Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơn Trường tích cực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- Thứ tư - 23/03/2016 04:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm trong phong trào phụ nữ. Hội LHPN xã Sơn Trường đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn địa phương để tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng cam của hội viên Trần Thị Thu Hiền – Thôn 8
Là địa bàn bán sơn địa, Sơn Trường có nhiều tiềm năng phát triển trồng cây ăn quả và chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại. Thời gian qua tỉnh, huyện có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để chị em phụ nữ khai thác tiềm năng, lợi thế xây dựng mô hình kinh tế. Thêm vào đó phần đông hội viên, phụ nữ cần cù, chịu khó trong lao động. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận hội viên phụ nữ còn tự ti, chưa mạnh dạn tận dụng các nguồn lực phát triển kinh tế nên đời sống còn gặp không ít khó khăn; nhiều hội viên quen với lối sản xuất truyền thống nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Chính vì vậy, Hội xác định để cải thiện và nâng cao đời sống cho hội viên, phụ nữ cần phải tuyên truyền, vận động chị em tích cực lao động, sản xuất.
Hàng năm, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; Hội đã tiến hành phân loại hộ theo từng nguyên nhân và có giải pháp tác động phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng. Tuyên truyền thay đổi nhận thức là một trong những giải pháp đầu tiên được Hội tập trung quan tâm. Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú giúp cho chị em hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng việc phát triển kinh tế gia đình. Hội đã tuyên truyền bằng nêu gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Đây là một trong những cách làm hay, hiệu quả nhiều phụ nữ đã thay đổi nhận thức, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới cách thức tổ chức sản xuất. Đặc biệt, Hội thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách mới để chuyển tải cho chị em biết và vận dụng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ. Song song với công tác tuyên truyền, Hội đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức 15 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao kiến thức cho chị em. Tổ chức các buổi thảo luận, sinh hoạt hội viên để chị em có điều kiện, cơ hội chia sẽ những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi của gia đình mình. Thông qua các diễn đàn nhiều chị đã có thay đổi tư duy làm ăn. Để hội viên, phụ nữ có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, các chính sách hỗ trợ Hội phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất có thể. Đến nay, nguồn vốn do các cấp Hội tín chấp, ủy thác lên đến gần 17,5 tỷ đồng với trên 500 lượt hội viên, phụ nữ được vay vốn; trong đó có 250 hộ gia đình hội viên, phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo chính sách nông thôn mới của tỉnh với số tiền trên 13 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức như vận động hội viên giúp nhau bằng cây, con giống, thành lập các phường, hội bằng tiền mặt hoặc hiện vật... Hưởng ứng phong trào “phụ nữ thực hành tiết kiệm theo gương Bác” chị em đã thành lập 40 tổ tiết kiệm, huy động 150 triệu đồng từ quy đổi bằng các hình thức để giúp nhau phát triển kinh tế.
Đối với hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo trên cơ sở xác định nguyên nhân; Hội đã giao chỉ tiêu giúp đỡ cho từng chi hội, các đồng chí trong ban chấp hành Hội phụ nữ xã theo dõi có hình thức giúp phù hợp với từng đối tượng như bằng cây giống, con giống, kiến thức, vốn, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, liên kết trong các khâu và tiêu thụ sản phẩm đầu ra...
Từ sự hỗ trợ ban đầu này nhiều gia đình hội viên thoát nghèo vươn lên khá giả, nhiều chị là những điển hình tiêu biểu trong làm kinh tế giỏi. Nhiệm kỳ qua, Hội LHPN xã đã giúp 43 hộ thoát nghèo, 72 hộ cận nghèo vươn lên trung bình, khá. Đến nay, toàn xã có 201 hộ gia đình hội viên, phụ nữ có mô hình kinh tế tổng hợp VACR cho thu nhập 100 triệu đồng/ năm (tăng 125 mô hình so với đầu nhiệm kỳ) trong đó có 03 mô hình lớn; 09 mô hình vừa, 189 mô hình nhỏ (có 100 mô hình nhỏ có tiềm năng mở rộng quy mô sản xuất cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm). Hội đã vận động thành lập 3 tổ hợp tác trong đó có 1 tổ hợp tác liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng nhằm tăng thu nhập cho hội viên.
Với nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo, Hội LHPN xã đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái trong các tầng lớp phụ nữ. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội LHPN xã đã và đang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp cụ thể sát với tình hình thực tiễn địa phương giúp chị em phụ nữ đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên; để chị em tự tin, vươn lên trong cuộc sống; từng bước khẳng định và nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Theo Thu Hương/Hương Sơn