Chi hội Văn học Nghệ thuật Kỳ Anh – Một nhiệm kỳ nhìn lại chặng đường hoạt động

Chi hội Văn học Nghệ thuật Kỳ Anh – Một nhiệm kỳ nhìn lại chặng đường hoạt động
Nhiệm kỳ qua Chi hội đã ra được 11 số Hoành Sơn với số lượng 4000 bản. Đây là ấn phẩm để giới thiệu những sáng tác của anh chị em hội viên và cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Tác phẩm được phát hành rộng rãi trong toàn tỉnh, các Hội đồng hương Kỳ Anh ở Hà Nội, Sài Gòn, được độc giả đón nhận và đánh giá cao. Những sáng tác của hội viên trong Chi hội đều tập trung phản ánh, truyên truyền kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các tác phẩm của hội viên đã phản ánh được những đổi mới trên quê hương...

Trong thời gian qua những tác phẩm như: “Nước mắt tôm”, “Làng Đồng rêu”, “Anh hùng Nguyễn Văn Lộc” của Hà Lê; “Vân Lá” của Đồng Trí Vượng; “Quả trái mùa” của Nguyễn Anh Khoách; “Giấc mơ màu mây” của Phạm Thị Minh Huyền; “Cõi thiêng mát dạ” của Nguyễn Tiến Chưởng...; Các ca khúc “Về Kỳ Anh”, “Kỳ Anh sáng mãi niềm tin”... của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Mạnh; các tiểu phẩm của nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm; các tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh Nguyễn Cao Cường ... đã tạo được dư luận tốt trong bạn đọc và người hâm mộ. Các ca khúc, hoạt cảnh của nghệ nhân nhân dân Khánh Cẩm, của nhạc sỹ Nguyễn Văn Mạnh được phổ biến rộng rãi trong nhân dân Kỳ Anh, được phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh và đạt nhiều kết quả cao ở các Hội diễn. Truyện ngắn “Con Nâu” của tác giả Nguyễn Anh Khoách được chọn in trong tuyển truyện ngắn chọn lọc “Cây bút vàng” của Công an nhân dân; tác phẩm “Viết chờ Sen lên” của Trần Nam Phong; “Tiết bụt Sinh” của Nguyễn Trung Tuyến, được Ủy ban Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tặng thưởng Giải ba và Giải khuyến khích; Tác giả nhiếp ảnh Nguyễn Cao Cường được tặng Giải nhất đợt thi ảnh “Bóng đá Việt Nam trong lòng người hâm mộ”, Anh cũng có chùm ảnh tham gia triển lãm ảnh Bắc miền Trung; truyện ngắn của Nguyễn Thị Hương Liên được tặng Giải C trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Hồng Lĩnh.

Văn hóa cổ được các hội viên tích cực sưu tầm như: Hội viên Nguyễn Tiến Chưởng có “Nguyễn Tiến Đắc với cuộc khởi nghĩa Giáp Tuât - 1874”; Trần Khánh Cẩm có tập “Dân ca” sưu tầm vốn dân ca Ví, Giặm ở Kỳ Anh, ông đã góp phần giúp các trường học, các xã thành lập “Câu lạc bô Dân ca Ví, Giặm” huyện Kỳ Anh, năm 2019 nghệ nhân Trần Khánh Cẩm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Ngoài ra Chi hội thường xuyên tổ chức và tham gia một số hoạt động như: cùng với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh và trường THCS Sông Trí, Thị xã Kỳ Anh tổ chức thành công Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 vào dịp Xuân Mậu Tuất 2018; đã tham gia Ngày thơ Đường Toàn quốc ở Hải Phòng, tham gia và góp phần thành công Ngày thơ do Câu lạc thơ Kỳ Anh tổ chức tại xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh

Đồng chí Nguyễn Tiến Chưởng, Chi hội trưởng báo cáo tổng kết hội nghị

Trong nhiệm kỳ qua tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các hội viên luôn nỗ lực phấn vươn lên trong sáng tạo nghệ thuật và đã có những thành quả đáng ghi nhận; thực sự đã góp phần làm cho bộ mặt văn hóa Kỳ Anh có những khởi sắc hơn, khẳng định được vị thế của Chi hội trong đời sống văn hóa của nhân dân. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, hội viên, Chi Hội Văn học Nghệ thuật Kỳ Anh sẽ có nhiều đổi mới, tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp và Chi Hội sẽ có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển toàn diện của huyện Kỳ Anh trong tương lai./.


Theo Lan Ánh/kyanh.hatinh.gov.vn