Nghi Xuân: Tham quan và học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại các tỉnh phía Bắc
- Thứ hai - 31/10/2016 05:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đoàn đã đi tham quan thực tế các mô hình VAC của huyện Tam Dương, huyện vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là những huyện đi đầu trong việc qui hoạch vùng chăn tập trung, đa dạng các loại hình, sản phẩm chăn nuôi trong qui mô hộ gia đình, mạnh dạn trong việc hỗ trợ, đầu tư cho người dân phát triển mô hình với quy mô trên 500 con gia cầm trở lên, hỗ trợ giá giống, thuốc thú y, thuốc khử độc, xây dựng đường ôtô trục chính dẫn đến khu chăn nuôi và thực hiện liên kết trong bao tiêu sản phẩm.
Đoàn đã đến tham quan các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội. Nghề làm chổi đót ở Phú Phương (Hà Đông) đã trở thành nghề chính của không ít hộ gia đình, có những tổ hợp tác thường xuyên có từ 5 – 10 lao động có việc làm với mức bình quân thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước thuộc Đông Âu và Đông nam á.
Làng Chuông nằm bên dòng sông Đáy, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội trên 30km, cách Hà Đông khoảng 20km. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái; nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nón làng Chuông còn là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa…Phát huy truyền thống làng nghề trong những năm gần đây, sản phẩm nón của làng Chuông tiếp tục được cải tiến, thiết kế theo nhiều mẫu mã đẹp phục vụ cho ngành du lịch trong và ngoài nước.
Trước chương trình làm việc với huyện Đan Phượng, huyện có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, có truyền thống cánh mạng kiên cường, là nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ "Ba đảm đang", quê hương "5 tấn" đầu tiên của miền bắc. Huyện được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh Hùng LLVTND năm 2000, danh hiệu Anh Hùng lao động năm 2013 và là huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ Tướng chính Phủ công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Tất Thắng, ủy viên BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội, bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện; Đồng chí Nguyển Thạc Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đã dẫn đoàn đã đến tham quan trung tâm văn hóa huyện, được xây dựng vào năm 2013 với tổng kinh phí xây dựng 117 tỷ đồng. Đây thực sự là một trung tâm văn hóa hoành tráng, có nhiều hạng mục công trình đảm bảo về mặt kiến trúc, nhà bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử có giá trị và mang tính giáo dục truyền thống Cách Mạng.
Tiếp đó đoàn đã đến tham quan mô hình phát triển kinh tế nghề mộc tại xã Liên Hà, các khu kinh tế trọng điểm đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn, trường học mầm non đa năng, cánh đồng trồng hoa xã Liên Trung, Liên Hồng; Các vùng được qui hoạch trồng cây ăn quả và làm việc với cấp ủy chính quyền xã Hạ Mỗ.
Tới thăm cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà, chứng kiến cảnh nhộn nhịp sản xuất, những chuyến ôtô chở hàng nối đua nhau vào ra…chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về quy mô của một cụm công nghiệp làng nghề. Đúng theo tiêu chí XDNTM, làng nghề giờ đã được tách ra khỏi khu dân cư nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Cụm công nghiệp làng nghề xã rộng gần 10ha, có 226 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút khoảng 3000 - 4000 lao động địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Trung bình một hộ sử dụng trên chục lao động, thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đi trong những dãy nhà của cụm công nghiệp làng nghề, tận mắt thấy hàng chục cơ sở, xưởng máy hiện đại, được điều khiển trên máy vi tính, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm khang trang không kém gì các cửa hàng nội thất ngoài phố.
