Du xuân, trẩy hội Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

Du xuân, trẩy hội Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác
Lễ Hội Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là lễ hội tưởng nhớ tới công lao to lớn của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đối với quê hương đất nước. Hàng năm, cứ đến dịp ngày Rằm tháng Giêng, rất đông những người làm công tác trong ngành y, cùng với du khách khắp nơi tề tựu về Hương Sơn để tham gia lễ hội.

Lễ hội Hải Thượng lãn Ông có tự bao giờ ?

Theo các cụ cao tuổi tại các xã Sơn Quang, Sơn Giang và những vùng lân cận thì Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được ra đời sau ngày giỗ đầu tiên của Cụ (từ năm 1791), Nhân dân trong vùng đã tự nguyện tổ chức dâng hương tại mộ; cúng tại nhà thờ; cầu siêu, cầu an tại chùa để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao của ông cho quê hương, đất nước. Ít năm sau đó, trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng đông của du khách thập phương xa gần, nhất là những gia đình ân nhân trước đây được cụ cứu mạng đã tìm về đây để bày tỏ lòng biết ơn ngưỡng mộ Đại danh y. Hương Sơn là vùng đất có nhiều gia đình theo đạo Phật và họ đã tôn vinh cụ là Bồ tát tái sinh, cứu người giúp đời, chính vì thế mà lễ hội Hải Thượng Lãn Ông trước đây chủ yếu tập trung vào các hoạt động cầu siêu, cầu an, cầu sức khỏe… và một số diễn xướng dân gian tại chùa Tượng Sơn. Chùa Tượng Sơn là một ngôi chùa cổ và thiêng. Tại đây, hàng năm đã thu hút rất đông bà con Nhân dân và khách thập phương tham gia các hoạt động lễ hội, nhất là vào ngày giỗ Hải Thượng lãn ông(Ngày Rằm tháng Giêng) , từ đó nhân dân quen gọi là Lễ hội chùa Tượng Sơn hay Lễ hội cầu sức khỏe vì lẽ đó.

Lễ cầu siêu trước nhà thờ Minh Tự

 

Hà Tĩnh nói chung và Hương Sơn nói riêng là vùng quê mà vào dịp đầu năm là thời điểm thường diễn ra các lễ hội, Nhân dân nơi đây thường quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” và Rằm tháng Giêng là ngày được coi là thiêng nhất của họ “ Cả năm được Rằm tháng bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”. Chính vì vậy hàng năm, cứ vào Rằm tháng Giêng, du khách gần xa, ai ai cũng sắm lễ đến chùa Tượng Sơn, nhà thờ và mộ của cụ Hải Thượng để thắp nén hương vừa tưởng nhớ công ơn của Đại danh y, vừa cầu chúc cho gia đình luôn luôn được mạnh khỏe, bình an, may mắn, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi và cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông cũng đã phải trải qua những bước thăng trầm của lịch sử. Tuy vậy, lễ hội vẫn được con cháu dòng họ, bà con và các tăng ni, phật tử trong vùng bảo tồn, gìn giữ, nhất là sau khi Khu lưu niệm Đại danh y được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia thì lễ hội ngày càng phát triển về cả quy mô, nội dung và hình thức thể hiện.

Du xuân Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông .

Những năm gần đây, du khách trẩy hội Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác thường tập trung vào những ngày sau Tết Nguyên đán khi tiết trời se se lạnh, tranh thủ những ngày nghỉ sau dịp Tết Nguyên đán.

Để lưu lại và tham gia các hoạt động lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, du khách phải giành thời gian ít nhất 2-3 ngày. Từ thành phố Vinh đi về hướng Nam theo quốc lộ 1A hoặc từ thành phố Hà Tĩnh theo hướng Bắc quốc lộ 1A  đến thị xã Hồng Lĩnh du khách theo đường quốc lộ 8A khoảng 35 km đến ngã tư thị trấn Phố Châu nơi giao nhau giữa Quốc lộ 8A và đường mòn Hồ Chí Minh, rẽ phải khoảng 1,5 km là khu mộ và tượng đài Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nhìn lên đỉnh núi Cánh Diều ta sẽ thấy bấc tượng Hải Thượng Lãn Ông cao hơn 15m cùng với các bấc phu điêu khắc 9 điều y huấn cách ngôn trong bộ Y Tông tâm lĩnh của cụ. Dưới chân núi Cánh Diều là ngôi mộ cụ được ốp bằng đá thật đẹp và hệ thống sân vườn mộ đá thoáng đãng, nhiều cây xanh. Đến đây ta sẽ được khám phá nhiều câu chuyện dân gian về  con diều Hải thượng lãn ông.

Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

 

Từ mộ đá ra đến đường mòn Hồ Chí Minh ta đi thắng theo hướng Tây-Nam khoảng 2 km trước mắt ta hiện lên ngôi chùa Tượng Sơn hay còn gọi là chùa Hầm Hầm, chùa nằm ở tả ngạn con sông Ngàn Phố. Phía sau chùa có núi Seo Voi nên chùa lấy tên là chùa Tượng Sơn. Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê thế kỷ thứ XVIII, chùa do bà Thám đốc vợ thứ của thám đốc quận công Bùi tướng công có tác ý xây dựng. Bà Thám đốc là mẹ của bà Bùi Thị Thưởng thân mẫu của Lê Hữu Trác. Ngôi chùa được Lê Hữu Trác cùng anh trai là Lê Hữu Tán xây dựng. Sau khi xây chùa xong Hải Thượng lãn Ông thường xuyên đến đây và nghỉ lại tại chùa. Tại đây, ông đã viết bộ sách nổi tiếng “Y tông tâm lĩnh” và một số tác phẩm y học khác. Chùa Tượng Sơn là nơi thờ phật ngoài ra chùa còn thờ liệt tổ nội ngoại của Lê Hữu Trác là họ Lê Hữu và họ Bùi.

Mặt trước Chùa Tượng Sơn

 

Ta lại tiếp tục đi theo hướng Tây- Nam khoảng 5 km đến nhà thờ Lê Hữu Trác. Đây là nơi lúc sinh thời Lê Hữu Trác làm một ngôi nhà gỗ lợp tranh được ông sử dụng làm nơi nghỉ ngơi xem mạch kê đơn và vui thú với bạn bè. Khu vườn này được ông trồng nhiều cây xanh như mít, nhãn, ổi, và các loại cây trái của vùng đất Hương Sơn, đặc biệt là cây đào được ông trồng rất nhiều và người dân thường gọi là “Vườn đào Hải Thượng”. Ngoài cây xanh, tại đây, ông còn cho đắp thành một núi Giả, hồ Sen để theo dõi vận khí, bốc thuốc cứu người, núi Giã, hồ Sen cũng chính là nơi ông cùng bạn bè ngắm trăng, đón gió, uống rượu, đánh cờ, đọc sách và ngâm thơ cùng bạn hữu.

Sau một ngày thăm thú các khu di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ta lại đi theo hướng Tây khoảng 30 km theo quốc lộ 8A đến với Khu du lịch Nước Sốt Sơn Kim. Đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình với những cánh rừng già có nhiều sản vật quý. Phía dưới là có dòng suối trong xanh với nhiều bãi đá thơ mọng. vào sâu khoảng 500m du khám có thể khám phá thác Cá Nhảy với nhiều sự tích dân gian, nơi có thác Tiên Nữ dội thẳng từ trên xuống tung bọt trắng xóa bên cạnh những tảng đá tự nhiên hình dáng các con vật ở nhiều tư thế khác nhau. Đặc biệt, dưới lòng đất có nguồn nước nóng tự nhiên khoảng 80 c.Tại đây du khách có thể  tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng, trèo đèo, lội suối, hay ngâm mình trong nước khoáng để thư giãn dưỡng bệnh, nhận về mình sự thư dãn, khoan khoái sau những ngày lao động mệt nhọc, bỏ lại phía sau sự ồn ào, náo nhiệt nơi phồn hoa, đô thị để hòa mình vào sự tĩnh lặng đầy sức sống của núi rừng.

Trên đường trở về ta lại đến thắp hương tại đền Đức Mẹ tại thôn Thịnh Hương xã Sơn Thịnh. Từ khu du lịch nước sốt xuôi quốc lộ 8A hơn 60 km đến ngã ba dốc Nầm rẽ trái sang đường Ninh - Thịnh đi khoảng 10 km ta sẽ đến khu đền Đức Mẹ. Đền này khởi thủy chỉ là một hòn đá thiêng gọi là Thạch Bàn Nhẫn trên núi phượng Hoàng, bên sông Ngàn phố. Đền thờ cả thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa linh thiêng bảo trợ cho mọi người dân khi mọi người có nhu cầu đến đây thắp nén hương cầu nguyện “ Có thờ có thiêng” để rồi khi ta trở về cuộc sống hàng ngày có thêm niềm tin, sức mạnh giúp chúng vượt qua những cám dỗ, đón nhận nhiều niềm vui trong cuộc sống./.

 

Theo Lê Nhật Tân/huongson.hatinh.gov.vn