Nuôi ong vùng trà sơn Can Lộc - chờ cơ hội mới từ Farmstay

Nuôi ong vùng trà sơn Can Lộc - chờ cơ hội mới từ Farmstay
Cùng với phát triển diện tích trồng cây ăn quả, nghề nuôi ong đang được người dân vùng trà sơn Can Lộc (Hà Tĩnh) mở rộng với mong muốn hình thành nên sản phẩm du lịch trải nghiệm nông trại (Farmstay).

Nuôi ong vùng trà sơn Can Lộc - chờ cơ hội mới từ FarmstayMạnh dạn áp dụng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến nay, gia đình ông Lê Văn Thống ở thôn Thái Xá 1 (Mỹ Lộc) đã có thêm nguồn thu mỗi năm hàng chục triệu đồng

Nằm trên tuyến đường quốc lộ 15A đoạn gần Khu di di tích Ngã ba Đồng Lộc, ông Lê Văn Thống ở thôn Thái Xá - xã Mỹ Lộc khá thuận lợi để đưa sản phẩm mật ong của gia đình đến với người dân trong vùng cũng như du khách.

Ông Thống cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng đào nhưng năm 2010, sau khi có dự án nuôi ong về tập huấn, chuyển giao công nghệ, tôi đã nắm bắt và quyết tâm làm mô hình thử nghiệm. Vừa học hỏi vừa làm, đến nay, ngoài nuôi ong lấy mật, tôi còn san đàn để bán, nguồn thu từ ong mỗi năm cũng có thêm hàng chục triệu đồng”.

Nuôi ong vùng trà sơn Can Lộc - chờ cơ hội mới từ FarmstayNuôi ong được xem là nghề phụ, làm chơi mà ăn thật

Là một trong những hộ đi đầu trong nghề nuôi ong, đến nay, gia đình anh Trần Văn Bình ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc có số lượng đàn ong khá lớn. Mỗi năm gia đình thu gần 50 triệu đồng từ 40 đàn ong mật và việc san đàn để bán. Anh Hùng đang tích cực hỗ trợ bà con trong vùng về mặt kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong…

Từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật của dự án nuôi ong và những mô hình đi đầu như ông Thống, anh Bình, đến nay, vùng trà sơn Can Lộc đã có khoảng 100 hộ nuôi ong. Lợi thế của vùng đất này đó là diện tích rừng, diện tích trồng các loại cây ăn quả lớn nên chất lượng mật rất tốt. Với nhiều người dân ở nơi đây, ngoài nguồn thu chính là các trại cam và chăn nuôi gia súc gia cầm, nghề nuôi ong dù là nghề phụ, làm chơi mà ăn thật.

Nuôi ong vùng trà sơn Can Lộc - chờ cơ hội mới từ FarmstayGia đình anh Sơn có thêm nguồn thu đáng kể từ nghề nuôi ong

Anh Phan Văn Sơn ở thôn Anh Hùng xã Thượng Lộc cho biết: “Thu nhập chính của gia đình tôi chủ yếu là cam và gà, tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình nuôi ong được nhiều người áp dụng nên tôi cũng thử với mục đích có thêm trải nghiệm và tận dụng được nguồn mật hoa trong trang trại. Thế nhưng, với 10 đến 15 đàn ong, mỗi năm tôi cũng đã có thêm nguồn thu vài chục triệu đồng”.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, xã Thượng Lộc có khoảng 360 đàn được nuôi theo kiểu tự nhiên và tập trung ở hơn 20 hộ.

Nuôi ong vùng trà sơn Can Lộc - chờ cơ hội mới từ FarmstayDu khách trải nghiệm về quy trình làm mật của ong và mua sản phẩm ngay tại gia đình

Chị Hoàng Tuyết - một du khách đến từ thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Đến với vùng thượng Can Lộc, ngoài việc tham quan trang trại trồng cây ăn quả, chúng tôi còn được tận mắt xem nông dân lấy mật và nghe chia sẻ về quy trình làm mật, đời sống của loài ong. Mật ong tại vườn chất lượng cũng rất đảm bảo bởi đây là vùng hoa tự nhiên”.

Ong nuôi tự nhiên nhờ các loại hoa rừng, hoa cam bưởi, mỗi tổ ong người nuôi chỉ lấy 5-6 chai nên chất lượng mật đảm bảo. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi ong một cách quy mô vẫn chưa thể được triển khai bởi nỗi lo đầu ra sản phẩm. Người dân đang chờ đợi cơ hội phát triển mới khi huyện Can Lộc xúc tiến phát triển hình thức du lịch trải nghiệm Farmstay gắn với các sản phẩm nông nghiệp ở vùng trà sơn.

Theo baohatinh.vn