Phát triển bền vững thương hiệu Cam Thượng Lộc

Ngày 9/1/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố Quyết định số 1016/QĐ-SHTT về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cam Thượng Lộc. Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của thương hiệu Cam Thượng Lộc.
Nhãn Hiệu chứng nhận Cam Thượng Lộc

Cây cam chanh có mặt 15 năm qua và phát triển rộng rãi trên đất vùng Trà Sơn với vai trò là cây trồng hàng hóa. Giống cam chanh Thượng lộc được nhân giống từ các cây đầu dòng cam chanh thuộc vùng Trà Sơn đã được công nhận theo Quyết định số 18/QĐ-SNN, ngày 13/01/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Tính chất đất và khí hậu đặc thù của vùng trồng cam tạo ra chất lượng đặc trưng của cam Thượng Lộc.

 

Để phát triển thương hiệu Cam Thượng Lộc một cách bền vững, huyện Can Lộc đã xây dựng hướng đi cho cây cam nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trong đó đặc biệt quan trọng là việc lựa chọn cây giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm Cam Thượng Lộc phải thực hiện đúng kỹ thuật nhằm bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường đồng nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm mang nhãn hiệu Cam Thượng Lộc theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Can Lộc cho biết: Để phát triển bền vững thương hiệu Cam Thượng Lộc, khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường hiện nay, UBND huyện Can Lộc đã giao cho Ban quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Cam Thượng Lộc kiểm soát việc tuân thủ của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khi thu hoạch cây cam phải được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là biện pháp được ngành nông nghiệp huyện Can Lộc triển khai hướng dẫn nông dân để phát triển diện tích trồng cây cam Thượng Lộc bền vững từ nay đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030.

Xác định được những tiềm năng, lợi thế của cây cam chanh Thượng Lộc trong việc phát triển kinh tế mang tính bền vững và xoá đói giảm nghèo, UBND huyện Can Lộc đã có chiến lược phát triển cây Cam Thượng Lộc trong thời gian tới, cụ thể: Tập trung phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng Cam Thượng Lộc lên 800 ha vào năm 2020, trong đó có 400 ha diện tích cây cho quả, nâng tổng sản lượng quả đạt trên 8.000 tấn/năm. Mục tiêu phát triển cam Thượng Lộc là vừa phát triển diện tích và vừa thâm canh tăng năng suất, chất lượng vườn cây đã có. Tập trung, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hoá, phát triển các trang trại sản xuất Cam Thượng Lộc có quy mô, sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Dự kiến đầu tư thâm canh đưa năng suất đạt 26 tấn/ha vào năm 2018 và tăng năng suất lên 30 tấn/ha vào năm 2020.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam Thượng Lộc góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của quê hương, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững cũng như phát triển một ngành hàng hóa có tiềm năng của địa phương của huyện Can Lộc mang tính bền vững, cung cấp sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới./.

Theo Thu Hà - Phòng Văn hóa&TT/canloc.gov.vn