Hương Sơn – mùa quả ngọt

Hương Sơn – mùa quả ngọt
Đối với người dân huyện miền núi Hương Sơn, từ bao đời nay, cây cam Bù đã được gìn giữ và phát huy không chỉ bởi nó là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn là giống cây đặc sản riêng có do thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng quê này. Mỗi khi tết đến xuân về, những vườn đồi hoa trái ở huyện Hương Sơn lại bạt ngàn sắc đỏ của Cam Bù, báo hiệu một vụ mùa bội thu đem lại cuốc sống ấm no, sung túc cho người dân trước thềm năm mới.

Đến với xã Sơn Trường, thủ phủ của vùng đất của cam Bù – một đặc sản riêng có của đất Hương Sơn – Hà Tĩnh vào những ngày cuối năm sẽ cảm nhận được mùa Xuân, được hương vị ngày Tết ấm no, sung túc đến với bà con xã miền núi này. Trong cái lạnh của đất trời, những vườn cam bù chín đỏ trong sương sớm, khơi gợi trong lòng mọi người cái cảm giác ấm áp lạ thường. Thành quả của một năm nhọc nhằn, bận rộn đang hiện hữu trong những vườn cây trái tốt tươi.

Ông Đinh Nho Niệm bên gốc cam trĩu quả

 

Ông Đinh Nho Niệm – một chủ trang trại ë thôn 5, xã Sơn Trường rất phấn khởi khi vườn cam của gia đình trái sai, quả ngọt. Sau hơn 15 năm gắn bó với cây cam Bù, ông cùng người thân trong gia đình đã đổ không biết bao mồ hôi, công sức và cả những giọt nước mắt lẫn niềm vui sướng. Khó khăn nhất là khi thiên nhiên khắc nghiệt, sâu bệnh hoành hành, người nông dân phải đối mặt với nguy cơ mất trắng, song với ý chí quyết tâm, với đức tính chịu thương chịu khó, mảnh đất này lại đã đem đến cho gia đình những mùa bội thu. Ông Niệm phấn khởi cho biết: “ Hiện tại gia đình tôi có 500 gốc Cam bù, trong đó trên 300 gốc cho quả, dự kiến sẽ cho sản lượng trên 10 tấn, thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng… Trồng cam, nhất là Cam Bù lại càng vất vả như đổi lại cho gia đình chúng tôi nguồn thu nhập cao, chăm lo cho các con học đại học, đi du học nước ngoài

Cùng với ông Niệm đã có hàng trăm hộ gia đình ở xã Sơn Trường vào tận đồi sâu lập nghiệp xây dựng mô hình vườn - rừng trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi. Trong đó, cam Bù vẫn là cây trồng được người nông dân ưu ái nhất, bởi nó vừa là đặc sản riêng có của quê hương, vừa đem lại giá trị kinh tế cao.

Xã Sơn Trường hiện có trên 340 ha Cam Bù, trong đó khoảng 220ha đã cho thu hoạch, chủ yếu tập trung ở các thôn 3, 5, 6, 7, 8, 9, 10... là những nơi có điều kiện thuận lợi về đất đai làm trang trại, đặc biệt là đất vườn đồi. Ngoài phát triển thành vùng quy hoạch thì hầu hết người dân địa phương trồng cam Bù trong vườn nhà để nâng cao thu nhập. Bình quân mỗi năm cam bù đem lại nguồn thu cho nhân dân địa phương trên 70 tỷ đồng.

Những quả cam Bù đỏ rực một góc vườn

 

Xác định cam Bù là giống đặc sản của địa phương cho hiệu quả kinh tế cao, vì thế huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung, đã có chiến lược cụ thể nhằm phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng Cam Bù. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã công nhận cam Bù là loại cây ăn quả chất lượng cao và được đưa vào danh mục các loại cây ăn quả đặc sản quý cần bảo tồn quỹ gene.

