Nghị lực của người thương binh “ Tàn nhưng không phế” !

Nghị lực của người thương binh “ Tàn nhưng không phế” !
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/2047-27/7/2017), Ban Biên tập Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện Kỳ Anh xin giới thiệu đến bạn đọc những tấm gương thương binh điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu thương binh Đặng Quốc Tuyến ở thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh là một điển hình trong phát triển kinh tế.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Quốc Tuyến, một thương binh 2/4 ở thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) vào một ngày đầu tháng 7. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông là một người thương binh đầy lạc quan và yêu đời.

Dù đã bước sang tuổi 63, đi lại gặp nhiều khó khăn song ông kể cho chúng tôi nghe chuyện về một thời khói lửa hào hùng đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên...! Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh. Năm 17 tuổi, cũng như bao thanh niên khác tình nguyện lên đường để đi theo tiếng gọi của non song, đất nước. Ông nhập ngũ vào đoàn 22B, tại Hương Sơn. Tại đây, huấn luyện được 3 tháng thì ông  được chuyển vào chiến trường B, Đoàn 559, Quảng Bình. Đến năm 1973, ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch Phà Lan – Đồng Hến – Lào. Cuối năm 1973, ông được chuyển về chiến trường B, Quảng Bình, nhập vào Trung đoàn 49 (thuộc Đoàn 559) bộ binh. Năm 1975, ông tham gia chiến đấu tại chiến  dịch giải phóng miền Nam và bị thương nặng tại KonTum – Đắc Lắc. Đến cuối năm 1978, ông xuất ngũ trở về với địa phương với thương tật 2/4.

Những năm tháng sau khi xuất ngũ, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn do nhà đông anh em. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, mình có thể làm được gì để giúp gia đình vơi bớt khó khăn lúc này.

Không thể đầu hàng trước số phận, ban đầu ông tìm đủ việc để làm, miễn là có tiền về cho gia đình. Với đôi chân giả khập khiểng nhưng ông vẫn đều đặn một ngày cuốc bộ 3 cây số từ nhà đến trường để đánh kẻng cho học sinh.  Sau khi lập gia đình, cuộc sống lại càng khó khăn hơn song với đức tính chịu khó, khéo tay, hay làm, ông rong ruổi và tự mình nhặt những vật dụng là phế liệu người ta không dùng nữa để tự chế ra cái cuốc, con dao, rồi đến chiếc xe đạp để bán cho nhân dân trong làng. Cùng với đó, gia đình ông còn tăng gia sản xuất chăn nuôi lợn, bò, trồng lúa, khoai sắn, việc gì ông cũng xắn tay làm để cho con ăn học. Năm 1982, ông bén duyên với nghề kinh doanh, lúc đó nhận thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp trên địa bàn rất nhiều mà dịch vụ này chưa ai làm cho nên ông quyết tâm đầu tư vốn liếng theo hình thức “ Lấy ngắn nuôi dài” để kinh doanh. Ban đầu, ông bán dầu, mì tôm, vôi… sau đó kinh doanh thêm cả hàng sắt và vật tư nông nghiệp. Giờ đây, cửa hàng kinh doanh của gia đình ông là địa chỉ tin cậy của người dân nơi đây. Để phục vụ khách hàng, ông còn làm đại lý bia và các hàng tạp hóa. Với sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, mô hình kinh doanh của ông đã cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ năm.

40 năm tuổi Đảng, 30 năm là hội viên Hội CCB xã Kỳ Tây, thương binh Đặng Quốc Tuyến luôn mẫu đi đầu trong các hoạt động của hội. Được các cấp ngành đánh giá, ghi nhận và trao tặng nhiều giấy khen cho tấm gương thương binh “ Tàn nhưng không phế ”./.

 


Theo Hoàng Hạnh, Trung Anh/kyanh.hatinh.gov.vn