Diện mạo mới của Can Lộc

Diện mạo mới của Can Lộc
Can Lộc (Hà Tĩnh) được xem là địa phương có điều kiện tự nhiên đa dạng, thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Vì thế, khi các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được triển khai, Can Lộc đã và đang có những bước chuyển mình đáng ghi nhận.
 

Để phát huy thế mạnh địa phương, tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa, tăng nhanh thu nhập trên một đơn vị diện tích, trên cơ sở các sản phẩm chủ lực sẵn có, Can Lộc đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó có 11 mô hình dự kiến đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Một số mô hình sản xuất, chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao như: liên kết với các công ty vật tư nông nghiệp cung ứng giống sản xuất cánh đồng mẫu lớn của 8 xã với quy mô từ 50 - 200ha; thụ tinh giống bò chất lượng cao Charolaise tại Nga Lộc; trang trại trồng cây ăn quả của gia đình chị Phan Thị Hiền, xóm An Hùng, xã Thượng Lộc với quy mô 2,5ha; trang trại nuôi lợn của hộ ông Trần Đình Nhiên, thôn Hồng Sơn, Phú Lộc cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm,…

Trong lĩnh vực trồng trọt, Can Lộc cũng xây dựng được nhiều mô hình cho giá trị thu nhập cao. Vụ xuân năm 2014, toàn huyện có 6 xã triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng mẫu với tổng diện tích trên 200ha. Năng suất lúa tăng 13%, sản lượng lúa toàn huyện tăng 5,9% so với các năm trước. Nhờ bám sát lịch, cơ cấu mùa vụ và giống, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện, liên tục trong nhiều năm gần đây, niềm vui được mùa luôn hiện hữu trên gương mặt của người nông dân Can Lộc.

Ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: “Vụ xuân 2014, chúng tôi chọn giống BTE-1 làm chủ lực. Theo đánh giá bước đầu, năng suất vụ xuân năm nay vượt trội, đạt khoảng 60 tạ/ha, cao hơn năm trước 2 tạ/ha. Trong đó, BTE-1 cho năng suất 4 tạ/sào (tương đương 10,8 tấn/ha”. 

Có được sự thay đổi mạnh mẽ trên đồng đất Can Lộc trong những mùa vụ qua chính là nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã được nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Huyện đã quán triệt, động viên bà con thực hiện cơ cấu xóa bỏ trà xuân sớm, bố trí hợp lý trà xuân trung, tăng tỷ lệ các giống trà xuân muộn; triển khai ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành bộ giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Hiện, Can Lộc đã hình thành một số mô hình về cánh đồng mẫu sản xuất tập trung một giống, có sự liên doanh, liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Lúa gạo Can Lộc đang dần khẳng định thương hiệu, góp phần giúp địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững”.

Trà Giang

Nguồn kinhtenongthon.com.vn