Hội thảo góp ý các chính sách của tỉnh, huyện về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015

Ngày 15 tháng 8 năm 2016, tại Hội trường Khối dân huyện Lộc Hà, Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức Hội thảo góp ý bổ sung, sửa đổi các chính sách của tỉnh, huyện về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Tham dự Hội thảo có Đ/c Bùi Nhân Sâm – Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh; Đ/c Trần Xuân Lương – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và lãnh đạo các ban ngành đoàn thể của huyện, lãnh đạo UBMTTTQ các xã.

Hội nghị đã được nghe tham luận của Mặt trận Tổ quốc huyện đánh giá Quyết định 3330 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu  quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2014, Quyết định 01 của UBND huyện về quy định chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2016 - 2018; tham luận của Hội LHPN về Quyết định 23 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, quyết định 35 của UBND tỉnh về hỗ trợ xây dựng Chợ đạt chuẩn NTM, quyết định 2811 về quy định tạm thời một số chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, mở rộng quy mô các cơ sở nuôi lợn nái máu ngoại 100%…. Các tham luận đánh giá cao hiệu quả các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới của tỉnh và  huyện, giúp cải thiện đời sống nông dân, thay đổi diện mạo các làng quê, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các tham luận cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại hạn chế của các chính sách cần bổ sung, sửa đổi để các chính sách đi vào cuộc sống.

Phát biểu với Hội thảo Đ/c Bùi Nhân Sâm và Đ/c Trần Xuân Lương đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như nội dung của cuộc Hội thảo, sau Hội nghị này MTTQ và các Đoàn thể cần tập hợp thành một báo cáo đánh giá cụ thể hiệu quả các chính sách đã ban hành, số người được thụ hưởng và số tiền được hưởng, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với triển khai các chính sách. Cần phải nêu rõ được những khó khăn, bất cập tồn tại hạn chế của việc thực hiện chính sách trong cuộc sống từ đó đề xuất tiếp tục hay dừng triển khai, cần bổ sung, sửa đổi những quy định nào và vì sao cần bổ sung, sửa đổi.

Theo Văn hóa/Lộc Hà