Làng hoa xã Liên Hồng, Liên Trung vói diện tích trên 350 ha, được trồng nhiều loại hoa quí hiếm, trước đây chỉ có ở Đà Lạt nay đã được trồng đại trà trên địa bàn huyện Đan Phượng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và có bàn tay của chính quyền trong công tác qui hoạch vùng sản xuất, giống cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế và liên kết trong bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Trong thời gian làm việc tại xã Hạ Mỗ, hai bên đã trao đổi trong quá trình xây dựng nông thôn mới, những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện và chia sẽ những bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm xây dựng nông thôn mới; những cách làm hay sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, vận dụng và ban hành các cơ chế chính sách riêng của địa phương nhằm thực hiện chương trình có hiệu quả như: chính sách về dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, chính sách hỗ trợ bê tông hóa đường giao thông nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Tại chương trình làm việc với lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng, đoàn đã được nghe ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện báo cáo kết quả sau năm 5 xây dựng NTM của huyện và việc phấn đấu trở thành huyện NTM của thành phố Hà Nội vào cuối năm 2015. Trước khi triển khai Chương trình 02-CT/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2012 - 2015”, Đan Phượng là huyện có nền sản xuất nông nghiệp manh mún, vốn đầu tư còn hạn chế. Quá trình đô thị hóa ở huyện diễn ra nhanh và mạnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, huyện ủy, UBND huyện đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM. Chủ động vận dụng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước một cách sáng tạo, sát thực tiễn, hiệu quả. Huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế, chính sách của Trung ương, Thành phố trong xây dựng NTM.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp, thường xuyên, kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện, sau 5 năm thực hiện chương trình, kết quả thực hiện 19 tiêu chí huyện NTM đã đạt được những thành công đáng mong đợi. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng hoàn thành đã tạo tiền đề vững chắc cho việc quy hoạch lại sản xuất, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được trên 700ha đất lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như hoa, cây ăn quả… nâng giá trị canh tác nông nghiệp hiện nay đạt từ 160 - 250 triệu đồng/ha. Cùng với đó, huyện tập trung phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, cụm công nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn huyện hiện có 6 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút khoảng 6.200 lao động.
Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương, đồng chí Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết: "Muốn làm tốt xây dựng NTM, công tác tư tưởng phải đi trước một bước. Theo đó, bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã xác định đây là chương trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn suốt nhiệm kỳ 2010 - 2015 và những năm tiếp theo. Bởi vậy, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được huyện quan tâm tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Bên cạnh đó, phải có phương pháp và cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình từng xã, không khuôn mẫu hay rập khuôn máy móc.
Tại mỗi xã trên địa bàn huyện các tiêu chí, nhóm tiêu chí được rà soát và thực hiện theo hình thức tiêu chí cần làm trước thì làm trước để vừa giải quyết nhu cầu của nhân dân vừa tạo ra động lực để thực hiện các tiêu chí tiếp theo phù hợp với nhận thức, khả năng huy động vốn của từng địa phương và tình hình chung của huyện. Kết quả này chỉ là bước đầu, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung nâng cao chất lượng xây dựng NTM để phát triển, giữ gìn danh hiệu NTM và có như vậy mới phát triển bền vững” - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng chia sẻ.
Thành công trong xây dựng NTM ở Đan Phượng hôm nay một phần không nhỏ là nhờ vào nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế…trên địa bàn huyện. Trong tổng số hơn 1.955 tỷ vốn bố trí cho xây dựng NTM tại Đan Phượng thì có đến gần 500 tỷ là vốn xã hội hóa, …thành công trên cho thấy sự sáng tạo trong lãnh đạo, sự nhiệt huyết, tận tình của các cán bộ thực hiện và sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân toàn huyện.
Thay mặt đoàn, đồng chí Nguyễn Hải Nam, chủ tịch UBND huyện đã chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo huyện ủy, HĐND,UBND và các địa phương, các làng nghề huyện Đan phượng và tạo điều kiện tốt nhất để đoàn thực hiện có hiệu quả nội dung chương trình tham quan, học tập, trao đổi những kinh nghiệm quí báu, các làm hay trong xây dựng NTM. Trong đợt tham quan học tập lần này, đoàn công tác huyện Nghi Xuân đã được 1 số tỉnh, các huyện ngoại vi thành Thành phố Hà Nội chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng mô hình mỗi làng mỗi sản phẩm, mô hình trồng hoa, mô hình chăn nuôi liên kết … Đây là những bài học quý để Nghi Xuân xây dựng các mô hình mới có hiệu quả cao và bền vững nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn và làm nền tảng cơ bản để xây dựng huyện Nghi Xuân trở thành huyện NTM vào cuối năm 2020.
Theo Hồng Quang/nghixuan.hatinh.gov.vn