Kỳ Thượng: Đánh thức một tiềm năng kinh tế vùng thượng

Kỳ Thượng: Đánh thức một tiềm năng kinh tế vùng thượng
Ngược về miền Tây, dọc theo quốc lộ 12, cách trung tâm huyện Kỳ Anh 30 km, chúng tôi có dịp ghé thăm Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Thượng. Là một xã miền núi, có điểm xuất phát thấp, trình độ tiếp cận với nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hoá còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn và xuống cấp trầm trọng. Nhưng nhờ có sự quan tâm của cẩp trên, sự năng động của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao của toàn thể nhân dân. Nên bộ mặt nông thôn Kỳ Thượng mấy năm trở lại đây đã có nhiều khởi sắc và phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.


      Trao đổi với TTV, ông Nguyễn Trung Tính – Bí thư Đảng uỷ, chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: “Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Thượng đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức nên đã dành được những kết quả khả quan toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu mà Nghị quyết đai hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã đề ra. Nổi bật là: Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tich cực, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tập trung như cây Lạc, Chè, Sắn; gắn với phát triển trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Cơ sở vật chất hạ tầng được tăng cường như: hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, hội quán thôn xóm…Văn hoá xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Quốc phòng – an ninh được đảm bảo và giũ vững. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường ”
      Kỳ Thượng với địa hình chủ yếu là đồi núi, đây là vùng đất có tiềm năng, lợi thế để phát triển trồng cây lâu năm, cây nguyên liệu, đặc biệt là cây chè công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Trong nhiệm kỳ qua, ban chấp hành Đảng bộ đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chương trình kinh tế trọng điểm như: chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng vật nuôi. Chương trình phát triển kinh tế miền núi, trọng điểm là bảo vệ rừng, cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là trồng và phát triển cây chè công nghiệp.


Trụ sở UBND xã đang rất cần được đầu tư 
      

Trong những năm qua, mặc dù thời tiết không thuận lợi, giá cả vật tư tăng tăng cao, nhưng nhờ áp dụng tốt các tiến bộ KHKT, đưa các loại giống mới vào sản xuất như: giống lúa DV108, IR35366,NX30-1, P6; giống lạc L14, Sen lai V79… Tập trung đầu tư thâm canh đạt năng suất và giá tri cao so với những năm trước.
       Kỳ Thượng có lợi thế với diện tích 13.031,7 ha đất tự nhiên, có đủ điều kiện về thổ nhưỡng, lao động, khí hậu thời tiết để trồng và phát triển cây Chè công nghiệp. Những năm trước đây, do tập quán sản xuất và điều kiện kinh tế nên chưa chú trọng đầu tư vào trồng chè. Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ, Đảng bộ đã xác định, trồng chè phục vụ chế biến và xuất khẩu là mũi đột phá kinh tế quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung cao để đưa cây chè công nghiệp vào trồng trên địa bàn xã. Trước mắt là giải quyết được vấn đề lao động, tăng thu nhập cho người dân. Trải qua mấy năm thăng trầm, có những lúc rơi vào bế tắc do ảnh hưởng của tư duy sản xuất theo cơ chế bao cấp và biến động thị trường; song đến nay cây Chè đang dần bén duyên và khẳng định hiểu quả kinh tế trên đất đồi Kỳ Thượng. Đến nay, toàn xã đã trồng được 50,5 ha chè công nghiệp và đang quy hoạch chi tiết 397 ha đất từ khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để ban giao đất cho các hộ dân đầu tư trồng chè. Hiện tại Kỳ Thượng đã và đang phối hợp với Công ty chè Hà Tĩnh chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến chè nguyên liệu trên địa bàn xã, nhằm khuyến khích và phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.
       Cùng với việc mở rộng diện tích Chè nguyên liệu, là tập trung chỉ đạo xây dựng kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay toàn xã đã có 31 trang trại, có nhiều  trang trại cho thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/năm. Phong trào cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất được thực hiện có hiệu quả, có 896 hộ thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/năm, có nhiều hộ thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/năm, như hộ ông Minh xóm 3, ông Viện xóm 10… Ngoài ra Kỳ Thượng con trồng được 500 ha cây Cao Su đã góp phần giải quyết công an việc làm cho nhiều con em trong xã.

