Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) những đổi thay sau 3 năm xây dựng Nông thôn mới

Những ngày này, bà con thôn Nam Trà (Hương Trà, Hương Khê, Hà Tĩnh) vui mừng, phấn khởi hơn ai hết, bởi thôn Nam Trà vừa được tỉnh Hà Tĩnh đánh giá là thôn kiểu mẫu xuất sắc và được chọn điểm sơ kết nhân rộng toàn tỉnh. Đến với thôn Nam Trà những ngày này, phóng viên cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên trước những đổi thay không ngờ mà Nông thôn mới đem lại cho bà con nơi đây.
Mô hình kinh tế vườn
           Nam Trà có diện tích 50 ha, 116 hộ, 375 nhân khẩu, phân bố thành 6 tổ liên gia, là vùng đất bán sơn địa sát với đường mòn Hồ Chí Minh. Thôn có truyền thống văn hóa và là đơn vị đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp tỉnh đã gần 20 năm nay; năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về khu dân cư kiểu mẫu, cũng trong năm 2013 thôn được Tỉnh ủy Hà Tĩnh công nhận là thôn đạt danh hiệu  "dân vận khéo tiêu biểu".
            Ngày 15/4/2013, công văn số 1001/UBND-NL1 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định xây dựng thôn Nam Trà thành thôn kiểu mẫu. Dưới sự lãnh, đạo, chỉ đạo, quan tâm của hệ thống chính trị, sự năng nổ của lãnh đạo thôn và sự đoàn kết, nhất trí cao của bà con, đến nay công tác xây dựng thôn kiểu mẫu đã hoàn thành. 109/116 hộ có nhà ở đạt theo tiêu chuẩn 3 cứng, diện tích phù hợp, có các công trình phụ trợ đạt chuẩn.   Trong 3 năm qua, toàn thôn đã làm mới được 23 nhà trị giá hơn 7 tỷ đồng, sửa chữa 13 nhà trị giá 650 triệu đồng. Song song với đó đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng lên. Năm 2013, thôn có 15 hộ giàu, 50 hộ khá, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,86%; thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm.
              Con dường đi quanh thôn nay được bê tông hóa hoàn chỉnh với độ dày từ 14 – 16 cm, rộng 3,5 m, bao quanh các ngôi nhà là những hàng rào bằng cây như râm bụt, câu Mận Hảo... được cắt tỉa gọn gàng và bắt mắt. Trong năm 2013, bà con trong thôn đã hiến 1200 m2 đất; di dời, chặt phá 2500 cây các loại có giá trị kinh tế; làm mới 1.449 m đường giao thông. Hiện nay, 102/116 hộ có đường, ngõ bê tông vào tận nhà. Các tiêu chí như: nhà văn hóa, thiết chế văn hóa, hệ thống điện đều đảm bảo đạt theo tiêu chuẩn; 106/116 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100 % hộ có phương tiện nghe nhìn; 80/116 hộ có công trình vệ sinh đạt chuẩn.
 


