Lửa vẫn hồng trong lúa biếc, trời xanh…

Lửa vẫn hồng trong lúa biếc, trời xanh…
“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/ Nước mô xanh bằng dòng nước sông La”. Màu xanh của trời Can Lộc không chỉ neo đậu trong lòng người bằng những bài ca đi cùng năm tháng, trời Can Lộc còn hiện hữu trong mắt tôi niềm tin mãnh liệt, sự trỗi dậy đầy sung mãn của khí thiêng cha ông ngàn năm hun đúc, để làm nên một Can Lộc hừng hực ngọn lửa tranh đấu, thoát khỏi xiềng gông của áp bức phong kiến và thực dân...

 

Lịch sử mãi ghi

Cuối năm 1930, toàn huyện Can Lộc có 26 chi bộ và 200 đảng viên. Những đảng viên đầu tiên quần nâu, áo vá, chân đất đã âm thầm hoạt động trong đường dây bí mật, xây dựng được các tổ chức Thanh niên cộng sản liên đoàn, Phụ nữ giải phóng, Nông hội đỏ… Rồi cách mạng bắt rễ sâu vào từng làng xóm. Ở đâu có những người dân yêu nước được giác ngộ, ở đấy những hàng cây, bến nước, dòng sông được mọc lên ngọn cờ đỏ búa liềm. Các đền chùa, miếu mạo trở thành nơi hội họp, mít tinh, tổ chức diễn tập, thành “căn cứ địa” kháng chiến...

Lửa vẫn hồng trong lúa biếc, trời xanh…
Tái diễn hình ảnh hào hùng Xô viết Nghệ Tĩnh

Rồi cách mạng bùng lên. Các cuộc biểu tình diễn ra trên đất Can Lộc bắt đầu từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Được cổ vũ bởi phong trào công nhân Vinh - Bến Thủy từ tháng 6/1930, ngọn lửa đấu tranh của nông dân Can Lộc lại càng cháy lên mãnh liệt. Nhân lễ kỳ phúc (ngày 12/6 âm lịch), Chi bộ Đỉnh Lự đã lãnh đạo 200 công nhân bao vây bọn hào lý ở đình làng từ sáng tới chiều, buộc chúng phải giao 32 mẫu công điền chia cho dân làng... Đầu tháng 9/1930, Huyện ủy Can Lộc chủ trương tổ chức biểu tình toàn huyện. Dòng người kéo tới huyện đường, chất vấn tri huyện chậm trễ trong việc trả lời yêu sách của cuộc biểu tình tháng trước. Sáng 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân của 5 tổng Phù Lưu, Nội Ngoại, Đoài, Nga Khê và Lai Thạch mang cờ đỏ búa liềm và hô vang khẩu hiệu rầm rộ từ các ngả đường kéo về huyện lỵ. Khoảng 10h, các đoàn biểu tình kéo tới đông đủ ở phía cầu Bắc Nghèn…

Màu xanh Can Lộc

Tôi trở lại thị trấn Nghèn giữa rười rượi thu sang, lòng vẫn cảm khái một mùa thu cũ. Bên tai tôi vẫn như nghe âm vọng tiếng trống năm ba mươi - tiếng trống gọi dòng sông Nghèn, gọi bờ tre, gốc lúa, gọi “những lưng cong xuống luống cày” biết ngẩng đầu cao giành lại quyền sống, quyền làm người.

Can Lộc giờ đây đang từng bước chuyển mình theo tiến trình lịch sử và trong mỗi bước đi bao giờ cũng biết tự nhìn lại mình. Suốt mấy thập kỷ qua, chiến tranh máu lửa và những ngày “đói cơm, thiếu gạo” đã chứng tỏ phẩm chất của người Can Lộc. Từ chiến dịch giao thông thủy lợi, từ cách mạng “xóa đói giảm nghèo”, từ chuyện dồn điền đổi thửa đến cuộc “cách mạng xanh” xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, tạo nên tổng sản lượng lương thực vượt mốc thế kỷ.

Lửa vẫn hồng trong lúa biếc, trời xanh…
Lãnh đạo tỉnh và Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình sinh trưởng của giống QR 2 tại xã Song Lộc. Ảnh: Tuệ Anh

Trong chiến lược phát triển kinh tế của Can Lộc, nông nghiệp là điểm tựa, là mặt trận hàng đầu. Muốn tạo được sự đột phá lớn phải có một quyết tâm lớn của đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở. Cuộc “cách mạng xanh” ở Can Lộc không chỉ thể hiện ở việc đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn..., mà còn tạo dấu ấn là huyện tiên phong của tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu trà lúa và cơ cấu giống. Khi nghị quyết đã bàn, khi chủ trương đã theo chân cán bộ về “bám đội lội đồng” cùng cơ sở, lần đầu tiên trong lịch sử, với diện tích hàng ngàn ha trên địa bàn Can Lộc, huyện đã ra quyết định không sản xuất trà xuân sớm, cơ cấu 50% diện tích trà xuân trung, 50% diện tích trà xuân muộn.

Bí thư Huyện ủy Can Lộc Bùi Đức Hạnh tâm sự: “Dân mình đã ăn IR 1820 quen rồi, nên với tư duy cũ, giống lúa đó sẽ đồng hành lâu đời với họ. Nhưng thực tế, giống lúa này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, chính vì thế, muốn cơm ngon, gạo dẻo, muốn cây lúa khỏe, năng suất cao và chạy đua được với thời tiết phải có cuộc cách mạng để giã từ IR1820 ở các vụ đông xuân trước để tập trung gieo cấy trà xuân trung với 4 loại giống mới vào”.

Đi từ không tới có, đi từ khó tới dễ. Điều gì dân chưa hiểu phải kiên trì thuyết phục cho dân hiểu, điều gì dân chưa làm được phải có người cán bộ cầm tay chỉ việc. Giờ đây, người dân Can Lộc đã tỏ tường việc sử dụng giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Trở về Can Lộc hôm nay, ở đâu cũng gặp sự sung mãn và biếc xanh của lúa. Lúa xanh biếc từ Đồng Lộc, lúa rập rờn lượn sóng từ Hậu Lộc và lúa đang khoe mình dưới chân núi Ngàn Hống - Thiên Lộc.

“Can Lộc đang tập trung xây dựng 5 cánh đồng mẫu ở các xã Xuân Lộc, Nga Lộc, Tùng Lộc và Trung Lộc. Các cánh đồng mẫu này có diện tích 10 ha và chỉ dành riêng một loại giống có năng suất cao nhất”. Đó là lời tâm sự của cán bộ nông nghiệp trong chuyến đưa tôi đi thị sát cánh đồng mẫu. Tôi cầm trên tay bông lúa trĩu hạt, ngợp mắt giữa màu vàng, giữa mùi hương lúa càng hiểu thêm giá trị khoa học, của sức lao động và cả cuộc vật lộn gian nan để kết tinh được bông lúa này.

Mừng lắm, năm nay, Can Lộc lại được mùa toàn diện, vụ xuân với 8.950 ha, trà xuân muộn chiếm hơn 93% diện tích, năng suất bình quân đạt 57 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 5.016 tấn, tăng 1.737 tấn so với vụ đông xuân năm 2011-2012.

Tôi nghĩ con số này chưa dừng lại ở đây bởi Can Lộc đang dồi dào sinh lực và tiềm năng, tiềm năng ấy được nhen lên từ ngọn lửa hồng lịch sử.

Phan Thế Cải
Nguồn baohatinh.vn