Cam Bù ở Hương Sơn được trồng chủ yếu ở các xã Sơn Trường, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thuỷ…. Không như các giống cam khác, Cam Bù là giống chín muộn, chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên có giá trị kinh tế cao. Thời điểm thu hoạch, 1kg Cam Bù loại 1 có giá từ 38.000 - 45.000 đồng. Thời điểm cận tết hoặc sau tết giá có thể lên tới 60.000 – 80.000đ/kg. Bình quân 1 ha cho thu hoạch khoảng 12 tấn, đem lại thu nhập từ  350 – 400 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình ở Hương Sơn thu nhập từ vườn cam Bù trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Một trong những cây cam Bù 4 năm tuổi sai quả tại nhà vườn xã Sơn Mai

 

Với uy tín và chất lượng đã được khẳng định trên thị trường, huyện Hương Sơn đã định hướng cho các địa phương trồng cam thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhằm tập hợp những hộ trồng cam nói chung, cam Bù nói riêng để phát triển các giống cây ăn quả đặc sản theo hướng, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Sự ra đời của các mô hình này, đã từng bước làm đổi thay suy nghĩ và tập quán của bà con nhân dân trong việc liên kết từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm. Hiện tại, toàn huyện Hương Sơn có 12 HTX, tổ hợp tác liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cam Bù, cam chanh với trên 250 hộ dân tham gia. Ông Nguyễn Văn Hạnh – XTX cam Bù Trường Sơn chia sẻ: “ Hợp tác xã và Tổ hợp tác trồng cam không chỉ là nơi để các hộ sản xuất trang trại trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, bảo vệ quyền lợi, mà còn tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và nhà nước trong việc phát triển kinh tế, khâu nối thị trường tiêu thụ. Nhờ đó các thành viên trong HTX mạnh dạn mở rộng diện tích và ngày càng có ý thức hơn trong sản xuất sản phẩm sạch

Hầu hết cam Bù phải dùng cọc tre chống đỡ

 

Những ngày áp tết cũng là lúc các hộ trồng cam ở Hương Sơn tất bật thu hái thành quả lao động trong suốt một năm đầy biến động. Những vườn cam Bù chín mọng, trĩu cành đang hứa hẹn một năm mới no đủ đến với nhà nông. Từ ý chí, nghị lực, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, người nông dân đã đánh thức tiềm năng, lợi thế của những vùng đất heo hút, đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình và mở ra hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng. Toàn huyện Hương Sơn hiện có trên 1.900 ha cam, trong đó cam Bù chiếm khoảng 50% diện tích và có 344 ha cho quả. Ước tính hàng năm người dân Hương Sơn thu lợi từ cây cam Bù vào khảng 160 – 180 tỷ đồng. Cam Bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn, gấp 10-20 lần so với các cây trồng khác. Ông Trần Ngọc Kiên chủ tịch UBND xã Sơn Mai cho biết: “ Năm nay mặc dù thời tiết bất lợi nhưng Sơn Mai được mùa cả cam Chanh và cam Bù. Không những tăng về sản lượng mà giá cả, chất lượng cam đều tăng so với các năm trước. Ước tính năm nay sản lượng cam của Sơn Mai khoảng 1.200 tấn, thu nhập khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, cam Bù chiếm khoảng 40%. Những năm tới chúng tôi đang tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích cam Bù

Trong số hàng chục loại hoa quả tết, cam Bù vẫn luôn được người tiêu dùng ưu ái chọn lựa

 

Cùng với niềm vui được mùa, người trồng cam bù Hương Sơn vẫn luôn trăn trở trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, tìm giải pháp điều trị một số bệnh trên cây cam Bù, đặc biệt là bệnh Greening – (còn gọi là bệnh gân xanh lá vàng) và bệnh tàn lụi, thường gây tổn thương cho loài cây đặc sản này.

Có thể nói rằng: dù có những mùa được – mất nhưng cam bù vẫn là giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, là sản vật đặc trưng trong ngày tết của người dân Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Tết nguyên đán Mậu Tuất năm nay, người trồng cam ở Hương Sơn lại thêm một mùa bội thu, thêm rất nhiều niềm vui trước thềm xuân mới. /.

 

Theo Hương Hà/huongson.hatinh.gov.vn