Chè Tây Sơn giảm nghèo cho đồng bào biên giới
- Thứ năm - 17/05/2018 10:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về xã biên giới Sơn Kim2 vào những ngày đầu tháng 5. Một không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương đang hiện hữu trên các đồi chè. Những chồi non xanh mướt, dưới ánh nắng vàng càng trở nên mơn mởn sức sống. Theo cán bộ kỹ thuật của xí nghiệp, thì đó mới là những búp chè đạt chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Những đồi chè xanh mướt tại Sơn Kim2
Với đôi bàn tay thoăt thoắt, mới hơn 7h sáng nhưng chị Nguyễn Thị Ly đã gần như hoàn thành buổi làm việc của mình với trên 30kg chè búp tươi. Vào mùa này, ngày làm việc của lao động thu hái chè bắt đầu từ 5h sáng đến khoảng 8giờ và buổi chiều từ 16h đến 19h. Gia đình chị gắn bó với cây chè đã hơn 20 năm nay. Dù gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng không sống được với nghề, nhưng anh chị đã quyết tâm không buông bỏ. Hiện tại với gần 1ha chè, bình quân mỗi tháng gia đình chị Ly hái được khoảng 2 tấn búp tươi, tính ra mỗi năm thu hoạch được 9 tháng, tổng sản phẩm thu hái trên 18 tấn, mang về nguồn thu trên 120 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu ổn định nên cuộc sống của gia đình ngày càng khá giả, có của ăn, của để và chăm lo cho con cái học hành.
Chị Nguyễn Thị Ly (người ngoài cùng bên phải) trên cánh đồng chè đạt tiêu chuẩn VietGap
Không riêng gia đình chị Ly, hàng ngàn hộ dân ở các xã Sơn Kim2, Sơn Tây, Sơn Lâm cuộc sống đã ổn định và khá giả hơn rất nhiều từ khi bắt tay vào liên kết trồng chè với Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Điểm cộng trong khâu liên kết là bà con nông dân không phải lo lắng tìm giống, phân bón, thuốc BVTV đảm bảo chất lượng, không phải cất công đi tìm hiểu kỹ thuật đâu xa, không phải nơm nớp lo cho đầu ra sản phẩm…. Điều người trồng chè cần tập trung đó là lao động chăm chỉ, thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật xí nghiệp trong sản xuất, từ khâu trồng, chăm sóc, đến thu hái.
Một vấn đề đặt ra cho người trồng chè liên kết, đó là phải tuân thủ quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP. Điều này đòi hỏi người trồng phải thay đổi tập quán sản xuất, và cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp chè Tây Sơn trong thời gian đầu phải bỏ ra rất nhiều thời gian để trực tiếp “cầm tay, chỉ việc”. Xí nghiệp đã thành lập đội kỹ thuật gồm 10 cán bộ, trực tiếp về 8 thôn, bám dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Anh Phan Quốc Việt – Cán bộ kỹ thuật xí nghiệp Chè Tây Sơn cho biết: “ Trong sản xuất VietGAP đòi hỏi tuân thủ một cách nghiêm ngặt về quy trình sản xuất từ chọn giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh hại cho đến thu hái và chế biến…. Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người sản xuất, an toàn cho môi trường, an toàn sản phẩm và an toàn cho người tiêu dùng. Trong đó, khâu bảo vệ thực vật là hết sức quan trọng. Xí nghiệp giao anh em cán bộ kỹ thuật bám đồng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV đúng nồng độ, liều lượng, đúng quy trình an toàn và khuyến khích sử dụng bẫy diệt côn trùng, nuôi dưỡng hệ thống thiên địch để hạn chế sử dụng thuốc BVTV trên đồng chè. Đến nay cơ bản người trồng chè đã nắm vững và tuân thủ quy trình, cho ra sản phẩm chè đạt chất lượng tốt ”
Cán bộ kỹ thuật xí nghiệp thường xuyên thăm đồng hướng dẫn người trồng chè thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè an toàn
Từ hiệu quả kinh tế bền vững của cây chè trên đất Sơn Kim2, các địa phương khác cũng đã bắt tay với xí nghiệp chè Tây Sơn trong quy hoạch vùng trồng chè. Tại thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, trước đây toàn bộ diện tích trên 17ha chỉ trồng mỗi năm 1 vụ màu, hoặc là ngô, lạc, đậu. Nếu thời tiết thuận lợi thì còn có thu hoạch, gặp năm thiên nhiên khắc nghiệt thì hoàn toàn thất bát. 4 năm trở lại đây, toàn bộ diện tích đã được thay thế bằng cây chè. Với lợi thế đất đai phù hợp, cộng thêm việc chăm sóc theo đúng hướng dẫn của xí nghiệp chè, nên đến nay màu xanh đã trải dài mang theo niềm vui của người trồng chè, thu nhập cao gấp 5 lần trồng màu và ổn định lâu dài.
