Doanh nghiệp Hương Sơn chung tay xây dựng NTM

Doanh nghiệp Hương Sơn chung tay xây dựng NTM
Trong những năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hương Sơn đã nỗ lực phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần chung tay cùng cấp ủy chính quyền xây dựng NTM. Huyện Hương Sơn hiện có 290 doanh nghiệp và 132 HTX. Các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực và hình thức khác nhau, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành nghề có tiềm năng và lợi thế của địa phương như: xây dựng, khai thác vật liệu, chế biến nông – lâm sản, vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu…

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã năng động mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nâng cao năng lực sản xuất, doanh thu tăng so với các năm trước. Sự phát triển của các doanh nghiệp không những làm lợi cho các chủ doanh nghiệp, hàng năm đóng nộp vào ngân sách trên 15 tỷ đồng mà còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động và chung sức cùng các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Nhà máy lắp ráp xe đạp điện tại Khu công nghiệp Đại Kim (Sơn Kim1)

 

Bên cạnh đó, nhờ có các cơ chế chính sách thông thoáng vì thế 9 tháng đầu năm 2016, huyện Hương Sơn đã thu hút được 8 dự án đầu tư và địa bàn với tổng số vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Điển hình là Dự án đầu tư nhà máy may công nghiệp của công ty may xuất khẩu FIVE STAR với số vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được khoảng 3.000 lao động; Dự án đầu tư khu đô thị Nam Phố Châu 10 ha của công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Sơn An với số vốn 80 tỷ đồng; dự án trung tâm tổ chức sự kiện và câu lạc bộ thể thao ở Thị trấn Phố Châu của công ty Bách Đại Dũng gần 30 tỷ đồng; dự án gạch không nung ở cụm công nghiệp Khe Cò Sơn Lễ của Công ty TNHH Thành Nhân trên 15 tỷ đồng….

Điển hình trong việc đầu tư phát triển nông thôn phải kể đến Công ty cổ phần liên doanh phát triển doanh nghiệp Hương Sơn do ông Nguyễn Ngọc Dương làm giám đốc. Mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, nhưng công ty cũng đã hết sức trăn trở tìm cách chia sẻ gánh nặng với cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM. Công ty đã bỏ ra một nguồn vốn ban đầu khá lớn gần 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Chợ Chùa tại xã Sơn Tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng giao thương, buôn bán. Hiện chợ Chùa được tu sửa và xây mới một số hạng mục có diện tích 7.500m2 với 100 ki ốt. Từ khi có khuôn viên khang trang, sạch sẽ và an toàn phần lớn nhân dân trên địa bàn đã vào chợ hoạt động, không để xẩy ra tình trạng họp chợ trên đường và chợ cóc gây mất trật tự an toàn giao thông.

Một trong những doanh nghiệp đầu tư khá lớn vào huyện Hương Sơn với số vốn trên 100 tỷ đồng là Công ty cổ phần Sơn An – Hà Tĩnh. Hiện doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng Chợ Gôi tại xã Sơn Hòa với số vốn gần 20 tỷ đồng. Các hạng mục đầu tư gồm: 2 dãy nhà lồng diện tích trên 1.500m2, 1 nhà 2 tầng và 1 nhà 2,5 tầng với 33 ki ốt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xây dựng các hạng mục: hệ thống xử lý cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, chống sét, khu vệ sinh, rác thải, bãi giữ xe, nhà làm việc của BQL chợ… Ông Võ Tiến Sĩ - Phó phòng kinh doanh Công ty CP Sơn An – Hà Tĩnh cho biết thêm: “ Chợ Gôi được khởi công vào tháng 7/2016, chúng tôi đang tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 trong tháng 12 năm nay để đưa chợ mới đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho bà con gio lưu, buôn bán thuận lợi. Bên cạnh đó, công ty chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư thêm dự án khác trên địa bàn huyện là Trung tâm thương mại nam Phố Châu với số vốn khoảng 80 tỷ đồng và cũng đang có ý định đầu tư vào khu công nghiệp Khe Cò”.

