Phía sau thành công cán đích Nông thôn mới ở Trung Lễ

Phía sau thành công cán đích Nông thôn mới ở Trung Lễ
Xuất phát là một xã khó khăn, thế nhưng nhờ vào sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân địa phương nơi đây, xã Trung Lễ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đang “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống người dân càng sung túc, ấm no. Theo kết quả đánh giá xây dựng Nông thôn mới, Trung Lễ “cán đích” vào cuối năm 2015 và vẫn tiếp tục phát triển hơn nữa các tiêu chí đặt ra.

Đổi thay một vùng quê

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Trung Lễ (Đức Thọ - Hà Tĩnh) là môt trong ba xã của huyện Đức Thọ, trong 26 xã điểm của tỉnh được UBND Tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu về đích năm 2015. Trung Lễ xây dựng nông thôn mới dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trong đó, sản xuất nông nghiệp của xã Trung Lễ có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ còn chậm, chưa phát huy được tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết.

 

Chủ tịch UBND xã Trung Lễ

 

Bên cạnh đó, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa có đội ngũ xây dựng nông thôn mới chuyên nghiệp, trình độ năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều lúng túng khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vượt qua những thử thách đó với tinh thần “Tất cả vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới”. Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị ở địa phương từ xã đến các thôn xóm, đã tạo nên động lực thúc đẩy khí thế thi đua hưởng ứng của tầng lớp nhân dân đồng sức, đồng lòng đóng góp ngày công, tiền của để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, đến nay Trung Lễ đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Đảng bộ và nhân dân đã biến điểm yếu trở thành điểm mạnh của địa phương. Trước đây, với lối sản xuất nhỏ lẻ “mạnh ai nấy làm” nên năng suất lúa ở địa phương chưa cao. Đứng trước thách thức đó, chính quyền đã mạnh dạn quy hoạch xây dựng mô hình sản xuất lớn: vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao 150ha, trong đó có 167 hộ tham gia, gồm thôn Trung Tiến và thôn Trung Khánh. Hàng vụ chỉ cơ cấu một loại giống trên cánh đồng, bằng các loại giống có năng suất chất lượng cao. Liên kết tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã thu mua nông sản xã Đức Lâm để tiêu thụ sản phẩm.

Song song với mô hình sản xuất lúa lớn là mô hình chuyên sản xuất lúa giống diện tích 20ha, trong đó có 35 hộ tham gia. Hằng năm, Trung Lễ liên kết với công ty giống cây trồng Hà Tĩnh để cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm.

Không những lấy nông nghiệp làm nòng cốt trong phát triển kinh tế, để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương còn mạnh dạn xây dựng và phát triển các mô hình chăn nuôi qui mô lớn, vừa và nhỏ. Trong đó, đáng chú ý là Trung Lễ đã phối hợp với Tập đoàn Hoành Sơn xây dựng dự án chăn nuôi bò thương phẩm giống ngoại tại thôn Trung Khánh với diện tích 9,8ha, chăn nuôi từ 150 – 200 con/lứa, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.

Trung lễ là một xã thuần nông, lấy nông nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế, do đó hệ thống thủy lợi được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Hiện, toàn xã có 5 trạm bơm đều hoạt động tốt và có 18,71 km kênh mương đảm bảo tưới 100% diện tích cho người sản xuất và phục vụ dân sinh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo kỹ thuật của Bộ GTVT. Nhờ những nỗ lực để xây dựng về đích nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở xã Trung Lễ đã đạt mức 31,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,68%, hộ cận nghèo 14,5%, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao rõ nét.

ông Lê Văn Lương – Chủ tịch UBND xã Trung Lễ tự hào: “Trong những năm đầu xây dựng chủ trương nông thôn mới, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chưa chuyên nghiệp, gặp nhiều vướng mắc trong khâu tổ chức. Thế nhưng, bằng sự đồng lòng, đồng sức của toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân thì Trung Lễ đã về đích Nông thôn mới. Mặc dù kết quả tốt đẹp thế, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa để cái đích thực sự của Nông thôn mới không chỉ là trên giấy tờ mà thực tế đời sống nhân dân được đầy đủ, sung túc, thuận tiện hơn”.

Phía sau thành công ấy

Về Trung Lễ những ngày đầu hạ nắng gắt, chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự đổi thay nơi đây. Những cánh đồng thẳng cánh, trải dài một màu vàng ươm và nặng trĩu đầy hạt; những cung đường rợp bóng mát hàng cây…. tất cả như được gieo mầm sự sống.

 

Những con đường được bê tông hóa

 

Để đạt được thành quả đáng ghi nhận như hôm nay, không thể không nói đến sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng sức, đồng lòng của toàn thể người dân nơi đây.

Nắm lấy tay tôi, bà Trần Thị M. (60 tuổi, người dân thôn Trung Tiến) chia sẻ: “Gần nửa đời người, từng phải sống trong nhà lao bẩn thỉu của giặc Mỹ, giờ đây chứng kiến cảnh đổi thay của quê hương, bà vui lắm con ạ! Năm nay, nhờ chủ trương hình thành cánh đồng tập trung để sản xuất lúa nên năng suất lúa tốt hơn, gặt hái cũng thuận lợi hơn; chỉ cần thế là người nông dân vui hơn rồi!”.

Ông Nguyễn Tứ (một người dân trong xóm) chia sẻ: “Phấn khởi lắm, bây giờ đi trên đoạn đường nào cũng được bê tông hóa, thuận lợi lắm. Chứ ngày trước đường bẩn, nhỏ mỗi lần mưa to là di chuyển không được. Để được thế này, là cả cán bộ xã và nhân dân cùng làm. Đặc biệt là vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, không kể dân hay cán bộ, ai cũng góp sức, góp công”.

 

Chị Trần Thị Hà chăm sóc đàn lợn gần 100 con

 

Chị Phan Thị Hoa (chủ một tạp hóa trong xã) hớn hở: “Các chú không biết đâu, cán bộ xã này có trách nhiệm với dân lắm. Nhiều lần họ xuống tận từng hộ gia đình vận động bà con hiến đất làm đường. “Gương sáng thì dễ soi”, người dân chúng tôi thấy cán bộ nhiệt huyết thì cũng cố gắng góp sức lực, tiền của để cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

“Có những lần để tiếp sức cho bà con, cán bộ xã còn xuống cầm ven, cuốc, để cùng dân trộn bê tông đổ đường. Phần lớn đường dân sinh ở đây là do cán bộ xã và nhân dân cùng bỏ mồ hôi, công sức làm nên” – Chị Hoa chia sẻ thêm

Mặc dù Trung Lễ đã hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2015, tuy nhiên để giữ vừng và phát triển thì còn rất nhiều khó khăn, thử thách phía trước. Đặc biệt, mục tiêu của nông thôn mới không chỉ dừng lại ở những tiêu chí đã đặt ra, mà quan trọng nhất là làm sao để nâng cao đời sống của người dân.


Theo: Bảo Trung - Quỳnh Nga/langmoi.vn