Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới Thạch Bằng
- Thứ hai - 06/04/2015 20:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Duy Bính – Phó Bí Thư Đảng ủy xã Thạch Bằng, khẳng định: Nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể tích cực quan tâm chỉ đạo và cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện, nơi đó phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Đặc biệt, cần coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chú trọng chỉ đạo xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu cơ bản của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ năng lực để tổ chức thực hiện; phân công, phân cấp rõ ràng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.
Trong công tác huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tập trung sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực hiện được mục tiêu vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác của địa phương; đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép với các chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương; thường xuyên rà soát xây dựng và bổ sung các quy chế, hương ước phù hợp để nhân dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thạch Bằng luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân, do đó việc tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người về xây dựng nông thôn mới được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, xã phát huy tốt quy chế dân chủ để nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến trong cả quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, người dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công, góp của cho việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chỉnh trang đường làng ngõ xóm... Trong 11 tháng đầu năm 2014 đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thoát nước vệ sinh, có 255 hộ đã hiến 3.606 mét vuông đất, trị giá 540,9 triệu đồng; có 318 hộ hiến 1.565 mét tường rào, 11 công trình phụ, 6500 cây các loại, trị giá 512,3 triệu đồng; nhân dân đóng góp 12 ngàn ngày công lao động giải tỏa hành lang, làm mặt bằng, xây dựng đường bê tông, kênh mương bê tông và một số công việc khác, trị giá 14,4 tỷ đồng. Tổng giá trị vận động là: 15,45 tỷ đồng. Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn xã đã làm được 65 km đường giao thông (trong đó: đường trục huyện 12,19 km, đường trục thôn 19,79 km, đường ngõ thôn 28,17 km, đường nội đồng 4,85 km). Làm được 36,2 km kênh mương bê tông (trong đó: mương dân sinh 29 km, mương nội đồng 7,2 km).
Chính sự chung tay góp sức, hiến đất làm đường của nhiều người dân nơi đây đã góp phần tạo ra nguồn lực và tiền đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân…
Tỷ lệ làng văn hóa đạt 90%, chất lượng gia đình văn hóa - thể thao được nâng lên. Xã nhà được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen về công tác Văn hóa - Thể thao năm 2013, năm 2014 được huyện đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực Văn hóa - Thể thao.
Cùng với việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, việc phát triển kinh tế cũng được xã Thạch Bằng quan tâm thực hiện. Đến nay xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất trong đó có: 15 doanh nghiệp, 5 HTX, 8 Tổ hợp đánh bắt thủy hải sản (tất cả các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp sản xuất đều mới thành lập từ năm 2012 đến nay.
Nhờ quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt, nên bộ mặt nông thôn của xã Thạch Bằng đến hôm nay đã có nhiều khởi sắc, cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo từ 15,47% (của 2013) nay giảm còn 4,81%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là: 18,24 triệu đồng/người/năm tăng 6,44 triệu so với năm 2011; đến tháng 11/2014 là: 22,54 triệu đồng/người.
Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Thạch Bằng là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Điều đáng ghi nhận ở đây là sự đoàn kết, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền biết “lấy dân làm gốc”, tích cực phát huy quyền làm chủ của nhân dân và biến nó trở thành động lực quyết định bảo đảm cho sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đã giúp Thạch Bằng bừng lên một “sức sống mới”. Đồng chí Phan Đình Cương - HUV, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng khẳng định: “Những kết quả đạt được sẽ là tiền đề vững chắc để Thạch Bằng tiếp tục phát triển trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong thời gian tới, xã sẽ phấn đấu giữ vững danh hiệu này, đồng thời nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, xây dựng Thạch Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Hoàng Quốc Bảo
Theo Tạp chí Thông tin tư tưởng Hà Tĩnh
Theo Tạp chí Thông tin tư tưởng Hà Tĩnh