Hồi sinh vùng cát bạc

Làng Trung Tân trong tâm thức của người dân Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là một vùng cát trắng, hoang sơ... Từ đồng vốn đền bù, người dân ở đây đã sắm sửa ngư cụ đi biển, xuất khẩu lao động, xây dựng nhà cửa khang trang...

Hồi sinh vùng cát bạc

10 năm trở lại đây, làng tái định cư Trung Tân đã đổi thay rất nhiều. Đồi cát trắng ngày nào nay được phủ xanh bởi những vườn cây xanh, trong làng nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên. Nhớ lại buổi đầu của khu tái định cư, ông Nguyễn Viết Xuân - Trưởng thôn dẫn chúng tôi đi thăm khu tái định cư, kể: Trước đây dãy đất này chủ yếu là cát hoang hóa, nhà ở của người dân thưa thớt, đường sá không có.

Đầu năm 2000, Xí nghiệp Khoáng sản Kỳ Anh thuộc Tổng Công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh, đơn vị đóng trên địa bàn xã Kỳ Khang, cùng với địa phương hỗ trợ quy hoạch di dời làng Trung Tân vào một khu tái định cư khang trang, với tổng kinh phí thời đó là 17 tỷ đồng.

“Đối với người dân chúng tôi, nếu không có sự giúp sức đó thì chưa biết khi nào có được khu tái định cư thế này. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đến cuối năm 2003 tất cả 205 hộ của thôn Trung Tân đã về ở khu tái định cư. Mỗi hộ được 700m2 đất ở cùng với tiền hỗ trợ, đền bù. Họ đã mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mua sắm mới ngư cụ, tàu thuyền đi biển và có vốn cho con em đi xuất khẩu lao động” - ông Xuân cho biết thêm.

Nếp sống mới ở làng tái định cư

Vẫn theo Trưởng thôn Xuân, ngoài thu nhập từ nghề biển truyền thống thì khoảng 5 năm lại nay nhiều hộ dân có thu nhập cao nhờ đi xuất khẩu lao động. Đến thời điểm này đã có 110 người trong thôn sang Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... làm việc, mỗi năm gửi về trên 18 tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà 2 tầng của ông Trương Nga (50 tuổi) - một trong những hộ khó khăn nhất trong việc vận động di dời vừa qua. Qua trò chuyện, ông Nga không ngần ngại kể về những ngày đầu lên khu tái định cư này với nặng trĩu nỗi băn khoăn, thậm chí là không đồng tình. Ông cho biết: “Chỉ sau khi lên nơi ở mới, gia đình tôi mới thật sự được đổi đời. Có tiền đền bù, chúng tôi xây được nhà, có vốn cho 3 đứa con đi xuất khẩu lao động. Đứa đầu sau 3 năm đi đã có tiền gửi về xây được nhà 2 tầng. Còn hai đứa vừa đi, mỗi tháng gửi về trên 15 triệu đồng”.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở thôn Trung Tân mỗi năm đã đạt hơn 16 triệu đồng.

Cũng nhờ đời sống nâng lên, nên nhận thức của người dân cũng có sự tiến bộ trông thấy. Nhiều năm qua bà con thực hiện rất nghiêm túc nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tuyệt đối không ai tổ chức tiệc mặn. Theo quy ước của thanh niên trong làng, tổ chức lễ cưới phải bằng tiệc ngọt, nếu vi phạm sẽ bị phạt bên nam 5 triệu đồng, bên nữ 2 triệu đồng. Khi gia đình có người qua đời, tang lễ tổ chức gọn nhẹ theo quy ước văn hoá mới, tuyệt đối không tổ chức mâm cỗ, rượu chè... tốn kém như trước đây.

Điều đặc biệt nhất ở đây là sự đồng thuận, ủng hộ và tuân thủ tuyệt đối của người dân vào quy ước nếp sống văn hoá mới. Làng Trung Tân còn là điển hình của phong trào văn nghệ, thể thao sôi nổi. Làng có 10 tổ dân cư thì tất cả đều có đội bóng chuyền nam, nữ, đội bóng đá và các đội văn nghệ. Phong trào văn thể duy trì liên tục trong năm.

Lao động sản xuất phát triển, an ninh trật tự ổn định, đời sống văn hoá lành mạnh đã không còn “đất” cho các tệ nạn dung thân ở Trung Tân. Sau hàng chục năm xây dựng, đến nay đã có thể khẳng định Trung Tân là hình mẫu làng tái định cư phát triển bền vững cần được nhân rộng. 

Theo danviet.vn