Tự hào truyền thống 550 năm Danh xưng Hương Sơn

Trong niềm tự hào và hạnh phúc lớn lao, chúng ta xúc động đón chào kỷ niệm 550 năm Danh xưng huyện Hương Sơn. Hương Sơn – một vùng đất đã đi qua dấu mốc lịch sử 550 năm đáng nhớ. Hơn nửa thiên niên kỷ đồng hành cùng với dòng chảy của lịch sử dân tộc. hôm nay chúng ta cùng nhìn lại những móc son chói lọi trong suốt chặng đường lịch sử của quê hương Hương Sơn.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng Hương Sơn xưa thuộc huyện Dương Toại, quận Cửu Đức, Hoan Châu. Đời Tần Võ Đế (265-290) tách ra lập huyện Phố Dương. Đời Đường (621-907) thuộc châu Phúc Lộc. thời Tự Chủ dưới Triều Lý – Trần là hương Đỗ Gia. Thời thuộc Minh (1407- 1427) chia làm hai huyện Cỗ Đỗ và thổ Hoàng. Đầu thời Lê lại nhập làm một là huyện Đỗ Gia cho đến năm 1469 vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ hành chính cả nước, huyện Đỗ Gia được đổi thành huyện Hương Sơn. Đời Nguyễn năm Đinh Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), cắt 5 tổng phía Nam đặt làm huyện Hương Khê, Hương Sơn còn lại 5 tổng. Sau đó Hương Sơn và Hương Khê lại trải qua vài lần tách nhập nhưng danh xưng Hương Sơn vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Dưới triều Nguyễn, Hương Sơn vẫn là một huyện thuộc phủ Đức Thọ. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, các xã thuộc tổng Thượng Bồng và Ân Phú (thuộc tổng Dĩ Ốc cũ) chuyển về huyện Đức Thọ, Sau nhiều lần phân hợp điều chỉnh quy mô xã lớn nhỏ khác nhau, đến lần điều chỉnh năm 1954 thì tất cả các xã của huyện Hương Sơn đều có tên chữ đầu là Sơn. Năm 1968 thành lập xã Sơn Hồng, năm 1989 thành lập thị trấn Phố Châu, năm 1971 lập thêm xã Sơn Thọ nhưng đến năm 2000 khi thành lập huyện Vũ Quang thì xã Sơn Thọ lại được chuyển về huyện Vũ Quang. Năm 1997, thị trấn Tây Sơn được thành lập , năm 2004 xã Sơn Kim chia thành 2 xã: Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2, từ đây Hương Sơn có 30 xã và 2 thị trấn.

Từ buổi bình minh dựng nghiệp đã ngời lên ánh hào quang của một vùng đất, nơi quy tụ các dãy núi Hùng Sơn, núi Kê Sơn, núi Đại Hàm và núi Thiên Nhẫn tạo thành một thế “sa long” các nhà phong thủy cho đây là một vùng đất “tinh tú vô cùng” và xem đây là mảnh đất tụ hội của bốn phương đất trời.

Sông Ngàn Phố xưa (Ảnh Đậu Bình)

 
 

Cuộc chuyển đổi tên gọi từ Đỗ Gia thành Hương Sơn là một quá trình lịch sử khẳng định ý chí của người dân nơi đây với một khát khao mở ra kỷ nguyên phát triển mới trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, để từ đó không ngừng được bồi đắp bằng những kỳ tích oai hùng. Ở những năm nửa đầu thế kỷ 15, Hương Sơn là vùng đất rộng, người thưa đã được vua Lê Thánh Tông tiến hành cho dân khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, lập nên những làng quê mới. Xưa kia đồng ruộng nơi đây chỉ rải rác hai bờ sông Ngàn Phố, diện tích còn ít ỏi. Dần dần cư dân ở những vùng đồng bằng phía Bắc ngày càng phát triển đông đúc họ đã tìm đến những vùng rừng núi để sinh sống lập nghiệp. Tại đây họ đã lập thêm nhiều làng xã mới đến tận chân Đại hàm, phía ngoài mở rộng đến tận núi Thiên Nhẫn. Ruộng đất nơi đây được khai thác cả đất trồng lúa nước, lúa rẫy và đất trồng màu.