 

Chợ Gôi, xã Sơn Hòa đang được xây dựng với tổng số vốn trên 20 tỷ đồng.

 

Nét nổi bật của hoạt động doanh nghiệp thời gian qua là đã chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh đúng hướng, trong đó tập trung chủ yếu là các ngành nghề tham gia có hiệu quả vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Và mới đây nhất thực hiện chủ trương của cấp ủy chính quyền địa phương về thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM, đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sang đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại lao động, tiêu thụ nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đổi thay diện mạo NTM. Điển hình là các doanh nghiệp như: Xí nghiệp Chè Tây Sơn, Công ty TNHH Sơn Nguyệt, Doanh nghiệp Ngọc Ny ở xã Sơn Diệm…

Cùng với phát triển doanh nghiệp, trong mấy năm trở lại đây huyện Hương Sơn quan tâm phát triển các mô hình HTX. Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thành viên tham gia, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Khu vườn ươm cây giống lâm nghiệp bản địa của HTX Rào Àn (Sơn Kim1)

 

HTX Nông – lâm nghiệp sinh thái và dịch vụ tổng hợp Rào Àn tại xã Sơn Kim1 là một trong những HTX điển hình. Được thành lập từ năm 2014, với 19 thành viên tham gia có tổng số vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Ban đầu làm quen với mô hình HTX kiểu mới nên gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực của các thành viên trong Hội đồng quản trị nên HTX dần đi vào hoạt động ổn định và ngày càng đem loại lợi ích thiết thực cho các thành viên tham gia. Hiện HTX chủ yếu thực hiện sản xuất kinh doanh Dịch vụ du lịch sinh thái, ươm giống cây lâm nghiệp bản địa và trồng rừng. Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rào Àn chia sẻ: “Mục tiêu tiên quyết của chúng tôi là Chăm sóc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầu nguồn vì thế mọi hoạt động của HTX đều hướng đến nhiệm vụ giáo dục, vận động mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Hiện vườn ươm giống của HTX chủ yếu tập trung ướm các giồng cây lâm nghiệp bản địa như: Lim, dẻ, côồng, táu, lát hoa, xoan đâu… phục vụ nhu cầu làm giàu rừng từ cây lâm nghiệp bản địa; Ngoài ra, khu du lịch sinh thái Rào Àn được bảo vệ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ vì thế đã thu hút rất đông lượng khách du lịch về với thiên nhiên thơ mộng và trong lành”

Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực giải quyết việc làm tại chỗ cho các lao động tại địa phương, các doanh nghiệp ở Hương Sơn còn chủ động hỗ trợ bằng nhiều hình thức tùy theo nhu cầu ở mỗi địa bàn. Tiêu biểu như việc hỗ trợ trong công tác tư vấn, thiết kế xây dựng cơ sở hạ tầng, hơn 20 doanh nghiệp còn tích cực đi đầu trong việc hỗ trợ về vật chất với hơn 150  tấn xi măng, trên 1 ngàn ca máy và hàng trăm ngày công lao động phục vụ quá trình thi công các công trình xây dựng ở địa phương...

Có thể nói, những đóng góp của doanh nghiệp – doanh nhân thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa kinh tế nông thôn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng NTM. Ông Trần Bình Thân – PCT UBND huyện Hương Sơn cho biết thêm: “ Tiếp tục thực hiện chủ trương đ ồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian tới huyện Hương Sơn sẽ thực hiện nhiều chính sách ưu tiên , phối hợp với các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác nộp thuế, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp trong việc nộp thế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…để doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của huyện”.

Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng truyền thống tự lực, tự cường và tinh thần lao động sáng tạo, tin rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Hương Sơn sẽ vượt qua mọi thử thách để duy trì và phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện nhà ngày càng phát triển, thực hiện thành công mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

 

Theo Hương Hà/Hương Sơn