Hồng Lộc đột phá với năng suất đạt trên 75 tạ/ha nhờ đưa giống mới BTE-1 vào sản xuất.

Hồng Lộc đột phá với năng suất đạt trên 75 tạ/ha nhờ đưa giống mới BTE-1 vào sản xuất.
Trong những năm gần đây, cùng với việc đưa vào ứng dụng thành công các giống lúa lai có chất lượng cao đã góp phần đắc lực trong việc cải thiện được tình hình sản xuất, phát huy được hiệu quả giá trị kinh tế trên cùng 1 đơn vị diện tích cho bà con nông dân. Thực tế đó đang tiếp tục được khẳng định trên đồng đất của 1 xã thuộc diện miền núi của huyện Lộc Hà khi mạnh dạn đưa vào sản xuất đại trà giống lúa lai 3 dòng BTE-1 có nguồn gốc từ Ấn Độ trong vụ xuân 2014.
Vụ Xuân năm nay, theo kế hoạch xã Hồng Lộc huyện Lộc Hà tiến hành gieo trồng trên 430ha diện tích lúa. Bên cạnh các bộ giống phổ biến như XI23, IR35366, Khang dân... với chủ trương nhằm tạo bước đột phá trong phát triển mô hình sản xuất, giúp bà con có điều kiên tiếp cận và ứng dụng các giống cây con có năng suất chất lượng cao hơn trong chuyển đổi cơ cấu, UBND xã Hồng Lộc đã mạnh dạn bố trí tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 100ha sản xuất giống lúa lai 3 dòng BTE-1 có nguồn gốc từ Ấn Độ.
 
 

Lúa BTE-1 của Hồng Lộc đang bước vào mùa thu hoạch
 
Mặc dù là xã còn gặp nhiều khó khăn, nhưng để khuyến khích bà con nông dân tích cực tham gia, ngoài việc cho đi tham quan học hỏi các mô hình ở các địa phương bạn, Đảng bộ và chính quyền xã Hồng Lộc còn quyết định trích ngân sách, quỹ phát triển sản xuất trên 140 triệu đồng để thực thi chính sách hỗ trợ 50% tiền giống BTE-1 cho các hộ dân. Tuy gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết và một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại... nhưng nhờ được chăm sóc đúng quy trình nên nhìn chung lúa BTE-1 của Hồng Lộc đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt so với các giống lúa thuần và lúa lai khác đang được sản xuất tại địa phương, giống lúa lai BTE-1 đã khẳng định được những ưu điểm vượt trội về khả năng chống chịu khá tốt với rét lạnh và các đối tượng sâu bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá và đạo ôn. Sau hơn 140 ngày có mặt trên đồng ruộng của Hồng Lộc, hiện nay, các diện tích lúa lai BTE-1 trên địa bàn xã đã bắt đầu chín vàng và cho thu hoạch. Mặc cho cái nắng nóng như đổ lửa, nhưng nhìn cánh đồng lứa vàng rực chắc nẩy đầy bông, nhiều người dân không giấu nổi niềm vui mừng, phấn khởi. Bởi đây là lần đầu tiên đồng đất Hồng Lộc mới bội thu được mùa lớn như vậy. Trao đổi với chúng tôi, Ông Hồ Đức Quí – PCT UBND xã Hồng Lộc, Lộc Hà cho biết: Việc đưa vào ứng dụng sản xuất đại trà giống lúa lai BTE-1 thực sự là một quyết định mang tính đột phá đối với một xã còn nhiều khó khăn như Hồng Lộc. Với nhiều đặc tính ưu việt nổi trội, giống BTE-1 cho thấy rất phù hợp với đồng đất vốn không tương đồng, chỗ thì trũng chỗ thì cao của địa phương. So với nguồn đầu tư từ công cấy, phân bón, chăm sóc... cũng ít hơn so với các giống đại trà từ trước đến nay. Mặc dù mới đưa vào trồng nhưng năng suất chất lượng mà giống lúa mới này đưa lại, bước đầu đã  giúp địa phương tìm ra được hướng đi, giải pháp mới cho bài toán xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ổn định. Và để giúp bà con nông dân đẩy nanh tiến độ thu hoạch kịp làm vụ hè thu, xã Hồng Lộc cũng đã chủ động hợp đồng với các chủ phương tiện, doanh nghiệp đưa máy gặt hợp lực về phụ giúp...
 

Máy gặt liên hợp đang hoạt động trên đồng lúa BTE-1 ở Hồng Lộc
 
 Qua thăm đồng và theo dõi gặt thống kê, ước tính năng suất lúa BTE -1 đạt bình quân từ 70- 76 tạ/ha, cao hơn từ 5-10 tạ/ha so với các giống lúa thuần, lúa lai khác trên cùng chân đất. Một ưu điểm vượt trội khác của giống lúa lai BTE-1 là hạt gạo thon, nhỏ, cơm dẻo có mùi thơm đang được thị trường ưa chuộng.
Từ kết quả trong sản xuất vụ xuân 2014, Mô hình cánh đồng mẫu BTE-1 thành công sẽ là tiền đề để xã Hồng Lộc tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng lúa, bổ sung thêm vào cơ cấu giống lúa của địa phương tạo điều kiện giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. 
                                                                                                                                                          Bài, ảnh: Trâm Anh