Mô hình chăn nuôi 
 
            Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn  huyện Hương Khê ( Hà Tĩnh), với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của người dân, nhiều công việc, phần việc quan trọng đã được hoàn thành đúng kế hoạch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
            Những kết quả đã đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian vừa qua ở huyện Hương Khê có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc thay đổi nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp, các ngành và mỗi người dân. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 4 Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo thực hiện (Nghị quyết 03 về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; nghị quyết 04 về phát triển chăn nuôi; Nghị quyết 05 về đào tạo nghề-giải quyết việc làm; Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế trang trại) ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện (giai đoạn 2010-2020) với 34 thành viên, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban được phân công phân nhiệm chỉ đạo thực hiện trên mõi lĩnh vực phù hợp với khả năng và yêu cầu công việc, hoạt động dần đi vào nề nếp và đạt được những kết quả tích cực.
            Xác định công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM, để qua đó, huy động sức mạnh tổng thể, tạo đà cho mọi thắng lợi. Vì thế việc tuyên truyền, vận động trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người về xây dựng nông thôn mới được đặt lên hàng đầu; thực hiện tốt quy chế dân chủ để nhân dân được tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong cả quá trình triển khai thực hiện.  Song song với công tác tuyên truyền là công tác đào tạo, tập huấn cán bộ cho các đơn vị, địa phương; xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, số lao động qua đào tạo và có công việc ổn định trên 1.300 người.
            Xác định phải phát triển trước hết về cơ sở hạ tầng mới kéo theo các lĩnh vực khác, nhiều địa phương đã tập trung mạnh và có những cách làm sáng tạo trong xây dựng hạ tầng nông thôn. Một trong những thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Hương Khê là gắn xây dựng NTM với việc lồng ghép các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều nguồn lực được huy động.
            Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện, sau 3 năm triển khai, các tiêu chí về NTM đã được thực hiện, nhất là việc xây dựng cơ sở vật chất cho sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực, huyện đã huy động được 1.150.893 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong lĩnh vực văn hoá-xã hội, những năm qua, huyện cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, 21/21 xã đã phổ cập xong giáo dục THCS, 60 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; 15 xã có nhà văn hóa cộng đồng và sân thể thao; 231/237 thôn, xóm có hội quán để sinh hoạt; 75 thôn đạt danh hiệu văn hóa; 18/21 xã có hệ thống bưu chính hoạt động hiệu quả; 13 xã có internet về tận thôn; 60 % hộ có nhà ở đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16 %; 85 % dân sử dụng nước sạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 17%. Về y tế, toàn huyện có 6 xã có trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, năm 2014 phấn đấu thêm 5 trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn.
            Song song với việc thực hiện đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất thì công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân được lãnh đạo các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Ninh - PCT UBND huyện, Phó Ban chỉ đạo kiêm Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới là bảo đảm sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế với văn hóa và bảo vệ môi trường. Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần phát huy vai trò của liên kết "4 nhà": nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Trên thực tế, sự phối hợp giữa "4 nhà" trong phát triển kinh tế chưa chặt chẽ và đồng bộ. Việc xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ còn hạn chế, giữa các nhà thật sự vẫn có những khoảng cách lớn. Chính vì vậy, để xây dựng NTM ở Hương Khê thành công, trước hết phải chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân; theo đó phải xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân phải có sự đồng thuận cao.
            Đến nay, toàn huyện đã có trên 1200 mô hình phát triển theo hướng trang trại, gia trại, kinh tế vườn, bình quân diện tích gần 6ha/mô hình; giá trị sản xuất hàng hóa năm 2011 – 2012 đạt gần 380 tỷ đồng; cụ thể: Trên lĩnh vực chăn nuôi có 12 mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô 500 – 1200 con/lứa, hơn 400 mô hình có quy mô 30 – 100 con/lứa; các mô hình thực hiện liên kết với Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh; Công ty cổ phần CP Việt Nam; Công ty TNHH Hoàng Long... Toàn huyện có hơn 600 hộ phát triển kinh tế vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tổng thu nhập từ kinh tế vườn hằng năm trên 80 tỷ đồng; giá trị kinh tế/đơn vị diện tích đạt 44 triệu đồng/ha. Tiếp tục khuyến khích để hình thành các Tổ hợp tác, thành lập các HTX, các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; để phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã ít nhất có từ 3 đến 5 HTX, 5 đến 7 doanh nghiệp trở lên; mỗi xã có tối thiểu 30% hộ sản xuất liên kết ở quy mô nhỏ (các hộ cùng nhau tự nguyện thành lập các Tổ hợp tác). Đến cuối quý 1 năm 2014 xã Gia Phố và Hương Trà đã hoàn thành 19 tiêu chí Quốc gia XD nông thôn mới đã được Hội đồng thẩm định của huyện đánh giá đang trình các sở ngành của tỉnh kiểm tra công nhận. Bên cạnh đó xã Phúc Trạch và Phú Phong cũng đã hoàn thành từ 9 đến 10 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2014 mỗi xã này tăng thêm từ 3  đến 5 tiêu chí để phấn đấu về đích năm 2015. 
            Có thể nói, mặc dù còn nhiều khó khăn bước đầu trong xây dựng nông thôn mới, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân toàn huyện, Hương Khê đã đạt được những thành công đáng phấn khởi. Đây là tiền đề quan trọng để cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân huyện nhà tiếp tục thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.


 
Phan Hiền Mai
theo huongkhe.gov.vn