Đức Thọ - Người văn hóa, làng xã văn minh
- Thứ bảy - 01/10/2016 23:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trên quê hương Tổng Bí thư Trần Phú
Ông Nguyễn Văn Đức – Trưởng phòng VHTT huyện Đức Thọ cho biết: “Xây dựng thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa là một nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ban Chỉ đạo huyện đã làm tốt công tác xét công nhận, khen thưởng các danh hiệu văn hóa. Hàng năm, huyện ban hành bảng chấm điểm các danh hiệu văn hóa, đồng thời, hướng dẫn cụ thể, chi tiết nội dung các tiêu chí và quy trình bình xét; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thường xuyên bám địa bàn, xuống tận cơ sở để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo kịp thời”.
Nhờ đó, phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Vai trò tự quản và ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng cũng nhờ đó được nâng lên rõ rệt. Mỗi người dân, mỗi thôn, tổ dân phố đều ra sức thi đua, phấn đấu để tạo nên diện mạo mới cho thôn xóm, khu dân cư. Khí thế thi đua sôi nổi hiện hữu trong từng con đường, góc phố, trong mỗi nhà dân thực sự đã đưa phong trào đi vào chiều sâu. Tính đến nay, trên toàn huyện đã có 124/155 thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa.
Nghề đóng tàu truyền thống ở thôn Bến Đền, xã Trường Sơn
Nhà văn hóa tổ dân phố 7 (thị trấn Đức Thọ) buổi chiều muộn, các cụ già trong những bộ đồng phục thể thao đang sôi nổi đánh bóng chuyền hơi. Nhìn các cụ ông, cụ bà đã lớn tuổi nhưng vẫn đập bóng, phát bóng hăng hái không kém gì thanh niên, chúng tôi không khỏi vui lây niềm vui của tuổi già. Ông Phan Trọng Thục – Tổ trưởng vui vẻ: “Hôm nay đến phiên của các cụ tập thể thao đấy. Diện tích sân nhà văn hóa nhỏ mà nhu cầu luyện tập của người dân trong tổ cao nên chúng tôi phải phân chia lịch cụ thể. Hôm nay, các cụ tập bóng thì hôm khác thanh niên tập võ, các cháu thiếu nhi đá bóng… đảm bảo ai cũng được tham gia hoạt động tại không gian chung này. Từ những buổi sinh hoạt cộng đồng như thế này đã giúp gắn kết mọi người sau những giờ làm việc căng thẳng, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi để làm việc tốt hơn”.
Được biết, ngoài thế mạnh là hoạt động văn hóa, thể thao, tổ dân phố 7 là đơn vị đi đầu của thị trấn Đức Thọ trong xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Với 90% là cán bộ, công chức và hưu trí, người dân nơi đây nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nếp sống mới, góp phần vào công cuộc phát triển chung của huyện. Với những thành tích đạt được trên các lĩnh vực như phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường văn minh đô thị…, tổ dân phố 7 đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng văn hóa năm 1997; trong đợt tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được UBND tỉnh tặng bằng khen. Trong đợt tổng kết 15 năm này, đơn vị tiếp tục được chọn đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen.
Phong trào thể dục thể thao được đông đảo tầng lớp nhân dân TDP 7 thị trấn Đức Thọ hưởng ứng tích cư, góp phần xây dụng nếp sống văn minh đô thị
Rời nhà văn hóa tổ dân phố 7, chúng tôi tìm đến thôn Bến Đền (xã Trường Sơn). Bước chân đến đầu làng đã nghe lạch cạch tiếng đục, xè xè tiếng máy cưa, mùi hăng hắc của những thớ gỗ. Ông Thái Mạnh Hào - Bí thư chi bộ thôn tự hào giới thiệu về nghề truyền thống của làng mình: “Nghề mộc ở đây có từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 và được lưu truyền cho đến ngày nay. Có thời kỳ gần bị mai một, nhưng từ khi phát động cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, các mô hình kinh tế nói chung và nghề mộc nói riêng được chính quyền khuyến khích người dân phát triển. Hiện nay, toàn thôn có khoảng 150 hộ làm nghề mộc, chủ yếu là đóng thuyền. Đàn ông thì theo nghề cha ông để lại, đàn bà làm bún, bánh đúc, kẹo lạc… Dân Bến Đền đã có cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn xưa”.
Kinh tế ổn định là điều kiện, động lực để người dân nơi đây tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Bộ mặt thôn xóm đã đổi thay từng ngày với những ngôi nhà cao đẹp, đường làng, ngõ xóm thông thoáng; đời sống tinh thần của người dân phong phú; tình làng, nghĩa xóm càng gắn kết qua những hoạt động chia sẻ, giúp đỡ nhau khi có việc hiếu, hỷ… Thôn cũng đang được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho những nỗ lực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Những điển hình như trên đã tạo sức lan tỏa trong quá trình thực hiện phong trào, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện tham gia. Về Tùng Ảnh, Trung Lễ, Trường Sơn, Yên Hồ... hôm nay, mới cảm nhận được sự đổi thay, sức sống của những miền quê nông thôn mới. Truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, ý chí tự lực, tự cường được phát huy, các giá trị văn hóa đã thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng khu dân cư, làm nền tảng tư tưởng vững chắc. Nhờ đó, nguồn lực vật chất và tinh thần từ nhân dân được huy động một cách tối đa, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.
Theo: Kiều Minh/baohatinh.vn