Đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn trong xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 06/03/2016 19:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ xưa, người nông dân đã coi “nhất mẫu trạch bằng bách mẫu điền” – một mẫu vườn bằng trăm mẫu ruộng để khẳng định vai trò của kinh tế vườn.
Trong những năm gần đây, kinh tế vườn đã chiếm một vị trí quan trọng trong nông nghiệp, nếu so với trồng lúa, trồng hoa màu... thì kinh tế vườn có những bước phát triển vượt trội về mặt kỹ thuật sản xuất và hiệu quả kinh tế, gắn liền với nền nông nghiệp hiện đại. Từ thói quen, tập tục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo lối tự cung tự cấp, người nông dân đã dần đưa sản phẩm của mình tới những thị trường lớn hơn theo hình thức liên doanh, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Phát triển kinh tế vườn có vai trò quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả đất đai, lao động, tài nguyên sẵn có và góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Huyện Hương Sơn có nhiều lợi thế phát triển kinh tế vườn. Từ thời xa xưa người dân nơi đây đã biết khai thác vườn nhà, cũng từ vườn mà cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển. Với địa hình đồi núi xen lẫn đồng bằng có vùng đồng bằng thấp lụt, vùng bán sơn địa và vùng núi với diện tích rừng lớn, trải qua quá trình phát triển cùng tập quán sản xuất nên việc sử dụng đất vườn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng. Chính sự khác biệt đó đã tạo ra cơ cấu cây trồng hết sức đa dạng trong việc phát triển kinh tế vườn của người dân huyện Hương Sơn.
Đến nay, toàn huyện có trên 35.000 hộ thuộc 32 xã, thị trấn có đất vườn trong đó có trên 30.500 hộ có diện tích vườn; tổng diện tích đất vườn 3.901ha. Theo số liệu thống kê có trên 21.600 hộ có diện tích vườn từ 500- 2.000m2 . Chủ trương cải tạo vườn tạp được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai khá sớm, từ những năm 1990, phong trào xóa vườn tạp, trồng cây ăn quả (chủ yếu là cây cam Bù) ở các xã trên địa bàn toàn huyện đã diễn ra khá sôi động. Nhiều hộ gia đình đã trở thành điển hình đi đầu trong việc khai thác, tận dụng diện tích đất vườn vươn lên làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hòa – Sơn Mai, hộ gia đình ông Trần Văn Bình Sơn Kim I, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hợi – Sơn Trường, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh – Sơn Châu…mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ việc khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích đất vườn. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh 19 tiêu chí do Trung ương ban hành, tỉnh Hà Tĩnh còn bổ sung thực hiện tiêu chí thứ 20 “xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu”. Chính vì vậy, việc quy hoạch, cải tạo vườn ngày càng được chú trọng, quan tâm. Hiện nay trên địa bàn huyện có 46 mô hình vườn mẫu bước đầu mang lại hiệu quả. Vườn mẫu không chỉ tạo ra các giá trị nâng cao thu nhập cho người dân gấp 5 - 10 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt, cảnh quan và là điểm nhấn trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Tuy nhiên, so với tổng diện tích đất vườn thì diện tích vườn tạp khai thác chưa có hiệu quả đang ở mức cao 2.270 ha (chiếm trên 58% diện tích đất vườn). Nhìn chung trên địa bàn huyện hầu như vườn hộ chưa được quy hoạch, thiết kế, bố trí một cách khoa học các công trình vệ sinh, hệ thống chuồng trại, hệ thống thoát nước thải; phần lớn các cây trồng trong vườn hỗn tạp; hàng rào thường được trồng bằng tre hoặc cây bụi làm thoái hóa đất, chiếm diện tích, giá trị kinh tế không cao; người dân chưa chú trong áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất....
Để phát huy hơn nữa vai trò kinh tế vườn – một tiềm năng lợi thế lớn của huyện nhà, với phương châm “tấc đất, tấc vàng”, phong trào cải tạo vườn gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự là một phong trào lớn và cấp bách, mang tính lâu dài đòi hỏi có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân với các giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế vườn; đặc biệt là phổ biến các kiến thức làm vườn đến từng hộ dân.
Thứ hai, các hộ gia đình cần tiến hành quy hoạch, bố trí lại vườn hợp lý, khoa học về cây, con, hàng rào, công trình vệ sinh, chuồng trại...nhưng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của vùng, xã, điều kiện thổ nhưỡng của địa bàn.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây, con cho năng suất, chất lượng cao, mang tính hàng hóa…nhưng đảm bảo về môi trường, sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Thứ tư, các phòng, ban chuyên môn, Hội làm vườn các cấp có các giải pháp tích cực để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, đăng ký thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.
Thứ năm, trên cơ sở các chính sách của tỉnh, huyện các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn lồng ghép các chính sách, các nguồn lực tạo động lực, tiếp sức cho nhân dân phát triển kinh tế vườn.
Thu Hương
Ban Tuyên giáo huyện ủy Hương Sơn
Ban Tuyên giáo huyện ủy Hương Sơn