Xây dựng thương hiệu cho các làng nghề chế biến nước mắm ở Kỳ Anh

Xây dựng thương hiệu cho các làng nghề chế biến nước mắm ở Kỳ Anh
Phát huy tiềm năng lợi thế của các xã vùng ven biển, nơi có nguồn thủy hải sản dồi dào, bà con ngư dân ở huyện Kỳ Anh đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào các mô hình chế biến nước mắm, không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, mà còn nâng cao nguồn thu nhập cho bà con nhân dân.



Thương hiệu nước mắm Kỳ Xuân
       Năm 2011, gia đình chị Trần Thị Thức ở thôn Bắc Thắng –xã Kỳ Xuân được sở Khoa học –Công nghệ tỉnh hỗ trợ để thực hiện đề tài ứng dụng tấm năng lượng mặt trời vào chế biến nước mắm. Để thực hiện thành công mô hình này, gia đình chị được Sở KH-CN hướng dẫn khoa học kỹ thuật, quy trình chế biến nước mắm vào tấm năng lượng mặt trời. Nhờ được hướng dẫn, gia đình chị Trần Thị Thức đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình chế biến nước mắm, đã giúp gia đình chị có cơ hội tiếp cận với phương thức sản xuất mới. Từ đó, gia đình chị không ngừng mở rộng quy mô từ chổ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ thì hiện nay, bình quân mỗi năm, gia đình chị chế biến hơn 20 tấn cá cho hơn 500 lít nước mắm nguyên chất, đưa lại nguồn thu nhập từ 40 -50 triệu đồng/ năm. Qua thực tế triển khai mô hình ứng dụng tấm Vin năng lượng mặt trời vào sản xuất cho thấy; rút ngắn được quy trình sản xuất, nước mắm trong, ngon hơn và độ đạm cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
            Không chỉ ở xã Kỳ Xuân mà hiện nay, các xã vùng ven biển ở huyện Kỳ Anh như; Kỳ Khang, Kỳ Ninh….cũng bắt đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến nước mắm. Trước đây, hầu hết bà con ngư dân chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, bình quân mỗi năm chỉ sản xuất từ 1 đến 2 tấn cá, cho ra đời vài trăm lít nước nắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thì nay nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất nước mắm ứng dụng công nghệ năng lượng. Đây là hướng đi mới giúp các hiệp hội làng nghề chế biến nước mắm tại các xã Kỳ Ninh, Kỳ Xuân ở huyện Kỳ Anh không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp nhiều hộ gia đình có cơ hội tiếp cập thị trường, sản xuất theo phương thức mới, đưa lại nguồn lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm. 
Sau hơn 3 năm thành lập, hiệp hội các làng nghề chế biến nước mắm ở  huyện Kỳ Anh đã không ngừng mở rộng quy mô, thu hút hơn 150 chị em phụ nữ ở các xã vùng ven biển tham gia. Ngoài việc nâng cao nguồn thu nhập, các mô hình chế biến nước mắm ở các xã vùng ven biển đã góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết nguồn lao động là chị em phụ nữ vào thời vụ chế biến nước mắm
với  mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/ người/ tháng. Nhờ đầu tư đúng hướng, được tham quan học tập kinh nghiệm đến nay sản phẩm nước mắm của các xã Kỳ Ninh, Kỳ Xuân đã có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh, tham gia các hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho các làng nghề chế biến nước mắm để từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, từng bước xây dựng nông thôn mới.
            Để thương hiệu nước mắm Kỳ Anh ngày càng được khẳng định, tìm được chổ đứng trên thị trường hàng tiêu dùng, trong thời gian tới, ngoài việc đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất tập trung đòi hỏi các làng nghề cần sớm ứng dụng tấm Vin năng lượng mặt trời vào sản xuất sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế so với các phương pháp chế biến truyền thống trước đây. Có như vậy, mới mở ra triển vọng bền vững cho các làng nghề chế biến nước mắn trong tương lai./.
Mạnh Hải
Theo kyanh.gov.vn