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này vẫn không ngừng lớn mạnh và đã viết nên nhiều chiến công hiển hách bằng tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm, với sức mạnh ý chí và lòng nhân ái, tinh thần hòa hiếu và khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no - hạnh phúc.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, nghĩa quân Cốc Sơn của Nguyễn Tuấn Thiện đã gia nhập nghĩa quân đã lập được nhiều chiến công. Tiêu biểu là chiến thắng Đỗ gia đập tan 2 vạn quân Minh do Tổng binh Trần Trí và tướng Lý An chỉ huy tại cửa sông Khuất Giang (cửa Hói Nầm) và cửa sông Phố ở bến Đỗ Gia (Sơn Tân). Chiến thắng Đỗ Gia năm Ất Tỵ (1425) đã tạo bước ngoặc để quân Lam Sơn tiến hành giải phóng đất nước vào năm Đinh Mùi (1427) và người anh hùng Nguyễn Tuấn Thiện được xếp vào hàng khai quốc công thần triều Lê.

Cầu Nầm (Ảnh Đậu Bình)

 

Dưới thời Lê Thánh Tông trong cuộc khởi nghĩa lớn của Lê Duy Mật kéo dài 30 năm (1738-1769), căn cứ vùng kháng chiến ở vùng đất Hương Sơn do Đô chỉ huy sứ Hồ Đắc Thọ chỉ huy đã tiến vào thượng lưu sông Ngàn Phố. Hồ Đắc Thọ đã trở thành một vị tướng  của phong trào khởi nghĩa nông dân ở thế kỷ 18.

Thế kỷ 19 với sự lên ngôi của triều đại Gia Long, tại mảnh đất này đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của Lê Hữu Tạo vào năm 1818 đến 1821: cuộc khởi nghĩa của Trần quang Cán (tức Đội Lựu) sau đó là cuộc kháng chiến của Phan Đình Phùng nổ ra ở các địa danh như Cồn Chùa, Đại Hàm, Tràng Sim với  nhiều tướng lĩnh tài năng và mưu lược như Cao Thắng, Cao Nữu, Nguyễn Huy Giao, Cao Đạt; rồi tiếp đến phong trào cách mạng Tân Việt, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân Hương Sơn vùng lên chống đế quốc phong kiến tiêu biểu là cuộc biểu tình năm Canh Ngọ (1930); năm 1941, nổ ra cuộc khởi nghĩa do ông Hồ Hảo, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn lãnh đạo đã giết chết tên chủ đồn điền Sông con Pe - ry, thực dân Pháp truy lùng ráo riết và Ông đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh, nhân dân Hương Sơn đã vùng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa thành công, đập tan chính quyền đế quốc phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân; ngày 23/9/1945 hưởng ứng phong trào Nam Bộ kháng chiến thanh niên Hương Sơn với khí thế “xếp bút nghiên” đã hăng hái lên đường bảo vệ Tổ Quốc; ngày 19/12/1946 toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Đảng bộ, quân và dân Hương Sơn đã nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tiêu biểu là trận chiến đấu oanh liệt của quân dân Hương Sơn ở đồn Na - Pê, đập tan âm mưu đánh chiếm Hương Sơn của giặc Pháp.

Suốt 9 năm kháng chiến chống pháp (1946 - 1954) Nhân dân Hương Sơn vừa dốc sức cho tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc phục vụ cho kháng chiến. Đây là nơi chế súng đạn của công binh xưởng Hoàng Văn Thụ, nơi in giấy bạc tài chính quốc gia, là vùng ATK (an toàn khu) trong kháng chiến. Trải qua các cuộc kháng chiến mảnh đất này đã có hơn 2 nghìn 8 trăm liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, hơn 200 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 20 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hương Sơn là mảnh đất có truyền thống văn hóa, học hành khoa bảng. Nơi có nhiều đình, đền, chùa, miếu và là vùng đất sinh ra nhiều hiền tài đỗ đạt cao: ở đầu triều Lê có Nguyễn Kính Hài đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ lúc 31 tuổi; thời Lê Trung Hưng có Đại Danh y Lê Hữu Trác,Triều đại Lê Thánh Tông có Tiến sĩ Đinh Nho Công; Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn ; Triều Nguyễn có Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm ; nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện và rất nhiều các danh nhân tài ba gồm 11 vị đại khoa, 2 Hoàng giáp và 48 vị cử nhân

Tượng đài và Lăng Mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Sơn Trung) (Ảnh Đậu Bình)

 

Sau cách mạng tháng 8 thành công, cho đến nay Hương Sơn có trên 130 vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, ở mọi lĩnh vực khoa học. Có nhiều người là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương đảng cùng nhiều tướng lĩnh cao cấp.

