Đức Thọ quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới

Tính đến năm 2016, huyện Đức Thọ có 11/27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhìn chung, các địa phương đã duy trì tiêu chí đạt được, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy vậy, có một số tiêu chí dễ biến động, đòi hỏi phải tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng.
Nhà văn hóa thôn Bình Hà, xã Thái Yên

Phấn đấu đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn còn khó hơn”

Đó là nhận xét của nhiều đồng chí lãnh đạo các xã khi đề cập đến việc giữ vững và nâng cao chất lượng một số tiêu chí nông thôn mới sau khi đã “về đích”. Trong 20 tiêu chí nông thôn mới, việc giữ vững và phát huy hiệu quả các tiêu chí về cơ sở vật chất như: Giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, một số tiêu chí “mềm” như: Thu nhập, môi trường, an ninh, trật tự xã hội, tỷ lệ hộ nghèo được xem là khó. Ví dụ, trên địa bàn xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc vụ gây rối trật tự xã hội là năm đó xã không duy trì được tiêu chí an ninh trật tự. Tiêu chí môi trường cũng khá “nhạy cảm” do kết quả phụ thuộc nhiều vào kinh phí, điều kiện thời tiết và đặc biệt là ý thức của người dân. Các tiêu chí văn hóa, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo cũng dễ biến động, khoảng cách giữa đạt và không đạt của các tiêu chí cũng rất mong manh.

Tùng Ảnh là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2013), thời gian qua việc giữ vững tiêu chí an ninh trật tự rất khó khăn, bởi xã có nhiều tuyến đường đi qua, giáp ranh với huyện Hương Sơn và Nam Đàn (Nghệ An). Xã Thái Yên với đặc điểm là làng nghề mộc truyền thống, dân cư đông, vì vậy để giữ  tiêu chí môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn là một bài toán khó. Xã Đức La nằm ở vùng ngoài đê, hàng năm chịu nhiều đợt lũ lụt nên ảnh hưởng đến cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, thủy lợi…

 Quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí

Từ thực trạng đó, với quyết tâm xây dựng huyện Đức Thọ đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra mục tiêu phấn đấu có 09 xã về đích trong năm 2017, đồng thời quan tâm chỉ đạo các địa phương giữ vững và phát huy các tiêu chí đã đạt. Ngày 7/8/2017, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quy định số 402-QĐ/HU “về vai trò, trách nhiệm của cán bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xây dựng Thị trấn đạt chuẩn Văn minh đô thị”, trong đó quy định: Đối với nhóm xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nếu bị tụt các tiêu chí đã đạt và bị Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Bằng công nhận thì đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trước Ban Chấp hành Đảng ủy, Ban Chỉ đạo nông thôn mới của xã và có hình thức xử lý kỷ luật đối với từng trường hợp cụ thể, đồng thời Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ xem xét bố trí công tác khác hoặc cho thôi chức vụ lãnh đạo, quản lý của địa phương.

 
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra các tiêu chí nông thôn mới tại xã Tùng Ảnh  

Thực hiện chủ trương nói trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giữ vững và phát huy các tiêu chí đã đạt, nhất là những tiêu chí dễ biến động.

Đồng chí Phan Tiến Dũng - Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã xã Tùng Ảnh cho biết: “Phương châm của địa phương là phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử. Điểm tựa vững chắc để làm được điều đó chính là công tác đảm bảo an ninh trật tự. Đảm bảo an ninh trật tự ở Tùng Ảnh không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của lực lượng công an mà là sự vào cuộc của toàn dân. Hiện nay, xã đã xây dựng Tổ an ninh tự quản tại 12/12 thôn và các tổ dân cư an toàn văn hóa, tổ hòa giải thôn, mô hình Dòng họ an toàn văn hóa, câu lạc bộ phòng chống tội phạm của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… Do vậy, trên địa bàn thời gian qua không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường cho làng nghề, cấp ủy, chính quyền xã Thái Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng các quy định về bảo vệ môi trường; vận động một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng 03 lò phun sơn, dần dẹp bỏ các điểm phun sơn nhỏ lẻ trong các khu dân cư, xử phạt hành chính đối với các điểm phun sơn gây ô nhiễm môi trường, vì thế nhân dân rất đồng tình và nghiêm túc thực hiện.

Xã Đức La thường xuyên bị bị ảnh hưởng bởi lụt bão nên việc phòng, tránh thiên tai được đặt lên hàng đầu, trọng tâm là tuyên truyền nhân dân có ý thức bảo vệ của công, cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn, xóm, thường xuyên gia cố trạm bơm, kênh mương; các thôn, xóm tổ chức nhiều chiến dịch làm sạch môi trường, dọn dẹp bùn lầy rác đọng, khơi thông các ao hồ, cống rãnh... nên cơ bản duy trì được các tiêu chí đã đạt, nhất là tiêu chí cơ sở văn hóa, môi trường.   

Giữ vững các tiêu chí đã đạt là thách thức đối với nhiều xã, bởi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới mới chỉ là kết quả bước khởi đầu, vấn đề quan trọng hơn là phải giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để làm được điều này, đòi hỏi các xã đạt chuẩn phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Trần Quốc Dũng - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ
http://hatinh.dcs.vn/