Cam Sơn Mai Xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận
- Thứ sáu - 22/11/2019 02:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những vườn đồi hình bát úp với đặc trung của khí hậu, thổ nhưỡng đã làm nên chất lượng của Cam Sơn Mai
Cam chanh ở Hương Sơn được biết đến với thương hiệu Cam Sơn Mai xuất hiện khá sớm, được trồng nhiều ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thủy, Sơn Phúc và mấy năm gần đây nhiều địa phương khác cũng đã nhân giống đưa vào trồng đại trà trên các vườn đồi, vườn nhà. Hàng năm, chất lượng, sản lượng và diện tích trồng không ngừng tăng lên, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt đã trở thành loại cây ăn quả chủ lực định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.
Cam Sơn Mai là một sản vật đặc biệt, gắn liền với khí hậu với thổ nhưỡng của vùng đất Hương Sơn. Giai đoạn cây cam cho thu hoạch là từ 4-12 năm tuổi, trọng lượng trung bình quả khi thu hoạch dao động từ 3 – 5 quả/kg. Mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch chính bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12 (âm lịch). Hiện nay, hầu hết các nhà vườn đã liên kết với nhau thành lập các nhóm hộ, Tổ hợp tác, HTX để sản xuất cam sạch đạt chuẩn VietGap, đáp ứng với nhu cầu của thị trường cũng như xu hướng sản xuất nông sản an toàn và nông sản hữu cơ. Chính các yếu tố: đất đai, nguồn nước và kỹ thuật chăm sóc đã tạo nên “thương hiệu” Cam Sơn Mai của vùng đất Hương Sơn - Hà Tĩnh. Ông Đỗ Trọng Hòa – người trồng cam Thôn Long Thủy, xã Sơn Thủy cho hay: Để quả cam đạt chất lượng tốt, năng suất cao, trước hết là phải chọn giống tốt, sau đó điều quan trọng là áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón đúng, đủ các thành phần chất dinh dưỡng cho cây để nó phát triển tốt. Mỗi thời kỳ sinh trưởng bón các loại phân khác nhau cho phù hợp. Trong đó, chú trọng phân bón vi sinh, phân hữu cơ.Vườn cam chúng tôi còn sản xuất Cam sạch bằng việc sử dụng bẫy côn trùng thân thiện với môi trường để hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV”
Các nhà vườn chia sẻ bí quyết về nâng cao chất lượng Cam Sơn Mai
Từ giá trị kinh tế được khẳng định qua thực tiễn sản xuất, những năm qua, huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng, mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đó đặc biệt chú trọng tuyển chọn giống, sử dụng phân bón hợp lý để nâng cao chất lượng sản phẩm. Toàn huyện hiện có trên 1.200 ha Cam chanh, trong đó diện tích cho quả khoảng 600ha. Năng suất bình quân 14,5 tấn/ha, sản lượng khoảng 8.700 tấn/năm, đem về nguồn thu cho các nhà vườn trên 217 tỷ đồng mỗi năm.
Đoàn công tác của dự án kiểm tra mô hình Cam Sơn Mai
Cam Sơn Mai là một trong các loại cây ăn trái đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giúp hàng ngàn hộ dân Hương Sơn trở thành triệu phú, tỷ phú và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Ông Trần Ngọc Kiên – Chủ tịch UBND xã Sơn Mai cho biết: “ Cam là giống cây ăn quả chủ lực của xã, diện tích khá lớn khoảng trên 300ha, đem lại nguồn thu nhập chính, chiếm khoảng 65% tổng thu nhập của địa phương. Mấy năm gần đây, xã chú trọng chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Đã có trên 20 THT, HTX, tổ nhóm sản xuất cam VietGAP”.
Cuối Thu, đầu Đông là lúc người trồng Cam Sơn Mai bước vào vụ thu hoạch. Hàng ngàn thương lái cũng như du khách thập phương về với Hương Sơn để tìm mua giống trái đặc sản này để kinh doanh, để thưởng thức; Đồng thời là dịp trải nghiệm những khoảng khắc tuyệt vời, tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành giữa không gian bạt ngàn cây trái. Cam Sơn Mai được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi Cam có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh, đậm đà. Nhờ chất lượng ngaỳ càng nâng lên, nhiều nhà vườn ở đây không cần phải đưa cam xuống chợ, mà khách hàng các nơi tìm về để thu mua. Thời điểm chính vụ giá cam bình quân đạt từ 25 - 30 ngàn đồng/kg; Một số nhà vườn có giống cam chín muộn vào dịp tết Nguyên đán giá có thể lên tới 50 – 70 ngàn đồng/kg.
Mỗi vụ thu hoạch, vườn cam của vợ chồng anh Thưởng (Sơn Mai) thu về trên dưới 1 tỷ đồng
Để duy trì danh tiếng, chất lượng và quảng bá thương hiệu đặc sản Cam Sơn Mai, Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ thực hiện Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “cam Sơn Mai” dùng cho quả cam chanh của huyện Hương Sơn”. Dự án nằm trong chương trình Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Hà Tĩnh.
Cơ quan quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, Hợp đồng với đơn vị tư vấn là Trung tâm nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK triển khai thực hiện
Những quả cam chín mọng chuẩn bị tới tay người tiêu dùng
Nụ cười rạng rỡ của người trồng Cam Sơn Mai khi bước vào vụ thu hoạch
Trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ thực hiện các bước điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về Cam Sơn Mai. Trong đó, chú trọng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của quả cam thương phẩm đáp ứng quy định và yêu cầu đối với nhãn hiệu chứng nhận; Xác định các chỉ tiêu đặc thù; Thiết kế biểu trưng, Logo Nhãn hiệu chứng nhận; Đồng thời xây dựng mô hình quản lý Nhãn hiệu chứng nhận, hệ thống nhận diện thương hiệu và tới đây sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn về quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cam Sơn Mai”.
Sau gần 2 năm tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai tổ chức xây dựng nhãn hiệu, ngày 31/10/2019, Cục sở hưu trí tuệ đã ký quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm Cam Sơn Mai, huyện Hương Sơn.
Trang trại Cam chanh của anh Phạm Ngọc Thưởng - xã Sơn Mai được nhiều người biết đến bởi chất lượng tốt
Huyện Hương Sơn với vai trò là thành viên dự án đã phối hợp với các đơn vị tích cực thực hiện các bước đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền vận động và tạo điều kiện để nhân dân phát triển sản xuất, mở rộng diện tích, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Kiều Hưng – PCT UBND huyện cho biết thêm: “ Sau khi Cam Sơn mai được cấp Nhãn hiệu chứng nhận huyện Hương Sơn sẽ giao cho các phòng chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý tốt chứng nhận nhãn hiệu, lựa chọn các hộ sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Trong công tác sử dụng nhãn hiệu sẽ tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOOP để ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm ”
Thương lái tìm đến tận vườn để thu mua giống Cam đặc sản này
Việc xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Cam Sơn Mai” dùng cho sản phẩm Cam chanh Hương Sơn sẽ góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường so với sản phẩm cùng loại. Đồng thời, mở ra cơ hội để các nhà sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hương Sơn tiếp cận các thị trường, các hệ thống phân phối nông sản cao cấp. Qua đó, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng vùng sản xuất an toàn, sinh thái bền vững cũng như phát triển giống cây ăn quả đặc sản của địa phương../.
Theo Hương Hà/huongson.hatinh.gov.vn