Lấy ý kiến nhân dân về việc công nhận huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện nông thôn mới
- Thứ hai - 01/10/2018 00:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1. Nghiên cứu, cho ý kiến đóng góp vào bản dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới để hoàn thiện báo cáo kết quả xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
2. Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới được công bố rộng rãi trên các phương tiện phát thanh, truyền hình và cổng Thông tin điện tử huyện để xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày ban hành văn bản này (28/9/2018)), UBND huyện sẽ tổ chức tiếp thu, giải trình ý kiến phản hồi; đồng thời lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban ngành cấp tỉnh thẩm định, trình Trung ương xét công nhận huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 theo quy định.
Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới năm 2018, cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN XÃ NÔNG THÔN MỚI
Đến nay toàn huyện có 17/17 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 14 xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2017; còn 3 xã: Cương Gián, Xuân Trường, Xuân Hội theo kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành tỉnh, huyện đánh giá hoàn thành đạt chuẩn 20/20 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới và được Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện, đại diện: các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương bỏ phiếu công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TIÊU CHÍ HUYỆN NÔNG THÔN MỚI
1. Tiêu chí số 1 về Quy hoạch
a) Yêu cầu của tiêu chí: Có quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghi Xuân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 1448/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 và phê duyệt đồ án quy hoạch tại Quyết định số 2711/QĐ-UBND ngày 12/9/2018 với phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện Nghi Xuân, tổng diện tích là 22.245,8ha. Ngoài ra huyện cũng đã triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của các xã nông thôn mới trên địa bàn huyện, các quy hoạch đều đã được công bố công khai cho nhân dân biết và giám sát thực hiện.
Huyện đã xây dựng và ban hành Quyết định về quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch, có phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chuyên môn có liên quan triển khai thực hiện và quản lý xây dựng đúng quy định
c) Tự đánh giá: Đạt
2. Tiêu chí số 2 về Giao thông
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã.
- Tỷ lệ km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Trên địa bàn huyện có 02 tuyến đường Quốc lộ chiều dài 35,8 km (QL1A và Quốc lộ 8B) với quy mô cấp kỹ thuật từ cấp III đến cấp II đồng bằng, có 02 tuyến đường tỉnh chiều dài 36,6km (ĐT.546, ĐT.547) với quy mô cấp kỹ thuật từ cấp V đến cấp IV đồng bằng, có 4 tuyến đường huyện chiều dài 25,7km với quy mô cấp kỹ thuật từ cấp VI đến cấp IV đồng bằng và hệ thống đường xã, đường thôn tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh đảm bảo kết nối từ trung tâm huyện đến 19 xã, thị trên địa bàn.
- Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn H30-XB80 đảm bảo thoát nước, các loại phương tiện tham gia giao thông và nhân dân đi lại được thuận tiện.
- Giao thông đường thủy: Trên địa bàn huyện có tuyến Sông Lam dài 28km do Trung ương quản lý được lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông; có 01 cảng sông nằm trong quy hoạch là cảng Xuân Hải. Có 01 bến đò ngang là bến đò Xuân Giang, được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh bao gồm đường lên xuống, nhà chờ, biển báo nội quy, biển niêm yết giá đảm bảo cho nhu cầu người dân đi lại.
-Về vận tải: Trên địa bàn huyện có 24 doanh nghiệp, 02 hợp tác xã và 82 hộ cá nhân kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, có 02 tuyến vận tải hành khách công cộng (xe buýt) đi qua địa bàn; phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận.
c) Tự đánh giá: Đạt
3. Tiêu chí số 3 về Thủy lợi
a) Yêu cầu của tiêu chí:
Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện, các xã được đầu tư nâng cấp và xây mới theo đúng quy hoạch, kế hoạch, thiết kế được duyệt, tạo nên sự đồng bộ; từ công trình đầu mối đến hệ thống kênh mương, hệ thống tưới, tiêu nước đều được quản lý khai thác hiệu quả, đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho dân cư nông thôn.
