Khó khăn nghề nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ

Nghề nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ mới xuất hiện trong thời gian ít năm trở lại đây. Tuy nhiên lợi nhuận thì chưa thấy, nhưng khó khăn chồng chất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mưa lũ, thay đổi môi trường nước đột ngột đã làm không ít vụ nuôi của bà con trắng tay.
Nghề nuôi cá lồng bè Hộ Độ đang gặp nhiều khó khăn do tác động của môi trường
Sau trận lũ lụt vừa qua, Ông Lê Thế Hanh ở thôn Nam Hà, xã Hộ Độ phải tu sửa lại chiếc lồng nuôi cá bị hư hỏng nặng. Lồng của ông với thể tích 130 m3, được đầu tư gần 50 triệu đồng vào năm ngoái. Đến nay mới đưa vào sử dụng 3 đến 4 vụ nuôi nhưng vụ nào cũng gặp thất bát do dich bệnh, mưa lũ, bèo tây, phù sa làm cho cá chết hàng loạt. Còn vụ nuôi cuối năm nay thì bị lũ lụt cuốn trôi cả lồng bè, gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế gia đình. Vốn vay ngân hàng chưa trả được, tiền lãi, gốc ngày một tăng lên vì tất cả đầu tư vào nuôi cá lồng bè nhưng chưa được vụ nuôi nào thu hoạch có hiệu quả.
Không chỉ lồng cá của nhà ông Hanh, mà 32 chiếc lồng bè nuôi cá trên sông Hộ Độ của bà con nhân dân thôn Nam Hà, xã Hộ Độ đều chung số phận hư hỏng hoàn toàn sau trận lũ lụt vừa qua. Với đặc điểm vùng sông nước, nuôi trồng thuỷ hải sản trên sông là thế mạnh của cư dân nơi đây. Từ khi ngăn cống Đò Điệm bà con chuyển sang nuôi cá lồng bè trên sông, nhưng vụ nuôi nào cũng bị ảnh hưởng thiệt hại, chưa có thu nhập. Năm thì bị dịch bệnh hoành hành, năm thì bị cống Đò Điệm xả ngọt bất ngờ cộng với bèo Tây tấn công cá chết, lồng hư hại. Năm nay thì mưa lũ đã cuốn phăng cả lồng bè trôi ra cửa Sót Thạch Kim.    
Theo xã Hộ Độ cho biết, toàn xã có 81 lồng bè và 15 trục vó trên sông từ thôn Nam Hà đến cầu Cử Sót đều bị hư hỏng gần như hoàn toàn trong trận lũ lụt vừa qua, trong đó 70 lồng bè bị nước lũ cuốn trôi. Cùng với đó hàng tấn cá nuôi trong lồng cũng bị mất trắng. Được biết bình quân mỗi lồng bè bà con phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng tiền vốn, cộng với tiền giống cá và thức ăn, trong đợt này mỗi lồng thiệt hại từ 50 đến 70 triệu đồng. Tổng thiệt hại lồng bè nuôi cá của người dân Hộ Độ ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Tuy đã có cảnh báo, chằng néo, nhưng do lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, cộng với khối lượng bèo tây trôi về nhiều tạo thành mảng lớn nên đã cuốn đứt toàn bộ dây néo của lồng bè và trôi xuống Cửa Sót. Trước tình trạng đó, xã Hộ Độ đã phối hợp với bộ đội biên phòng và xã Thạch Kim tổ chức trục vớt, kéo những lồng bè có thể về cho bà con nhân dân Hộ Độ nhưng cũng hư hỏng nghiêm trọng. Sau lũ lụt, các hộ dân ở Hộ Độ lại bắt tay vào khắc phục lại lồng bè nhưng gặp rất nhiều khó khăn để tái đầu tư sản xuất nuôi trồng vụ mới.
“Bỏ thì tiếc mò thì sâu”, tiếp tục đưa vào nuôi thì thêm thua lỗ. Nghề nuôi cá lồng bè trên sông của người dân Hộ Độ nói riêng và trên sông từ cống Đò Điệm đến Cửa Sót Thạch Kim nói chung đang tiến thoái lưỡng nan, không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Do nuôi cá lồng bè là nuôi trong hệ sinh thái hở, trong đó tác động qua lại giữa lồng nuôi cá và môi trường xung quanh hầu như không kiểm soát được. Nằm trong mặt nước công cộng dùng vào nhiều mục đích khác nhau, hơn nữa môi trường nước trên khúc sông này không ổn định nên dễ dàng dẫn đến cá sặc nước ngọt và phát sinh lây lan dịch bệnh rất cao.
Với chiều dài hơn 3 km, độ sâu đảm bảo, khúc sông này giao thoa với sông Cày là hạ lưu của sông Nghèn đổ ra biển Cửa Sót có điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng bè. Tuy vậy, nghề nuôi cá lồng bè ở đây mới phát triển, còn manh mún nhỏ lẽ, ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao, hơn nữa môi trường nước mặn ngọt không ổn định, đặc biệt là nạn bèo Tây trôi xuống khi cống Đò Điệm xã nên việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn từ chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi thu hoạch. Mặt khác, do bà con không thể đầu tư nuôi cá thâm canh, mà chủ yếu nuôi cá theo hình thức quảng canh, thiếu chuyên nghiệp, hạ tầng lồng nuôi yếu ớt, thiếu liên kết nên việc bảo vệ thành quả lao động còn phụ thuộc vào may rũi, thiếu tính chất bền vững.
Khó khăn lớn nhất trong phát triển nuôi cá lồng bè là chi phí cho việc xây dựng mô hình khá cao. Với quy mô lồng nuôi 10 nghìn con, chi phí cho chăn nuôi từ cá giống, thức ăn, khấu hao lồng, thuốc, công lao động lên tới gần 140 triệu đồng/vụ. Đây không phải là một con số nhỏ đối với người nông dân. Vì vậy, các hộ dân muốn phát triển mô hình nuôi cá trong lồng cần phải có tiềm lực kinh tế. Trong khi đó, giá cả thị trường luôn biến động nên người dân ở Hộ Độ chưa mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè với quy mô lớn.
Để khắc phục những khó khăn này, người dân nuôi cá lồng bè ở Hộ Độ cũng cần thành lập các HTX, hiệp hội nghành nghề,  thay vì phát triển nuôi trồng theo hướng đơn lẻ, tự phát. Thông qua các tổ chức này, người nông dân được đặt lồng bè trên sông theo quy hoạch của cơ quan nhà nước. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho người nông dân được tận dụng nguồn tài nguyên sông nước phát triển nuôi trồng thủy sản, hoạt động của các tổ chức này cũng tạo cơ sở pháp lý bảo vệ lợi ích chính đáng cho các thành viên, đồng thời giúp người dân tiếp cận được tốt hơn với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư nuôi trồng thuỷ sản bằng lồng bè trên sông./.
 
Theo Ngọc Quang/locha.hatinh.gov.vn