Thanh niên làm giàu trên vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh
- Chủ nhật - 15/03/2020 04:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới ở tuổi 25, nhưng đoàn viên Dương Văn Trung đã là “ông chủ” của vườn cam rộng 4 ha.
Vườn cam của đoàn viên Dương Văn Trung đã có gần 1.000 gốc
Bắt đầu từ năm 2016, sau hơn 3 năm dày công gây dựng, trang trại nay đã có gần 1.000 gốc, trong đó 360 gốc đã cho trái bói vụ đầu tiên, còn lại hơn 600 gốc đang trong quá trình phát triển. Vừa qua, vườn cam đã mang về thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng.
Trung chia sẻ: “Bố em mất sớm, gia đình neo người, để lại mảnh đất vườn đồi rất rộng. Nếu bản thân chọn con đường xuất khẩu lao động hay vào miền Nam làm ăn thì rất lãng phí. Trong khi đó, ở địa phương đã có nhiều anh chị đi trước thành công với các mô hình kinh tế vườn đồi, mang lại thu nhập khá. Vì vậy, em quyết định phát triển mô hình cam, cũng là thế mạnh của địa phương”.
... trong đó, 360 gốc đã cho trái bói vụ đầu tiên
Trên bước đường khởi nghiệp, bản thân em cũng đã gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn và kỹ thuật chăm sóc cây. Bên cạnh đó, Lộc Yên còn là vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, địa hình dốc, khiến công việc cũng trở nên vất vả hơn.
Tuy nhiên, với sự động viên từ gia đình, sự giúp đỡ của tổ chức đoàn, các anh chị đi trước, em vay vốn ngân hàng để đầu tư, kinh nghiệm trồng trọt cũng dần được tích lũy. Tới nay, dù chỉ mới là bước đầu, nhưng với sức trẻ và tâm huyết của mình, vườn cam của Trung hứa hẹn sẽ còn phát triển và mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Gia đình chị Diêu Hà thu nhập 70-80 triệu đồng/năm từ trồng nấm rơm
Cũng như đoàn viên Dương Văn Trung, anh Lê Hồng Tân (SN 1983) cùng vợ là chị Huỳnh Thị Diêu Hà đã trăn trở với mong muốn phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương. Sau một thời gian tham khảo trên mạng internet cũng như tham quan các mô hình trên địa bàn tỉnh, năm 2015, anh chị quyết định đầu tư trồng nấm.
Anh chị cho biết, ban đầu gia đình chỉ làm thử với 500 bịch phôi nấm. Việc buôn bán có phần thuận lợi, anh chị lấy ngắn nuôi dài, phát triển dần. Tới nay, gia đình đã có tới 10.000 bịch phôi, có nấm bán quanh năm. Gia đình cũng trồng thêm 140 gốc cam, bưởi kết hợp nuôi gia cầm tăng thu nhập.
Chị Diệu Hà cho hay: “Dù chưa tìm được đầu ra ổn định, tuy nhiên, việc bán lẻ ở chợ vẫn khá thuận lợi. Hiện thu nhập của gia đình mỗi năm từ nấm khoảng 70-80 triệu đồng, cùng các khoản khác từ cam, bưởi… Dù thu nhập chưa cao nhưng cũng đáp ứng cơ bản, chồng tôi cũng không còn phải đi làm ăn xa nhiều như trước đây”.
Được biết, hiện nay, trên vùng “rốn lũ” có 35 mô hình kinh tế thanh niên có mức thu nhập từ 100-700 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như trang trại tổng hơp VAC của anh Nguyễn Văn Tiềm với mức 700 triệu đồng/năm; trang trại cam bưởi của anh Nguyễn Văn Huấn cho thu nhập 250 triệu đồng/năm; đồi cam của anh Nguyễn Văn Nhân 350 triệu đồng/năm.
Để động viên ĐVTN làm giàu trên mảnh đất quê hương, Đoàn xã Lộc Yên đã thường xuyên tuyên truyền, tham quan, học hỏi các mô hình hiệu quả để đưa về phát triển tại địa phương; hỗ trợ thanh niên vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Huyện đoàn Hương Khê khảo sát mô hình trang trại tổng hợp của đoàn viên Tô Trọng Thiệu, xã Lộc Yên
Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt, hội nghị của tổ chức đoàn cũng là dịp để giao lưu học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm, tâm huyết tới những người bắt đầu khởi nghiệp. Đồng hành với các mô hình phát triển sản xuất, Đoàn xã đã đặt gian hàng giới thiệu sản phẩm thanh niên tại các nhà hàng, quán ăn nhằm quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng…
Bí thư Huyện đoàn Hương Khê Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Dù thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lũ, nhưng Lộc Yên vẫn là một trong những xã có nhiều mô hình kinh tế thanh niên nhất huyện Hương Khê. Phong trào thanh niên khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương đang phát triển mạnh, với thế mạnh là các loại cây cam, bưởi. Thời gian tới, đoàn thanh niên sẽ tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ, đồng hành hiệu quả hơn để cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Theo Nhất Vỹ - Quỳnh Hoa/baohatinh.vn