“Ly nông bất ly hương”, Can Lộc “rải thảm” thu hút đầu tư
- Thứ hai - 29/05/2017 22:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc Thiên Lộc (cụm tiểu thủ công nghiệp Hạ Vàng) sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Can Lộc có nhiều tiềm năng, lợi thể để phát triển TTCN, nhất là thuận lợi về hệ thống hạ tầng giao thông; ngành nghề phát triển đa dạng, phong phú… Toàn huyện hiện có 2 cụm TTCN Hạ Vàng và Yên Huy.
Cụm Hạ Vàng được thành lập từ năm 2007 với tổng diện tích 24,41 ha, hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, hàng năm nộp ngân sách trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động. Cụm TTCN Yên Huy được tỉnh phê duyệt từ năm 2015 với diện tích 12 ha, có tổng mức đầu tư 32,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc phát triển TTCN trên địa bàn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, còn thiếu bền vững. Ví như cụm TTCN Hạ Vàng sau 10 năm mới có 6 dự án được cấp phép đầu tư; cụm TTCN Yên Huy do chưa huy động được nguồn vốn xây dựng hạ tầng đủ để đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng còn có vướng mắc nên chưa được triển khai. Còn các làng nghề làm chiếu cói ở làng Nam Sơn, nghề nề ở Tân Vĩnh - thị trấn, Tiến Lộc, Xuân Lộc; đan lát tre mây ở Khánh Lộc, Vĩnh Lộc; nghề mộc ở Yên Lộc… thì hầu hết đã bị mai một và mất dần.
Trước thực trạng này, Can Lộc xác định phát triển TTCN và các làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn với mục tiêu “ly nông bất ly hương”.
Với mục tiêu đặt ra, Can Lộc sẽ thu hút, kêu gọi thêm 5 nhà đầu tư vào cụm TTCN Hạ Vàng, lấp đầy khoảng 70%; hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống hạ tầng giai đoạn I cụm TTCN Yên Huy để thu hút 15 doanh nghiệp “đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đối với làng nghề, huyện đang tìm hiểu, nghiên cứu du nhập các ngành nghề mới như sản xuất đồ mỹ nghệ, hàng lưu niệm để phục vụ khách du lịch...
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện chú trọng giải pháp phối hợp với các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm TTCN Yên Huy, làng nghề mộc, nề để đưa các hộ, các cơ sở ra sản xuất tập trung. Đối với cụm TTCN Hạ Vàng ở Thiên Lộc, huyện sẽ có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hạ tầng ngoài hàng rào. Thông qua hội đồng hương, huyện tiếp tục kêu gọi con em là chủ doanh nghiệp trong cả nước về đầu tư, đặc biệt ưu tiên ngành nghề sản xuất bao bì, may mặc, vật liệu kinh doanh và phân bón... Riêng làng nghề sẽ tập trung khôi phục làng nghề chiếu cói Nam Sơn (thị trấn Nghèn).
Ngoài ra, Can Lộc, huyện tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc, trong đó, những dự án trước đây thuê đất tại cụm TTCN nhưng không hoạt động sản xuất thì đề xuất với các cấp, ngành liên quan thu hồi hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển nhượng sang đơn vị khác đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở CN – TTCN, làng nghề đổi mới thiết bị, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực…, mang lại sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn