Nghi Xuân: Trồng thí điểm thành công giống Lạc TK10 trong vụ Xuân 2016 tại xã Xuân Trường cho hiệu quả cao

Trong vụ sản xuất Đông Xuân 2016 này, huyện Nghi Xuân đã phối hợp với Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, làm thí điểm mô hình "kỹ thuật thâm canh giống lạc TK10" tại xã Xuân Trường.
Nghi Xuân: Trồng thí điểm thành công giống Lạc TK10 trong vụ Xuân 2016 tại xã Xuân Trường cho hiệu quả cao

Mô hình có qui mô 3ha với sự tham gia sản xuất của 50 hộ dân của xã Xuân Trường. TK10 là giống Lạc nhập nội, được các nhà khoa học thuộc Viện Bảo vệ thực vật chọn tạo ra từ tập đoàn giống lạc mang nguồn gen kháng sâu bệnh, năng suất cao. Giống lạc TK10 được Bộ NN-PTNT công nhận là giống sản xuất thử từ tháng 9 năm 2009 ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Đến nay, giống lạc này đang được đưa vào trồng ở nhiều tỉnh trong cả nước như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng trị....

Đồng chí Phạm Tiến Hưng, PCT UBND huyện 
Kiểm tra sản phẩm Lạc TK 10 được sản xuất tại Xuân Trường

Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện bảo vệ thực vật TW( người trực tiếp phụ trách và tham gia sản xuất mô hình Lạc TK 10 tại Xuân Trường) đã khẳng định: giống lạc TK 10 rất phù hợp với đồng đất và khí hậu tại xã Xuân trường nói riêng và huyện Nghi Xuân nói chung.

Qua theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển giống lạc TK10 trong vụ Xuân tại xã Xuân Trường cho thấy  Lạc TK10 có bộ rễ ăn sâu, nốt sần nhiều, sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, có thân đứng, cứng cây, chống đổ tốt, chịu hạn tốt. Lá có dạng hình trứng thuôn dài, màu xanh đậm. Số lượng quả chắc trung bình 14 quả/cây. Vỏ quả mỏng, eo nông, hạt màu hồng nhạt, hình trụ, không nứt vỏ lụa, chất lượng tốt, độ đồng đều cao. Với ưu điểm chống chịu được nhiều sâu bệnh, giống lạc TK10 có thể giúp người trồng lạc giảm được 50% chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với các giống lạc khác.

ông Lê Văn Thái, thôn Lộc Hạnh, xã Xuân Trường là trong 50 hộ dân tham gia sản xuất Lạc TK 10 trong vụ sản xuất Đông Xuân 2016 chia sẻ rằng: giống Lạc TK 10 cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các giống lạc khác tại địa phương đang sản xuất trong vụ này.

Qua sản xuất thực tế tại Xuân Trường đã cho thấy, nếu cùng một chế độ đầu tư phân bón như nhau nhưng ở mô hình lạc TK10 cho hiệu quả kinh tế cao hơn ở sản xuất đại trà. Năng suất của lạc mô hình đạt cao (41,3 tạ/ha). Giống lạc TK10 có tỉ lệ nhân trên quả cao do đó giá bán cao hơn 1000đ/kg. Lạc thương phẩm như hiện nay có giá bán 24.000 đ/kg thì mỗi Hecta trồng lạc TK10 sau khi trừ đi chi phí bà con nông dân thu lãi được 53.900.000 đ/ha. Còn ở sản xuất các giống Lạc đại trà khác, năng suất chỉ đạt 35,5t tạ/ha nên cho thu nhập thấp hơn ( khoảng 39.650.000đ/ha).

Nói về định hướng sắp tới của huyện Nghi Xuân về nhân rộng mô hình lạc này ông Phạm Tiến Hưng, PCT UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Nghi Xuân sẽ có nhiều chính sách khuyến khích bà con nông dân các địa phương khác trong huyện đưa vào trồng giống lạc TK 10 này trong các vụ sản xuất tới, nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng cây lạc tại Nghi Xuân.

Hy vọng rằng, sau khi trồng thử nghiệm thành công mô hình "kỹ thuật canh tác giống Lạc TK 10" tại xã Xuân Trường, sẽ tạo thêm niềm tin để bà con nông dân Nghi Xuân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng của mình.

 

Theo Anh Đức- Ngọc Trâm/Nghi Xuân