Về Mỹ Lộc gặp “Nữ tướng” vác tù và hàng tổng
- Chủ nhật - 28/10/2018 05:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ người nông dân sản xuất giỏi
PCT UBND huyện Bùi Huy Cường trao Giấy khen cho chị Trần Thị Hương
Chị Hương và con gái vui mừng dự Lễ vinh danh
Chị Trần Thị Hương (1984) ở thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, là một người nông dân thực thụ, dáng người nhỏ thó, dẫu quanh năm quần quật với ruộng vườn nhưng làn da khá trắng trẻo, ửng hồng, khuôn mặt khá cương nghị, luôn nở nụ cười đôn hậu, dễ mến. Học hết THPT, bao bạn bè trang lứa chọn con đường học đại học, học nghề, vào miền Nam làm công nhân hoặc sang Thái Lan với ước mộng đổi đời, chị lại chọn con đường không giống ai: Quyết tâm là người nông dân giỏi.
Chị Hương chăm sóc đàn lợn của gia đình
...và vui mừng trước những kết quả học tập và phần thưởng của con gái
Chị Hương kể, dẫu quyết tâm sắt đá đến mấy nhưng khi đối mặt với những khó khăn chồng chất của người nông dân quê nghèo thì không phải chuyện dễ: dăm sào ruộng, một mảnh vườn nhỏ, thiếu vốn, thiếu kiến thức, thời tiết bấp bênh, cây cối vật nuôi gặp sâu keo, dịch bệnh… Tìm một con đường để mưu sinh đã khó, ước mộng làm giàu lại càng khó bội phần. Nhưng chị vẫn quyết tâm theo con đường đã chọn.
Đã quyết là làm, chị sớm kết hôn với anh Trần Bỉnh Bình, cũng là một anh chàng nông dân có thêm nghề phụ thợ nề. Anh Bình cũng là con nhà nghèo, tính tình hiền lành, chăm chỉ. Tuy nhiên, đôi vợ chồng trẻ, cưới xong lại lo chuyện sinh con nên hơn 5 năm sau ngày cưới, cái nghèo vẫn cứ mãi đeo đẳng. Bốn năm sinh hai bé gái xinh xắn. Ở cái làng quê vẫn còn mang nặng tư tưởng nho giáo, hai vợ chồng đấu tranh tư tưởng mãi mới có thể đi đến quyết định không sinh con thứ ba, dẫu sinh con một bề là gái.
Nhưng sự quyết tâm trở thành người nông dân giỏi trong chị vẫn không hề lay chuyển. Từ đôi bàn tay trắng, hai vợ chồng quyết tâm làm nên sản phẩm, tăng thu nhập trên những mảnh đất mà mình sẵn có. Chị Hương kể, cái thiếu nhất của người nông dân chính là kiến thức khoa học, kĩ thuật. Hơn nơi nào hết, Hội nông dân là nơi có thể giúp được cho những người như chị. Nhờ quyết tâm, sau 2 năm, chị đã có 5 lợn nái, chuồng đủ nuôi từ 50-80 lợn thịt, chuồng trại được xử lí hầm bioga sạch sẽ. Lúa được chăm bón đúng kĩ thuật nên so với mặt bằng chung, gia đình chị thu hoạch cũng khá. Với tay nghề khá vững, siêng năng nên anh Bình cùng tổ thợ ngày càng có nhiều công trình. Cuộc sống từ đó ổn định, hai con gái đều là học sinh giỏi trường, giỏi huyện, xây cất được nhà kiên cố ấm cúng…dẫu không thể làm giàu nhưng cuộc sống cũng tạm ổn.
Đến “nữ tướng” vác tù và hàng tổng
8 năm gắn bó và trưởng thành trong vai trò là Chủ tịch chi hội nông dân thôn. Bước ngoặt đến khi cách đây hơn 2 năm, trong giai đoạn nước rút cao trào nhất của phong trào xây dựng Nông thôn mới, UBND xã, Chi bộ thôn thống nhất giao nhiệm vụ cho chị đứng ra ứng cử chức vụ thôn trưởng nhiệm kỳ mới.
Là cấp ủy viên, được cấp trên và chi bộ tín nhiệm giao nhiệm vụ, với bản chất tiên phong, gương mẫu, đặc biệt là được sự động viên san sẻ của chồng, chị Trần Thị Hương mạnh dạn ứng cử và tất nhiên được nhân dân trong thôn đồng tình nhất trí cao.
