Nỗ lực đồng hành cùng người dân vùng biển vượt khó

Nỗ lực đồng hành cùng người dân vùng biển vượt khó
Sự cố môi trường biển vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 9.000 lao động trên địa bàn các xã vùng biển huyện Lộc Hà. Để giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các Ban, ngành, đoàn thể, tại huyện Lộc Hà đã có nhiều giải pháp tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân dựa trên lợi thế của chính mỗi địa phương.

Mặc dù hiện nay thị trường hải sản đã được hồi sinh, nhưng những ảnh hưởng do thiệt hại của sự cố môi trường biển vẫn khiến cho hàng trăm hộ gia đình ở các xã bãi ngang vùng biển Cửa Lộc Hà đối mặt với rất nhiều khó khăn để kiếm kế mưu sinh. Nhằm đáp ứng mong muốn lớn nhất của các hộ gia đình ở vùng biển là được chuyển đổi ngành nghề phù hợp để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, trên tinh thần tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương chính sách của Trung ương, của tỉnh, tại Lộc Hà, nhiều giải pháp mang tính ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại các xã vùng biển, phù hợp với lợi thế của mỗi địa phương cũng đã được phối hợp triển khai.

Thuộc vùng giáo xứ tòan tòng, Thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng hiện có trên 550 hộ dân. Là địa bàn không có đất sản xuất, người dân trong thôn chủ yếu dựa vào khai thác, kinh doanh, buôn bán thủy hải sản nên hầu hết đều bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Thực hiện chương trình chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân, thông qua hoạt động của Hội LHPN, tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch thôn Trung Nghĩa đã được thành lập với sự tham gia của 10 gia đình hội viên. Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Lan – Chủ tịch HLHPN xã Thạch Bằng, cho biết: ngoài nguồn vốn hỗ trợ của hội cấp trên 5 triệu rưỡi/hộ để mua con giống, thức ăn; 01 triệu đồng hỗ trợ mở rộng chuồng nuôi, mua sắm vật tư; các hộ còn được trực tiếp tham gia các lớp tập huấn nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, phát triển trang trại tổng hợp do HLHPN huyện phối hợp tổ chức...
 
 
Mô hình chăn nuôi gà sạch của hội viên Nguyễn Thị Hảo
( Thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng)
Thực hiện kế hoạch số 160, ngày 15/5/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện Chính sách khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, liên tục trong nhiều ngày qua, tại các xã Thạch Bằng, Thạch Kim, Thịnh Lộc, Hộ Độ,… Trường Cao đẳng dạy nghề, trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh cũng đã tiến hành phối hợp triển khai kế hoạch tuyên truyền, tuyển sinh học nghề cho lao động có nhu cầu học nghề thuộc đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển; Tổ chức tốt công tác đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm, tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm ổn định tại các doanh nghiệp và đi xuất khẩu lao động…
Trường cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh khai giảng lớp nấu ăn và lái xe ô tô các hạng
 cho đối tượng bị ảnh hưởng sự cố tại Xã Thạch Kim
Trung bình với số lượng 35 học viên/1 lớp/1 nghề với thời gian học từ 1 đến 3 tháng, khi tham gia các khóa học đào tạo này, các học viên được học nghề miễn phí hoặc giảm 50% học phí đối với chương trình đào tạo cấp bằng lái xe ô tô, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cấp thẻ BHYT… Theo anh Nguyễn Tiến Dần – Bí thư đoàn xã Thạch Kim, Lộc Hà, đây thực sự là nguồn động viên, khích lệ tinh thần vượt khó cho các đối tượng trong độ tuổi lao động ở vùng biển Lộc Hà.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với bà con ngư dân hiện nay vẫn là thiếu vốn để đầu tư và thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, bên cạnh cần tiếp tục khuyến khích việc cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để vươn khơi, bám biển, để việc chuyển đổi sinh kế cho bà con mang lại hiệu quả bền vững, các cấp ngành, chính quyền cần tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp để bà con yên tâm sản xuất.
Theo Trâm Anh/locha.hatinh.gov.vn