Khi linh mục đồng hành cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 12/11/2016 08:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước đây, để lo cho cuộc sống gia đình, anh Lê Đình Nam ở giáo xứ Ninh Cường, xã Gia Phố làm rất nhiều nghề nhưng nghề nào thu nhập cũng bấp bênh. Mấy năm nay, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những người lãnh đạo cao nhất của huyện đã về tận thôn, xóm, gặp gỡ trực tiếp người dân để tuyên truyền nhằm khơi dậy sự hăng hái, tích cực của mỗi người, nhất là trong phát triển kinh tế. Cộng vào đó, anh Nam cũng được cha xứ vận động, khuyến khích nên đã quyết tâm chuyển hướng làm ăn sang phát triển kinh tế trang trại. Mới hơn 1 năm bắt tay vào gây dựng nhưng đến nay mô hình của anh Nam đã thả 1.200 con lợn và trồng được 800 gốc bưởi, 1.500 gốc cam. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm bò và gà. Anh Lê Đình Nam, giáo dân xứ Ninh Cường, xã Gia Phố nói: “Nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và cha xứ bên giáo hội về việc vận động bà con phát triển kinh tế trang trại; trên cơ sở có sẵn đất và sự tạo điều kiện của chính quyền nên tôi đã tập trung phát triển kinh tế trang trại và việc phát triển kinh tế trang trại là chủ trương đúng bởi từ đây sẽ biến những vùng đồi thu nhập rất thấp thành vùng đồi có giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như khu vực của gia đình, trước đây gọi là đồng Bà Hầu, sản xuất lúa cả năm nhiều nhất được 5 tạ lúa, theo giá lúa bây giờ cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Bây giờ cũng diện tích này tôi xây dựng 2 chuồng lợn, 1 năm trừ thuê mượn rồi cũng thu được 600 triệu đồng”.
Đối với bà con giáo dân ở giáo họ Trại Nại, thuộc giáo xứ Thịnh Lạc, xã Lộc Yên thì những buổi cha quản xứ cùng với lãnh đạo huyện Hương Khê, lãnh đạo xã Lộc Yên về tận nhà, trực tiếp có mặt ở từng gốc bưởi, gốc cam đã không còn là chuyện hiếm gặp. Cha xứ động viên con chiên, còn chính quyền thì cung cấp chủ trương, chính sách, cung cấp những kiến thức về khoa học kỹ thuật để đồng bào giáo dân có điều kiện căn bản nhất bắt tay vào phát triển kinh tế vườn đồi. Linh mục Phan Đình Trung - Quản xứ Thịnh Lạc, huyện Hương Khê cho biết: “Tôi luôn tâm niệm rằng phải vận động con chiên của mình khai thác tiềm năng lợi thế của huyện Hương Khê chứ không thể dựa vào mì ăn liền như là chặt phá cây rừng để rồi làm hại đến đời sống sau này và hủy hoại môi trường. Vì vậy thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi của chính quyền huyện, tôi nắm được nhiều chủ trương trong phát triển kinh tế nên thường xuyên cùng với chính quyền các cấp xuống tận hộ gia đình, vận động con chiên phát triển kinh tế vườn đồi, chú trọng xây dựng các vườn mẫu để từ đó nhân rộng ra nhiều vườn trong giáo xứ”. Không chặt phá rừng hủy hoại tài nguyên, ảnh hưởng đến tương lai của những thế hệ sau này. Chủ trương đó của cấp ủy Đảng, chính quyền ở Hương Khê cũng chính là lời dạy của cha xứ trong các buổi đi lễ tại nhà thờ. Lời dạy của Cha xứ chính là sự cụ thể hóa những đường lối, chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hương Khê trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó, mũi nhọn là kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại và cây bưởi, cây cam được xác định là những sản phẩm chủ lực. Ông Nguyễn Văn Cường - Giáo dân giáo họ Trại Nại, giáo xứ Thịnh Lạc, xã Lộc Yên bày tỏ: “Cha thường dạy một mẫu trạch bằng bách mẫu điền, tức là một mẫu vườn phải bằng trăm mẫu ruộng nên các con cố gắng mà chăm sóc, tuyệt đối không phá rừng vì phá rừng tức là phá tương lai của ngày mai. Cha xứ của chúng tôi với cấp ủy Đảng, chính quyền đã rất nhuần nhuyễn trong thực hiện chủ trương này; Cha vận động, chính quyền tuyên truyền và cử cán bộ tập huấn, cung cấp kiến thức về khoa học kỹ thuật, về chăm sóc cây bưởi, cây cam và có nhiều chính sách hỗ trợ nên chúng tôi rất phấn khởi, tự tin để phát triển kinh tế vườn đồi”. Như vậy là với mục đích chăm lo đời sống cho Nhân dân và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hương Khê và nhiều Linh mục ở các giáo xứ trong huyện đã cùng hướng đến một chủ trương chung là xây dựng mối đoàn kết lương giáo, cùng nhau phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng lợi thế của huyện Hương Khê. Chính sự vào cuộc tích cực của các cha xứ nên hai năm trở lại đây, diện tích cam và bưởi của huyện không ngừng tăng lên. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2016 đã trồng mới được trên 600ha bưởi và cam các loại, nâng diện tích bưởi của huyện lên trên 1.800ha và trên 1.700ha cam. Đến nay, toàn huyện có 2.402 mô hình, trong đó có 100 mô hình quy mô lớn, 150 mô hình quy mô vừa, 2152 mô hình quy mô nhỏ. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, Hương Khê đã thành lập mới được 18 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã, 31 tổ hợp tác, nâng tổng số doanh nghiệp của huyện lên 256 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã và 203 tổ hợp tác. Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Mục đích hướng tới của cán bộ và các Cha xứ đều vì cuộc sống ấm no hơn, đầy đủ hơn cho mỗi người dân; mỗi con chiên và với cấp ủy Đảng, chính quyền thì lương hay giáo đều như nhau, đều vì sự phát triển của người dân, quê hương. Vì vậy, trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội thì chúng tôi đã có sự kết hợp chặt chẽ với các linh mục. Khi có tiếng nói chung, sự đồng thuận cao thì nhiều linh mục đã rất tích cực vận động con chiên của mình thực hiện tốt các phong trào mà cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai về cơ cở, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Với phương hướng, đường lối cụ thể đã được vạch ra và đặc biệt là với sự đồng hành của các linh mục sẽ là nền tảng vững chắc để cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Hương Khê lãnh đạo Nhân dân tạo nên sức vươn mới vì một nông thôn đổi mới, vì cuộc sống đủ đầy toàn diện hơn cho mỗi người dân. | ||
Nguyễn Tâm http://dbndhatinh.vn/ |