Nhân dân Hương Sơn luôn nêu cao khát vọng và ý chí nuôi dưỡng đạo học hành vươn lên tầm trí tuệ để dựng xây quê hương - đất nước, coi "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Hương Sơn cũng là nơi hội tụ, đua tài, góp sức của biết bao khối óc, con tim với những con người tài hoa, sáng tạo; qua lao động, sản xuất đã tạo ra những sản vật để đời lắng đọng hồn quê như: làng mộc Xa Lang, làng đan Chinh Xá và các đặc sản nhung hươu, càm bù, thịt dê núi, kẹo cu đơ nổi tiếng của một vùng quê sơn thủy hữu tình.

Trại Hươu (Sơn Lĩnh)

 

Cam Bù Hương Sơn (Ảnh Đậu Bình)

 

Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc của mảnh đất Hương Sơn với những tác phẩm nổi tiếng mang hùng khí non sông, như: "Hải thượng y tông tâm lĩnh", “Thượng kinh ký sự” của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng đã đi vào dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Phát huy truyền thống của quê hương Hương Sơn, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Sơn đang ra sức triển khai và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, với sự nổ lực mạnh mẽ, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tăng cường đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Kinh tế phát triển khá nhanh, bền vững; văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn được đổi mới, giá trị sản xuất đạt trên 8 nghìn 8 trăm tỷ đồng, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 29,87%, công nghiệp và  xây dựng: 27,45%; Thương mại - Dịch vụ: 42,67%.  Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 46,23 triệu đồng. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80%; toàn huyện có 31/32  trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia. Đến cuối năm 2018, Đảng bộ huyện Hương Sơn có 57 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 16/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có trên 80% thôn, khối phố đạt danh hiệu văn hóa, 34 di tích cấp tỉnh, 11 di tích cấp quốc gia và 01 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Ảnh Đậu Bình)

 

Hương Sơn đang từng ngày thay da đổi thịt đi lên trên con đường đổi mới, hàng vạn người con Hương Sơn xa quê, làm ăn sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài, nhiều người trở thành những doanh nhân thành đạt của đất nước, tiếp tục làm rạng danh truyền thống quê hương. Những thành tựu nổi bật đó đã tạo nên diện mạo Hương Sơn đổi mới hôm nay, trong đó có cả sự kết tinh các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống hiếu học, nhân văn từ hàng nghìn năm nay.

Hôm nay, bên dòng sông Ngàn Phố nên thơ và dưới chân núi Nầm sừng sững, mảnh đất Hương Sơn đang chuyển mình, những cây cầu mới đang ngày đêm soi bóng; đường đã mở rộng; rừng núi, làng quê đang bừng lên ánh điện; những công trình hiện đại đang ngày càng vươn cao, Hương Sơn đang khởi sắc từng ngày. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Sơn nguyện cùng nhau đoàn kết, trên dưới một lòng quyết tâm xây dựng quê mẹ Hương Sơn ngày càng giàu mạnh, vững bước đi lên.

Núi Nầm - Sông Phố (Ảnh Đậu Bình)

 

Trong niềm tự hào lớn lao, chúng ta vô cùng hạnh phúc được sống trong thời khắc lịch sử quan trọng này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơn xin bày tỏ lòng thành kính và biết ơn công lao trời biển của các bậc tiền nhân đã hiến dâng trí tuệ, sức lực và máu xương trong các cuộc trường chinh vĩ đại dựng nước, giữ nước. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước Bác Hồ kính yêu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để Nhân dân Hương Sơn vượt qua bao gian nan thử thách hoàn thành mọi sứ mệnh lịch sử cao cả cùng với dân tộc, chúng ta vô cùng biết ơn các tầng lớp nhân dân đã dày công và vun đắp nên truyền thống văn hóa tốt đẹp để mảnh đất Hương Sơn có được như ngày hôm nay.

Trong những ngày này, khắp trên mọi nẻo đường của mảnh đất Hương Sơn chúng ta như đang nghe tiếng vọng của hồn thiêng sông núi đang dục dã chúng ta phải ra sức khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy tốt mọi tiềm năng, trí tuệ, tinh thần cần cù sáng tạo của nhân dân Hương Sơn; chung tay, góp sức thu hút các nguồn lực khắp mọi miền đất nước, tạo động lực mạnh mẽ về ý chí và niềm khát khao vươn tới những đỉnh cao trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, vững tin hướng tới tương lai, quyết tâm xây dựng Hương Sơn ngày càng giàu mạnh – văn minh để không hổ thẹn với các bậc tiền nhân./

 

Theo Lê Nhật Tân/huongson.hatinh.gov.vn