi chứa rác đã làm rộng hơn dự tính, nhưng đúng là lượng rác tăng đột biến nên bãi rác chỉ có thể chứa được khoảng 6 tháng nữa là đầy. Việc mở rộng hay đầu tư bãi chứa rác khác cũng là giải pháp tình thế. Để giải quyết được dứt điểm, chúng tôi đề nghị huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh cần có đầu tư bãi xử lí rác để mỗi bãi rác của các xã chỉ là nơi trung chuyển rác. Còn về việc thất thu, chúng tôi sẽ cho rà soát và giao nhiệm vụ cho bộ phận chức năng tổ chức tuyên truyền vận động và áp dụng các văn bản hiện hành để truy thu triệt để cho HTX”.