Toàn huyện có 02 hệ thống công trình liên xã: Trong đó hệ thống công trình đầu mối xây dựng theo đúng quy hoạch phê duyệt và được quản lý, khai thác có hiệu quả; hệ thống mương liên xã dài 21,8km, hệ thống mương cấp 2 dài 30,98km (đã kiên cố đạt chuẩn 100%) đảm bảo kết nối đến hệ thống kênh mương các xã và đạt chuẩn theo quy hoạch; đảm bảo phục vụ tưới 1.041,3/3.135ha diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện. Hệ thống tiêu thoát lũ cơ bản thoát lũ chủ động cho diện tích toàn huyện.
Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, vận hành các công trình theo đúng kế hoạch được duyệt, đảm bảo điều hòa, phân phối nước tưới, tiêu hợp lý, . Hàng năm đều có kế hoạch bảo trì, duy tu, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi.
c) Tự đánh giá: Đạt
4. Tiêu chí số 4 về Điện
a) Yêu cầu của tiêu chí:
Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Hệ thống điện trên địa bàn huyện được đầu tư đúng theo quy hoạch, toàn huyện có 45,2 km đường dây trung thế; 150 km đường dây hạ thế và 120 trạm biến áp với tổng công suất 45.601 KVA đảm bảo cấp điện an toàn đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trên 98% và nhu cầu điện sản xuất, dịch vụ thương mại, công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
17/17 xã trên địa bàn huyện đạt Tiêu chí số 4 về điện theo Hướng dẫn của Bộ Công Thương.
c. Tự đánh giá: Đạt
5. Tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa – Giáo dục
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Bệnh viện Đa khoa huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3; trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia.
- Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện đạt chuẩn, có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với các xã có hiệu quả.
- Tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn ≥ 60%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí
- Hệ thống y tế của huyện đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện đa khoa huyện đã được công nhận đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 2 theo Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2013 của UBND Tỉnh Hà Tĩnh. Trung tâm y tế huyện thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh cũng như các hoạt động khác. Trung tâm Y tế dự phòng huyện được công nhân là đơn vị sự nghiệp hạng III theo Quyết định số 914/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2015 của UBND Tỉnh Hà Tĩnh
- Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện: Với diện tích khuôn viên rộng 7.140 m 2, nhà văn hóa 400 chỗ ngồi, có thư viện, các phòng chức năng phục vụ tốt cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hoạt động thể dục thể thao. Khu thể thao huyện với diện tích: 7.145m 2 , có trung tâm dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thảo của huyện;
- Hệ thống các trường học trên địa bàn huyện đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh toàn huyện. Trên địa bàn huyện Nghi Xuân có 3 trường THPT, trong đó đã có 2 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia THPT Nguyễn Du, THPT Nguyễn Công Trứ, đạt tỷ lệ 67% tổng số trường THPT trên địa bàn huyện.
c) Tự đánh giá: Đạt
6. Tiêu chí số 6 về Sản xuất
a) Yêu cầu của tiêu chí:
Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí :
Huyện xác định các sản phẩm chủ lực của huyện (theo Quyết định Quyết định 731/QĐ-UBND ngày 19/5/2011 của UBND huyện Nghi Xuân về việc phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020), gồm: Lạc, bò, lợn, tôm, rau, củ, quả. Toàn huyện đã quy hoạch 27 vùng sản xuất tập trung tại 17 xã với diện tích 1.315 ha được UBND tỉnh phê duyệt; trong đó đã có nhiều vùng được quy hoạch chi tiết và thu hút đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, cụ thể: hiện nay có 200 ha diện tích trồng lạc giống chất lượng cao tại các xã: Xuân Viên, Xuân Mỹ, Xuân Thành, Cổ Đạm, sản phẩm lạc đã được Doanh nghiệp Ngọc Đường thu mua, chế biến lạc xuất khấu; có 8 ha thâm canh về trồng trọt, 3 MH nông nghiệp công nghệ cao bằng nhà lưới quy mô 10.000 m2 , 16 mô hình chăn nuôi lợn quy mô từ 200 con trở lên, trong đó có 6 cơ sở chăn nuôi quy mô 1.200 con trở lên có liên kết với doanh nghiệp; 121 ha nuôi tôm công nghệ cao với sản lượng đạt 824 tấn/năm.Các mô hình sản xuất đều được sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thông qua các HTX, DN liên kết đầu vào và khâu tiêu thụ sản phẩm.
c) Tự đánh giá: Đạt
7. Tiêu chí số 7 về Môi trường
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn.
- Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí :
- Ngày 20/12/2017, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND Thông qua Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Nghi Xuân giai đoạn từ năm 2018 - 2020 và định hướng những năm tiếp theo. Hiện tại có 01 HTX, 14 tổ vệ sinh làm nhiệm vụ thu gom từ chủ nguồn thải đến điểm tập kết/trạm trung chuyển trên địa bàn các xã, thị trấn và có 02 tổ chức (Công ty TNHH dịch vụ môi trường Nghi Xuân, HTX Tân Phát) làm nhiệm vụ vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn 19 xã, thị trấn. Để giảm lượng rác thải trên địa bàn, công tác triển khai phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại gia đình bằng phương pháp ủ phân vi sinh, trộn lẫn cùng phân chuồng để bón đồng ruộng… đạt kết quả khá, góp phần giảm thải lượng rác thải tại nguồn, giảm ngân sách hỗ trợ và giảm ô nhiễm môi trường.
- Các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) trên địa bàn huyện đều có cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định và các hồ sơ thủ tục liên quan. Huyện đã thành lập Đoàn thường xuyên kiểm tra, xử lý và chỉnh đốn việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các đơn vị, cơ sở.
Các cơ sở đều có các công trình, biện pháp xử lý chất thải đúng theo hồ sơ và đảm bảo đạt các quy định về bảo vệ môi trường.
c) Tự đánh giá: Đạt
8. Tiêu chí số 8 về An ninh, trật tự xã hội
a) Yêu cầu của tiêu chí:
Đảm bảo an toàn an ninh, trật tự xã hội
b) Kết quả thực hiện tiêu chí :
- Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt hiệu quả, hàng năm, Đảng ủy, UBND các xã đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc. Lực lượng Công an xã chủ động triển khai lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, phối hợp chặt chẽ các đội nghiệp vụ Công an huyện điều tra, giải quyết ổn định các vụ, việc xảy ra tại cơ sở, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
- Lực lượng vũ trang huyện (Công an, Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương; các cơ quan bảo vệ pháp luật và hệ thống chính trị phối hợp giải quyết các vụ việc phát sinh, làm tốt công tác tiếp dân ở địa phương.
c) Tự đánh giá: Đạt
9. Tiêu chí số 9 về Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định.
- Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí :
- Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện thường xuyên được bổ sung, kiện toàn. Hàng năm UBND huyện, Huyện ủy thành lập các đoàn công tác, tổ công tác chỉ đạo trực tiếp tại các xã, thị trấn, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cho các địa phương và báo cáo Ban chỉ đạo có giải pháp chỉ đạo kịp thời, hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của người dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí, chỉ đạo tốt công tác xây dựng và nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới.
- Văn phòng nông thôn mới được thành lập và kiện toàn đảm bảo theo đúng quy định tại quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 4/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tham mưu cho Ban chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, có quy chế hoạt động và được phân công phân nhiệm cho từng thành viên trong văn phòng.
c) Tự đánh giá: Đạt
Đến nay huyện Nghi Xuân đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng chính phủ.
III. HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình đã huy động được nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, các dự án lồng ghép, huy động từ đóng góp tự nguyện của người dân và các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh. Kết quả:
Tổng nguồn vốn huy động: 2.359,517 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước và nguồn vốn lống ghép: 893,184 tỷ đồng (chiếm 37,85%); vốn tín dụng 884,702 tỷ đồng (chiếm 37,5%); vốn doanh nghiệp 128,260 tỷ đồng (chiếm 5,44%); nhân dân đóng góp và nguồn xã hội khác 453,371 tỷ đồng (chiếm 19,21%).
Vậy UBND huyện Nghi Xuân mong muốn các cơ quan, tổ chức, nhân dân xem và có ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo. Mọi ý kiến đóng góp đề nghị gửi về Ủy ban nhân dân huyện (qua Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện, địa chỉ email: Vpdpntmnghixuan@gmail.com).
Theo UBND huyện Nghi Xuân/nghixuan.hatinh.gov.vn