Tranh thủ thời cơ, huy động nguồn lực, đưa Lộc Hà phát triển toàn diện

Tranh thủ thời cơ, huy động nguồn lực, đưa Lộc Hà phát triển toàn diện
Gần 2 nhiệm kỳ kiến thiết, xây dựng, thời gian chưa đủ dài nhưng Đảng bộ, nhân dân Lộc Hà luôn đoàn kết, vượt qua gian khó, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, tăng cường củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm QPAN, góp phần xây dựng quê hương Lộc Hà ngày một giàu đẹp.
Tranh thủ thời cơ, huy động nguồn lực, đưa Lộc Hà phát triển toàn diện
Lộc Hà ngày một khang trang, đẹp đẽ hơn

Huyện Lộc Hà được thành lập theo Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 7/2/2007 của Chính phủ trên cơ sở sáp nhập 7 xã vùng hạ huyện Can Lộc với 6 xã vùng biển cửa huyện Thạch Hà. Với diện tích 11.830 ha, dân số 86.200 người, 13 đơn vị hành chính cấp xã, sau khi thành lập, mặc dù được sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của T.Ư, tỉnh, các ban, ngành trên mọi lĩnh vực nhưng Lộc Hà còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có khu trung tâm hành chính huyện, giao thông đi lại khó khăn...

Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - ngư nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%. Trước thực trạng đó, Lộc Hà khẩn trương bắt tay vào công tác hoạch định, kiến thiết, đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, QPAN; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trung tâm hành chính huyện; đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Hiện Lộc Hà có 131 công trình, dự án đã và đang triển khai xây dựng, với tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội tính riêng giai đoạn 2010-2015 đạt 4.133 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được đưa vào sử dụng như tỉnh lộ 9, các tuyến đê sông, đê biển, hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện, hạ tầng du lịch; làm mới 255 km đường bê tông, 20 km đường nhựa, 70 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 643 km và 278 km kênh mương nội đồng được bê tông hóa.

Các công trình, dự án trọng điểm được triển khai xây dựng đã góp phần quan trọng phát triển KT-XH, hình thành diện mạo mới của một khu trung tâm hành chính huyện lỵ, một đô thị du lịch, dịch vụ ven biển. Dự án kênh trục Sông Nghèn đang được triển khai xây dựng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Đi cùng với công tác phát triển hạ tầng, huyện ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi hàng hóa liên kết, sản phẩm chủ lực; phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung, gia trại quy mô vừa và nhỏ; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, các mô hình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác...

Nhiệm kỳ qua, chăn nuôi phát triển khá cả về quy mô và tổng đàn với 89 hộ chăn nuôi lợn liên kết quy mô trên 20 con/lứa, 4 cơ sở nuôi thương phẩm quy mô từ 500-2.000 con/lứa, nâng tổng đàn lợn lên 14.500 con; tổng đàn trâu, bò đạt 15.300 con; tổng đàn gia cầm 270.000 con; hình thành mới 369 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; xây dựng 3 cơ sở giết mổ tập trung, góp phần tích cực trong công tác kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh.

Tranh thủ thời cơ, huy động nguồn lực, đưa Lộc Hà phát triển toàn diện
Phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình ở Mai Phụ.

Kinh tế biển cũng được huyện tập trung đầu tư phát triển cả về phương tiện đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, thương mại và hạ tầng sản xuất. Những năm qua, Lộc Hà đã hỗ trợ 7,9 tỷ đồng đóng mới 55 tàu thuyền công suất trên 90 CV, nâng tổng số tàu thuyền trên địa bàn lên 310 chiếc. Năm 2015, tổng sản lượng đánh bắt ước đạt 4.000 tấn, tăng 869 tấn; nuôi trồng đạt 1.615 tấn, tăng 165 tấn so với năm 2010. Hiện Lộc Hà có 18 cơ sở cấp đông với 50 kho đông lạnh, tổng sản lượng hàng thủy sản thu mua qua kho cấp đông, chợ đầu mối ở cảng cá Cửa Sót hàng năm đạt trên 7.000 tấn, góp phần quan trọng tạo vị thế mới cho ngành kinh tế thủy sản của huyện.

Giá trị sản xuất CN-TTCN bình quân hàng năm tăng 13,87%, chiếm tỷ trọng 9,69% trong cơ cấu kinh tế. Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển đúng hướng theo chiến lược phát triển KT-XH của huyện. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 ước đạt trên 77 tỷ đồng, vượt 28,3% so với mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra, tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ và 10 lần so với năm 2007.

Tranh thủ thời cơ, huy động nguồn lực, đưa Lộc Hà phát triển toàn diện
Biển Thạch Bằng hấp dẫn du khách gần xa

Song song với nhiệm vụ phát triển KT-XH, Lộc Hà tăng cường tiềm lực về QPAN; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; bảo đảm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên, cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành công của Lộc Hà nhiệm kỳ qua sẽ tạo khí thế mới, sức bật mới trong quá trình phát triển của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Từ những thành quả hôm nay, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và những thành tựu đạt được; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; nâng cao trách nhiệm của tập thể cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tiếp tục đưa Lộc Hà phát triển toàn diện và bền vững.

Trương Thanh Huyền

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà
Theo: baohatinh.vn