Phát triển mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Ba Khe.

Sau nhiều năm sinh sống ở các tỉnh phía nam, ông Hoàng Văn Quang, ở xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh trở về quê hương lập nghiệp. Nhận thấy tiềm năng mặt nước trên Hồ thủy lợi Ba Khe, ông đã mạnh dạn đấu thầu, đầu tư tiền tỷ để nuôi cá lồng bè. Đến nay, mô hình đã mang lại những thành công bước đầu, mở ra triển vọng mới cho phong trào nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy lợi Ba khe của ông Hoàng Văn Quang ở xã Kỳ Bắc.

Hơn 20 năm công tác tại Cục Vật tư – Bộ Quốc phòng. Sau khi nghỉ hưu, ông Hoàng Văn Quang  chuyển sang làm kinh tế. Từ trồng rừng cao su đến trồng tiêu và kinh doanh khách sạn. Đối với ông, tuổi càng nhiều thì con người ta lại càng nặng lòng với quê hương. Bởi vậy, rời Đồng Nai, ông cùng với vợ con trở về quê phát triển kinh tế. Sau khi ổn định sinh sống tại xã Kỳ Bắc, ông bắt tay vào nghiên cứu điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Nhận thấy hồ thủy lợi Ba Khe có tiềm năng nuôi cá lồng bè nên ông bắt đầu hình thành ý tưởng và xin chủ trương xây dựng mô hình kinh tế của xã. Nhận được đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Quang đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, mô hình nuôi cá lồng bè của ông Hoàng Văn Quang đã nhân lên 12 lồng với các loại cá: Diêu hồng, cá leo, cá lăng, cá chình, cá chép... Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 95%, và phát triển tốt. Theo kế hoạch, đầu tháng 8 tới đây, ông Quang sẽ bắt đầu thu hoạch.

Mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy lợi Ba khe của ông Hoàng Văn Quang ở xã Kỳ Bắc.

Để có những thành công bước đầu trong nuôi cá lồng bè, ông Hoàng Văn Quang đã tự mày mò, áp dụng kỹ thuật. Theo ông Quang; Cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm là dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nhiều chủng loại, nhất là những loại đặc sản. Nhờ vậy, giảm chi phí và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ôxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá sinh trưởng, phát triển tốt.Nhằm tận dụng diện tích mặt nước Hồ thủy lợi Ba Khe, ông Quang còn thả hàng nghìn con giống cá rô phi, cá mè bên ngoài lồng. Cá rô phi được ông tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá leo.

Hệ thống nuôi cá lồng bè trên Hồ thủy lợi Ba khe.

Thời gian tới, ông Quang dự kiến mở rộng thêm 12 lồng bè khác. Còn đầu ra cho sản phẩm thì hiện đã có rất nhiều nhà hàng ở Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, TP Hà Nội gọi điện đặt hàng. Nếu tính theo giá bán trên thị trường, hiện trung bình 1 lồng trừ chi phí vẫn còn lãi từ 40 - 60 triệu đồng . Với việc đầu tư nuôi cá lồng bè, ông Quang đang tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức lương 4 triệu đồng/1 tháng.

Phát triển kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương là điều hết sức quan trọng và thiết thực. Mô hình nuôi cá lồng bè trên khe đập của ông Hoàng Văn Quang ở xã Kỳ Bắc, tuy mới thực hiện, song đã mang lại hiệu quả tốt, bước đầu cho thu nhập khá cao và tạo việc làm cho các lao động ở địa phương. Với việc mạnh dạn, giám nghĩ, giám làm, ông Hoàng Văn Quang xứng đáng là điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương và là tấm gương để nhiều nông dân noi theo.

Theo Trung Anh- Phạm Tuấn/kyanh.hatinh.gov.vn