 

 


Vườn ươm Chè xã Kỳ Thượng
      

   Kỳ Thượng với diện tích phần lớn được bao phủ bởi rừng, có hơn 10.259,1 ha là đất rừng, chiếm 78,7% tổng diện tích. Đây chính là tiềm năng thế mạnh để Kỳ Thượng tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế rừng. Con người nơi đây đã bao năm sống với nghề trồng rừng, do đó mà giải pháp cũng như chiến lược phát triển kinh tế của  Kỳ Thượng là tập trung vào phát triển kinh tế  trồng rừng, đây là nguồn sống, nguồn thu nhập chính của nhân dân. Vì vậy, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng được Đảng bộ xã xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách. Trên cơ sở đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
      Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi của Kỳ Thượng những năm gần đây cũng từng bước phát triển và được xác định là mũi nhọn kinh tế trọng tâm của xã. Với điều kiện thuận lợi là xã miền núi do đó mà xã đã chú trọng vào phát triển chăn nuôi trâu, bò với tổng số có 2.042 con, một phần đảm bảo cung cấp sức cày kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mặt khác cũng là nguồn cung cấp thực phẩm cho địa bàn xã cũng như các vùng lân cận. Ngoài ra, Kỳ Thượng còn tập trung chăn nuôi một số loại như: chăn nuôi lợn với tổng đàn có 1.650 con, đàn gia cầm có 26 ngàn con, tăng 7,2 ngàn con so với năm 2005                                                                                         
    Cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông, nhất là từ khi có tuyến đường quốc lộ 12 được hình thành. Các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại được đầu tư và phát triển khá. Nhiều cơ sở khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng như khai thác đá, cát sỏi, sản xuất gạch phát triển. Thương mại dịch vụ phát triển, Chợ xã đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cua nhân dân.
       Song song với những mục tiêu trong phát triển kinh tế, Kỳ Thượng còn đặc biệt quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hoá - xã hội, nhất là  lĩnh vực y tế và giáo dục nhằm đảm bảo sức khoẻ, nâng cao dân trí, đào tạo hướng nghiệp, tạo ngành nghề mới nhằm giải quyết việc làm cho người lao động.


Vườn Chè hơn một năm tuổi của xã Kỳ Thượng 
     

   Chia sẻ với chúng tôi về những định hướng và mục tiêu trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Tính cho biết thêm: “Kỳ Thượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch như: sản xuất hết diện tích, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây con có năng suất cao vào sản xuất; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đặc biệt là phát triển cây chè công nghiệp; giao khoán trồng rừng cho từng hộ dân, vì đây là thế mạnh của xã. Ngoài ra lãnh đạo địa phương tiếp tục đưa giống cây có thu nhập cao về kinh tế và tạo việc làm cho bà con đó chính là Cao su , phấn đấu trong năm 2010 - 2015 sẽ mở rộng diện tích trồng cây Cao su  trên  địa bàn”. 
       Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu kế hoạch trên, ngoài sự phát huy nội lực của Đảng bộ và nhân dân địa phương, Kỳ Thượng rất cần sự quan tâm đầu tư của các ngành các cấp, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước về xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn như xây dựng cầu qua sông Rào Trỏ phục vụ cho 1/3 dân số bên kia sông, đặc biệt khó khăn cho các cháu đi học nhất là trong mùa mưa bão; giúp đỡ địa phương về kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cũng như nhà nước cần có chế độ chính sách ưu tiên đối với những cán bộ cơ sở cả về chất và lượng. Có như vậy, Kỳ Thượng mới sớm vượt qua khó khăn, khai thác được hết những tiềm năng và lợi thế sẵn có trên địa bàn, từng bước phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững cùng với quá trình đổi mới, giàu mạnh của đất nước. 

Theo Anh Tuấn/tintucviet.com.vn