Chỉ dẫn địa lý - cơ hội để nhung hươu Hương Sơn nâng cao giá trị kinh tế

Chỉ dẫn địa lý - cơ hội để nhung hươu Hương Sơn nâng cao giá trị kinh tế
Chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu vừa được công bố là điều kiện, cơ hội để nâng cao vị thế, danh tiếng, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cho sản phẩm, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi và kinh doanh Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00072, ngày 28/2/2019. (Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh và Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn dự và trao chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn.

Những ngày đầu vụ “hái lộc” nhung hươu 2019, người chăn nuôi hươu Hương Sơn có thêm niềm vui khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu. Ông Phạm Bình – chủ hộ chăn nuôi hươu ở xóm Lâm Trung, xã Sơn Lâm phấn khởi cho biết, đây là niềm mong đợi từ lâu của hàng nghìn hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn, và cũng là cơ sở để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển đàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, con giống.

Niềm vui không chỉ đối với người chăn nuôi mà còn là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp, HTX kinh doanh các sản phẩm từ hung hươu. “Chúng tôi hoạt động kinh doanh nhung hươu và các sản phẩm từ nhung từ nhiều năm nay nhưng chưa có một “giấy thông hành” chính quy cho sản phẩm. Nay sản phẩm nhung hươu được cấp CDĐL là cơ hội để có thể yên tâm đầu tư, mở rộng kinh doanh, đa dạng sản phẩm và ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ với đối tác trong và ngoài nước” – bà Chu Thị Hà, Giám đốc Doanh nghiệp nhung hươu Thuận Hà tin tưởng.

Với đặc trưng khí hậu và thổ nhưỡng ở khu vực địa lý đã giúp cho hệ thực vật, cỏ cây luôn tươi tốt quanh năm, đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn hươu. Vì vậy, nhung hươu Hương Sơn có thành phần dinh dưỡng và axid amin cao hơn hẳn nhung hươu ở các vùng khác. (Ảnh: Đậu Bình).

Để có được giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu, từ hơn một năm trước, tháng 12-2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn”. Chỉ dẫn này được bảo hộ vô thời hạn trên toàn quốc kể từ ngày ban hành quyết định (28/2/2019). UBND huyện Hương Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Nhung hươu Hương Sơn được bảo hộ CDĐL trên phạm vi 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn. Theo giấy chứng nhận đăng ký CDĐL, danh tiếng của nhung hươu Hương Sơn được quyết định bởi tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Vũ Thành Công, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Trusl Law – Chủ nhiệm Dự án tạo lập CDĐL nhung hươu Hương Sơn cho biết, đoàn khảo sát đã thu thập các mẫu nhung hươu, thức ăn, đất, nước... để chứng minh tính khác biệt của sản phẩm. Kết quả phân tích các mẫu nhung hươu cho thấy, hàm lượng Protein từ 45 – 45,99%, chứa nhiều dưỡng chất và có chất lượng vượt trội so với các vùng miền trong nước và trên thế giới. Sở dĩ nhung hươu Hương Sơn có được chất lượng vượt trội như vậy là nhờ khu vực địa lý và nguồn thức ăn thích hợp cho quá trình sinh trưởng phát triển của hươu.

Nhung hươu Hương Sơn được cấp CDĐL là niềm vui lớn của người chăn nuôi...

Song song với triển khai thủ tục, hồ sơ cấp CDĐL, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng công cụ quản lý và khai thác CDĐL để ngay sau khi được bảo hộ, sản phẩm sẽ có đủ các tiêu chuẩn để ra thị trường. Ngoài ra, bộ nhận diện thương hiệu (tem truy xuất nguồn gốc, túi đựng sản phẩm...) đã được xây dựng, sử dụng. Các biện pháp này giúp nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là cách làm năng động, bền vững, tránh được tình trạng cấp CDĐL nhưng không quan tâm quản lý, phát triển như một số địa phương hiện nay.

Việc cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu mới chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm xứng tầm. Mỗi một CDĐL sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng…

... và cũng là niềm vui đối với các doanh nghiệp, HTX kinh doanh sản phẩm từ nhung.

“Nhung hươu Hương Sơn được cấp CDĐL là điều rất đáng mừng cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp, HTX kinh doanh sản phẩm từ nhung. Đề nghị Sở KHCN, UBND tỉnh tiếp tục có dự án hỗ trợ huyện và người dân khai thác tối đa CDĐL. Trước mắt, huyện Hương Sơn có các chính sách hỗ trợ các DN, HTX và các hộ chăn nuôi tập trung sơ chế, chế biến, quảng bá sản phẩm. Mục tiêu là giới thiệu sản phẩm chất lượng đúng theo nguồn gốc sản phẩm nhung hươu Hương Sơn ra thị trường. Chúng tôi hy vọng, với sự tập trung hỗ trợ của các cấp các ngành sẽ khích lệ người chăn nuôi phát triển, nâng cao chất lượng tổng đàn, mở rộng kinh doanh” – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.

Theo: Thanh Hoài - Lê Tuấn/baohatinh.vn