Lộc Hà tập trung phát triển hạ tầng đưa ngành thương mại, dịch vụ, du lịch biển thành kinh tế mũi nhọn

Lộc Hà tập trung phát triển hạ tầng đưa ngành thương mại, dịch vụ, du lịch biển thành kinh tế mũi nhọn
Với quyết tâm đưa ngành "công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển trong tương lai, thời gian qua, huyện Lộc Hà đã tập trung thu hút mọi nguồn lực để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.

Với biển xanh, cát trắng thoải mịn cùng với nhiều dự án dịch vụ- du lịch biển được đầu tư, Lộc Hà đang trở thành điểm đến đầy triển vọng của du khách gần xa trong mùa du lịch biển

Tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư

Diện mạo về một khu đô thị sầm uất ven biển Cửa Sót đang dần hiện lên với nhiều tuyến đường, nhiều công trình dự án có quy mô lớn, hiện đại đã và đang được huyện Lộc Hà tích cực triển khai sau hơn 10 năm thành lập. Đặc biệt với định hướng chiến lược nhằm khai thác tối đa tiềm năng văn hóa tâm linh gắn với du lịch - dịch vụ kinh tế biển, nhờ làm tốt công tác thu hút đầu tư, vài năm gần đây, Lộc Hà đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn như VinGroup, SunGroup, nhiều doanh nghiệp có uy tín là con em Lộc Hà ở khắp mọi miền của Tổ quốc tình nguyện trở về quê hương tìm kiếm cơ hội và mở rộng môi trường đầu tư, góp phần tạo công ăn việc làm và đóng góp phúc lợi xã hội cho địa phương. Năm 2016, Lộc Hà đã ghi dấu ấn bằng tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội được thực hiện 1.330 tỷ đồng; đã thu hút, quyết định chủ trương đầu tư 24 dự án đầu tư trong lĩnh lực sản xuất nông nghiệp, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng. Năm 2017, mặc dù nguồn vốn ngân sách nhà nước giảm mạnh làm ảnh hưởng đến xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương nhưng trên địa bàn huyện, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn được thực hiện với mức tăng trưởng khá, vượt hơn 13,18 % so với năm 2016. Nhờ có sự đầu tư thỏa đáng nên đã góp phần đưa giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển vượt bậc, đạt 1.100 tỉ đồng, đạt 126,43% kế hoạch, tăng gần 20% so với năm trước. Tiêu biểu trong số đó, phải kể đến sự có mặt và phát huy hiệu quả của các dự án có quy mô vốn lớn như: Dự án Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí Vinperl Cửa Sót ở xã Thịnh Lộc có tổng vốn đầu tư đăng ký 500 tỷ đồng; Dự án Đền thờ, quảng trường và Tượng đài Vua Mai Hắc Đế hơn 100 tỉ đồng; Dự án tu bổ, tôn tạo và xây dựng chùa Triều Sơn ở Mai Phụ hơn 70 tỉ đồng; Dự án Trung tâm dịch vụ tiệc cưới nhà hàng Lý Ngân tại xã Hộ Độ trên 40 tỉ đồng... Cùng với nhiều công trình, dự án trọng điểm được tích cực triển khai, kịp thời đưa vào sử dụng một cách có hiệu quả, việc hoàn thành đề án phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn cũng đã góp phần tạo nên Thế và Lực mới trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Lộc Hà.

Công viên nước lớn nhất bắc miền Trung được tập đoàn Vingroup đầu tư

Theo ông Lê Trung Phước, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Lộc Hà: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng để đẩy mạnh tốc độ phát triển là nhiệm vụ cấp thiết nhằm giúp huyện nhà sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan cho khu du lịch để khai thác một cách tốt nhất các tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương. Năm 2017, giữa bao khó khăn, vất vả bởi những ảnh hưởng nhất định đằng sau sự cố môi trường biển, nhưng với sự kiện khai trương tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpear Cửa Sót của tập đoàn Vingroup, đưa vào khai thác sử dụng 42 căn biệt thự cao cấp tiêu chuẩn 5 sao và các hạng mục vui chơi giải trí giai đoạn 1, không chỉ là cú hích giúp vực dậy mà còn đánh dấu sự phát triển đầy tính đột biến cho ngành du lịch, dịch vụ biển Lộc Hà. Lượng khách du lịch đến tham quan, tắm biển và nghỉ dưỡng ước đạt trên 200 ngàn lượt người ( tăng hơn 60% so với năm 2016)… Để không ngừng mở rộng quy mô của hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch biển trên địa bàn, hiện nơi đây cũng đang thu hút các dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với trung tâm dịch vụ – thương mại của một số doanh nghiệp lớn như: Công ty XD và thương mại Hà Mỹ Hưng với tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ; Công ty cổ phần du lịch Quốc tế Lộc Hà với tổng vốn đầu tư hơn 240 tỷ…   

Tập trung phát triển du lịch dịch vụ

Bước sang năm 2018, để đạt được chỉ tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,0%, trong đó giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ và du lịch tăng 4,54% so với thực hiện năm 2017, những giải pháp được huyện Lộc Hà tích cực hướng tới, đó là: Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giải đoạn 2017 -2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; Hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án về du lịch như: Dự án tổ hợp du lịch, khách sạn, nhà hàng và vui chơi giải trí biển Lộc Hà; hệ thống các nhà nghỉ và vui chơi thể thao….Tiếp tục khuyến khích đâu tư xây mới trung tâm thương mại theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu mua sắm, nghĩ dưỡng của người dân và du khách. Thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm khôi phục hoạt động ngành du lịch biển phát triển ổn định, bền vững sau ảnh hưởng sự cố môi trường biển; Trong đó tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch Lộc Hà, tiềm năng và cơ hội cho sự phát triển…

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng Quảng trường Mai Hắc Đế ở khu du lịch biển Cửa Sót

Theo đó, cùng với việc từng bước xây dựng khu du lịch biển Lộc Hà phát triển theo quy hoạch với quy mô khoảng 400 ha, từ núi Chân Tiên đến dải ven bờ biển từ tuyến đường Thạch Bằng - Thịnh Lộc, thời gian này, Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà đã và đang tích cực chỉ đạo các ngành liên quan tập trung phát triển du lịch trên địa bàn, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Lộc Hà trên các phương tiện truyền thông; Đồng thời kêu gọi và khai thác các điểm du lịch lịch sử-văn hóa, sinh thái; hình thành tour du lịch thu hút khách đến huyện. Phát triển các điểm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với các lễ hội tại các địa phương như Chùa Kim Dung – Xuân Đài (Thạch Bằng), Chùa Chân Tiên (Thịnh Lộc), Đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi ( Thạch Kim)…; hình thành và phát triển làng văn hóa Nam Sơn (Thịnh Lộc) gắn với hoạt động du lịch sinh thái mang tính cộng đồng, có thể phục vụ khách du lịch theo hình thức homestay…  Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung quyết liệt cho việc chấn chỉnh công tác quản lý khai thác du lịch tại khu du lịc biển và điểm du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn, nhất là về giá cả các loại dịch vụ, môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của các địa phương, các cơ sở kinh doanh tham gia đăng ký hoạt động trên địa bàn.

Để tiếp tục khẳng định cho sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân Lộc Hà trong thực hiện mục tiêu: khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế tự nhiên, đưa thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển trong tương lai, nhằm sớm đưa vào phục vụ mùa du lịch biển 2018, huyện Lộc Hà đang tập trung đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như: Quảng trường Mai Hắc Đế; dự án tuyến đường nhánh 70m nối đường 22/12…   

                              

Theo Trâm Anh/locha.hatinh.gov.vn