Chị Hương tâm sự, ban đầu cứ tưởng làm thôn trưởng thì khó khăn hơn làm chi hội trưởng nông dân một tí xíu, ai ngờ khi dấn thân mới biết có muôn vàn nhiệm vụ của người “vác tù và hàng tổng” không phải dành cho phụ nữ. Chị kể cho chúng tôi nghe một lô xích xông công việc trên trời dưới đất, có những việc tưởng chừng như là việc riêng của mỗi gia đình như con lợn thả rông, con bê sụt chuồng, vứt rác không đúng nơi quy định…Rồi chuyện vợ chồng cãi cọ, hàng xóm mâu thuẫn…Tất cả đều được người dân kêu đến trong vai trò là vị trọng tài, cán bộ hòa giải…
Trước câu hỏi, vậy đâu là thế mạnh, đâu là khó khăn của một nữ trưởng thôn? Không cần suy nghĩ, chị Hương nói ngay: “Thuận lợi ư? Có. Đó là nhờ cái tính mềm dẻo, nhỏ nhẹ cộng thêm sự quyết đoán của tính cách nên dễ thuyết phục được người dân đồng tình, cấp trên vẫn có đôi chút ưu ái, quan tâm trong công tác chỉ đạo. Thuận lợi nữa của riêng tôi là được chồng luôn ủng hộ và giúp sức. Còn khó khăn ư? Như trên tôi đã kể, đúng là muôn vàn cái khó khăn chồng chất: Vừa phải cáng đáng việc gia đình, vừa cáng đáng việc của tập thể nên không phải làm việc bằng hai mà phải bằng ba, bằng bốn. Công việc thất thường, đi đêm về hôm. Nhưng theo tôi, khó khăn nhất vẫn là nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Khi mới nhận nhiệm vụ trưởng thôn, xã và thôn mới xây dựng được Nhà văn hóa giữa ngổn ngang bùn đất. Ước tính sơ bộ, cần phải mất đến hàng nghìn ngày công, gần 400 triệu đầu tư mới có thể làm nỗi. Mới đầu cầm cái bản khái toán mà choáng. Thôn đứng ra huy động một lúc gần nửa tỉ chắc chắn là điều không thể, tất cả các nhà thầu đều từ chối làm nợ vì sợ không có tiền thanh toán, trong khi đó nhiệm vụ thì vẫn phải hoàn thành. Phải hơn một tuần nằm đập óc suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng tìm ra lời giải. Đó chính là tiểu ban mặt trận, cụ thể là các chi hội đoàn thể. Cứ xé nhỏ ra từng công việc nhỏ hơn, thấy vừa sức nên các chi hội nhận nhiệm vụ trước mắt huy động hội viên cho vay, đứng ra nợ vật liệu của đại lí rồi huy động ngày công của đoàn viên, hội viên…Sau cuộc họp chi ủy và chi bộ, 100% tiểu hạng mục đã có đoàn thể đảm nhận: Hội nông dân xây nhà ăn, bếp ăn trị giá 125 triệu, Hội Cựu chiến binh xây tường bao 70 triệu, Hội phụ nữ san lấp mặt bằng, làm bồn hoa cây cảnh…Những “nhà thầu bất đắc dĩ” không những làm được mà còn làm tốt chất lượng công trình. Về thu tiền trả nợ, một lần nữa, các chi hội cũng bắt tay vào vận động đóng góp trong 2 năm, đến nay về cơ bản đã trả xong số tiền nợ 340 triệu đồng cho các chi hội. Nghĩ lại, giờ vẫn như còn trong mơ. Đúng là “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Trao đổi về những kết quả mà thôn và cá nhân thôn trưởng Sơn Thủy đạt được trong thời gian qua, ông Trần Đình Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao những thành tích của cán bộ và nhân dân thôn Sơn Thủy đã đạt được, trong đó không thể không nhắc đến cá nhân thôn trưởng. Đồng chí Trần Thị Hương mặc dầu là nữ nhưng đã vượt qua được những khó khăn, luôn quyết tâm và quyết đoán trong mỗi công việc, đặc biệt là tiên phong gương mẫu, mềm dẻo sáng tạo nên được người dân ủng hộ. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn Sơn Thủy được xếp vào tốp đầu của phong trào. Cả thôn Sơn Thủy và cá nhân đồng chí Hương được UBND huyện tặng giấy khen. Mới đây nhất, hai mẹ con chị Hương được Hội phụ nữ và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện tuyên dương thành tích gia đình sinh con một bề là gái không sinh con thứ ba, nuôi dạy con tốt”.
Ông Trần Trí Quang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã trao đổi: “Tôi được đảng ủy phân công làm cán bộ chỉ đạo thôn. Đúng là đứng trước khối lượng công việc khổng lồ trong phong trào xây dựng Nông thôn mới mà chị Hương đủ bản lĩnh để vận động, thuyết phục được cấp ủy, các tổ chức đoàn thể và nhân dân thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ là một minh chứng rõ ràng nhất về vị nữ thôn trưởng. Điều đặc biệt là ngoài việc thôn, chị là tấm gương về sản xuất, chăn nuôi giỏi, tham gia hầu hết các phong trào như văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền…Người dân thôn Sơn Thủy thường tếu táo gọi chị là một “nữ tướng vác tù và hàng tổng”.
Giấc mộng làm giàu từ nghề nông của chị Trần Thị Hương vẫn chưa thành nhưng chị đã có được một khối tài sản khổng lồ không mấy người phụ nữ có được: Nữ thôn trưởng có uy tín được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Theo Quốc Hiệp/canloc.hatinh.gov.vn