Mùa cấy thuê ở Tùng Lộc

Mùa cấy thuê ở Tùng Lộc
Về Tùng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) những ngày này, cánh đồng ven Tỉnh lộ 7, màu xanh của lúa mới cấy đã phủ kín. Công việc đồng áng đã gọn nhưng từ sớm tinh mơ, phụ nữ trong thôn vẫn tất tả bắt đầu ngày mới trên những chiếc xe đạp để đi cấy thuê.

Trong vai người cần nhân công, chúng tôi có cuộc trò chuyện cởi mở với chị Nguyễn Thị Hòa ở xóm Bắc Tân Dân. Chị cho biết: "Nhân lực khi vào vụ thu hoạch lúa hoặc cấy đang hiếm nên chúng tôi tranh thủ làm sớm ruộng của nhà để đi cấy thuê. Mùa ni nhà tôi áp dụng phương pháp gieo sạ nên tranh thủ đi được nhiều ngày hơn".

Bình quân một ngày công cấy được trả 150.000 - 170.000 đồng cộng bữa trưa, đây là mức thu nhập khá nên ai cũng muốn làm. Với hộ ít ruộng thì đây chính là dịp họ có thêm thu nhập để trang trải cho các khoản đóng góp ở thôn xóm và mua phân bón. Chị Hà Thị Chiến ở xóm 3 thổ lộ: "Tôi đi cấy hôm nay nữa là 7 ngày, đủ tiền nộp sản phẩm cho xóm. Làm mùa vất vả mà chẳng được là bao nên phải đi cấy thuê để có thêm thu nhập".

"Cực lắm nhưng vì nhà ít ruộng, lại không có việc làm thêm nên tôi phải tranh thủ đi cấy thuê, kiếm đồng ra đồng vào chi tiêu hàng ngày", chị Lê Thị Lý, người cùng thôn với chị Chiến góp chuyện.

Cứ sáng tinh mơ, như hẹn trước, cả người đi cấy và người thuê đều đứng đợi ở cầu Hòa Lộc và ngã tư trước cổng Trường THPT Nguyễn Đổng Chi. Địa điểm đó trở thành "chợ lao động" từ bao giờ không ai hay. Có chị đi muộn hơn chưa ai thuê thì tiếp tục đạp xe dọc Tỉnh lộ 7 xuống Thụ Lộc, Bình Lộc, An Lộc,… để tìm cơ hội.

Anh Hồ Thế Phúc ở xã Ích Hậu đi thuê người cấy bộc bạch: "Nhà chỉ có hai lao động chính mà làm hơn 1,2 mẫu ruộng nên mùa nào cũng phải thuê người cấy, có năm khó thuê người, ruộng phải bỏ hoang. Năm nay giá cả đều tăng nên công thuê cũng tăng, có hôm lên đến 200.000 đồng/ngày. Được cái dân Tùng Lộc ham làm nên mùa nào chúng tôi cũng thuê người trên này cả, chứ dân xã tôi chủ yếu đi buôn bán, thoát ly hết nên không có người làm".

Công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương khiến người dân có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm với thu nhập cao hơn nhiều làm ruộng, vì vậy không khó hiểu khi ở nhiều nơi, công việc đồng áng chỉ dành cho ông già bà cả, còn thanh niên trai tráng, hoặc đi làm ăn xa hoặc trở thành công nhân.

Từ thực trạng này, đã đến lúc, vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp cần được các cấp ngành quan tâm phát triển bằng những chính sách mạnh mẽ và phù hợp.

Công Mão
(Nguồn: Kinhtenongthon.com.vn)