Để tập trung phát triển cây chè bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của xí nghiệp chè Tây Sơn, huyện Hương Sơn và xã Sơn Tây cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích, động viên nhân dân tích tụ đất, chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng chè. Đến nay, Sơn Tây đã có 507 hộ tham gia trồng chè với diện tích lên đến 210 ha, chủ yếu tập trung tại các thôn: Kim Thành, Hồ Sen, Hoàng Nam, Bồng Phài và Trung Lưu.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc xí nghiệp chè Tây Sơn đang kiểm tra và trao đổi với Bí thư, thôn trưởng Trung lưu, xã Sơn Tây về tiêu chuẩn chè búp tươi đạt yêu cầu xuất khẩu
Hiện nay, xí nghiệp chè Tây Sơn đang quản lý trên 350 ha chè với trên 1.000 lao động liên kết. Năm 2017, tổng sản lượng chè búp tươi thu hái trên 3 ngàn tấn, năng suất bình quân đạt 13,9 tấn/1 ha. Nhiều vùng nhờ chăm sóc tốt nên đạt từ 25 – 26 tấn/1 ha. Trong năm qua, Xí nghiệp đã chế biến được gần 703 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt trên 30,5 tỷ đồng. Theo đánh giá, sản lượng chè hiện tại đã vượt sản lượng của kế hoạch xí nghiệp đề ra đến năm 2020. Xí nghiệp cũng đã hoàn thành việc xây dựng cánh đồng chè xản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích trên 217ha. Trong đó, ngoài việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các hộ trồng chè còn được đầu tư phân bón cân đối, tăng lượng phân chuồng, phân tổng hợp vi sinh, bổ sung các yếu tố vi lượng cho cây chè, giảm phân bón đơn, quản lý sâu bệnh, dịch hại theo nguyên tắc IPM.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết: “ Cùng với đảm bảo khép kín các giai đoạn sản xuất chè theo tiêu chuẩn sạch, xí nghiệp đã đầu tư trên 5 tỷ đồng đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến chè tự động, hiện đại, để lưu giữ hương vị đặc biệt của chè Tây Sơn. Do vậy, mấy năm gần đây, mặc dù thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe nhưng thương hiệu Chè Tây Sơn vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cả ổn định nhờ chất lượng tốt. 100% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và Vương quốc Anh. Hiện chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn chè an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, gọi tắt là RFA để chè Tây Sơn đi sâu vào thị trường Châu Âu ”
Chất lượng chè được kiểm soát ở cả khâu thu hái chè búp tươi nhập cho xí nghiệp
Hệ thống máy chế biến chè tự động vừa được đầu tư trên 5 tỷ đồng và một góc sản xuất chè thành phẩm
Chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực đang được huyện Hương Sơn tập trung đầu tư phát triển nhân rộng ra nhiều xã địa phương. Bởi thực tế, việc hình thành các vùng chuyên canh chè tập trung chất lượng cao đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo Hương Hà/huongson.hatinh.gov.vn