Khi truyền thống là kho báu
- Thứ sáu - 31/01/2014 04:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gặt máy trên đồng ruộng Can Lộc |
Nằm gọn trong bức tường thành Ngàn Hống, cư dân trên vùng đất “đầu Mênh cuối Sót” Can Lộc như có được sự che chở vững chắc của thiên nhiên. Chính vì thế, trên khắp dải núi – sông Thiên Lộc – Can Lộc ấy có rất nhiều huyền sử phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần, đời sống lao động, đấu tranh cách mạng và trí tuệ của nhân dân. Những huyền sử ấy đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân một cách rất tự nhiên và được lưu truyền đến ngày nay. Những lễ hội như: chùa Hương Tích vào ngày 18/2 âm lịch, lễ kỳ phúc và hội thi vật ở Thuần Thiện vào đầu xuân và rằm tháng 6, những giai thoại về chùa Chân Tiên, đền Tam Lang và rất nhiều ngôi đền, di tích trên dãy Ngàn Hống… đã phản ánh rất rõ đời sống tinh thần phong phú của nhân dân Can Lộc xưa.
Không chỉ có núi – sông “kể chuyện xưa” mà chính lịch sử cũng đã ghi rõ những đóng góp của người dân Can Lộc suốt hơn 540 năm qua. Sự đóng góp ấy có thể tính từ sự nghiệp của hai cha con Đặng Tất và Đặng Dung (người làng Tả Hạ - Tùng Lộc) - hai vị tướng lĩnh quan trọng và có công lao lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược dưới thời nhà Trần. Đến thế kỷ XVII, Can Lộc nổi tiếng với dòng họ Ngô thế tướng, truyền suốt mấy thế hệ gần 300 năm, cống hiến cho dân tộc nhiều danh nhân, chí sỹ như Ngô Phúc Vạn, Ngô Văn Sở… Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, Can Lộc cũng cống hiến cho đất nước nhiều văn thần như: Tể tướng Nguyễn Văn Giai là trọng thần coi sóc đến sáu bộ, Dương Trí Trạch đi sứ Trung Quốc, Hà Tông Mục kinh lý đất Tuyên Quang... chí sĩ Ngô Đức Kế, nhà yêu nước Võ Liêm Sơn, chí sĩ Nguyễn Trạch, nhà cách mạng Đặng Văn Cáp,...
Truyền thống vẻ vang đó được kế tục và phát triển từ đời này sang đời khác mà có lẽ thế kỷ XX là thế kỷ ghi dấu nhiều mốc son chói lọi nhất. Kho báu truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha đã trở thành động lực để người dân Can Lộc vững vàng, kiên gan hơn trước mọi biến cố lịch sử. Còn sừng sững trong sử vàng một Nguyễn Hàng Chi thiết tha với sự nghiệp cứu nước. Chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân và được hội Duy Tân Nghệ Tĩnh tác động, ông đã khởi xướng phong trào chống thuế năm 1908 tại Hà Tĩnh. Về sau, sự bất thành, ông bị hành quyết phía sau thành Hà Tĩnh nhưng tên tuổi, khí phách của ông mãi mãi là tấm gương sáng ngời.
Cũng từ truyền thống ấy mà trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Can Lộc đã trở thành điểm đấu tranh sôi nổi và trong Cách mạng tháng Tám là địa phương giành chính quyền sớm hơn 3 ngày so với các địa phương khác. Viết tiếp bản hùng ca bất khuất ấy là một Ngã ba Đồng Lộc với 10 nữ anh hùng TNXP và anh hùng LLVT nhân dân La Thị Tám, là làng K130 huyền thoại mà ở đó sức mạnh, ý chí, trí tuệ của con người đã trở thành thứ vũ khí thần kỳ chiến thắng giặc ngoại xâm.
Đóng góp vào sự nghiệp văn hóa của dân tộc, Can Lộc cũng không thua kém các vùng đất khác. Với những tên tuổi lớn như Phan Kính, Đặng Văn Kiều, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… đất Can Lộc đã vang danh bốn cõi. Tận kinh thành Thăng Long xa xôi, người ta còn lưu truyền câu nói “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”. Danh tiếng “Thiên Lộc tứ hổ” không kém gì “Tràng An tứ hổ”. Về sau, Can Lộc còn có rất nhiều tên tuổi lớn mà sự nghiệp gắn liền với văn hóa như: Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu, Chính Hữu, Nguyễn Sĩ Đại, Lê Thành Nghị…
Ngoài ra, những nhà khoa học, doanh nhân lớn trong thế kỷ XX, XXI cũng là một sự kế thừa từ truyền thống hiếu học của đất Thiên Lộc xưa. Những tên tuổi như GS Vật lý Nguyễn Đình Tứ, GS Toán học Phan Đình Diệu, GS - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ; Thiếu tướng, GS Lê Năm, doanh nhân Phạm Nhật Vượng v.v… với những thành tựu và đóng góp của họ cho đất nước đang khẳng định nguồn mạch quý giá từ ngàn xưa truyền lại.
Đường nông thôn mới ở Thiên Lộc |
Ý thức rất rõ quá khứ là tài sản vô giá, những năm qua, cán bộ và nhân dân Can Lộc đã nỗ lực hết mình nhằm làm cho truyền thống ấy luôn sáng đẹp trong hiện tại và tương lai. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đã kiên trì phấn đấu, giành nhiều thành tựu xuất sắc. Từ một huyện thuần nông, Can Lộc đã tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Tích cực mở mang các ngành nghề, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, gắn với từng bước phát triển CN-TTCN, TM-DV-DL. Nhờ vậy, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn Can Lộc nhiều khởi sắc. Can Lộc là huyện tiêu biểu, dẫn đầu trong các phong trào xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho nhân dân, đặc biệt, gần đây là phong trào chuyển đổi ruộng đất, xây dựng NTM… Theo đó, đời sống văn hóa tinh thần cũng ngày một nâng cao. Ông Võ Thúc Đồng – Phó Bí thư Huyện ủy cho biết: “Cùng với kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, QPAN…, thời gian qua, huyện Can Lộc đã chú trọng chương trình xây dựng NTM.
Toàn huyện đã huy động 125 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM và năm 2013 đã hoàn thành thêm 44 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt được trên toàn huyện lên 214 tiêu chí. Đặc biệt, với sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, đến nay, xã Thiên Lộc hoàn thành 19/19 tiêu chí, được tỉnh đánh giá cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư bằng nhiều việc làm thiết thực như: huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng 25 nhà văn hóa, các điểm vui chơi ở các xã, xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, hệ thống di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Nhờ đó, đời sống văn hóa cơ sở ngày càng được nâng cao, góp phần to lớn vào việc giữ gìn mối đoàn kết toàn dân, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương...”.
Mùa xuân đang về trong những reo ca trên Ngàn Hống xanh thẫm, giữa miệt mài những dòng chảy sông Cài, Hạ Vàng, Nghèn, Chăn, kênh Cạn... và trong náo nức những lễ hội mùa xuân. Những lễ hội của đất trời và của lòng người cũng theo nhau về trong niềm vui chung của những thành tựu mà người dân Can Lộc đã cùng nhau vun đắp từ ngàn xưa...
Phong Linh - Tuấn Hiển
Nguồn baohatinh.vn