Nghi Xuân chậm trễ trong xây dựng trường chuẩn quốc gia
- Thứ năm - 22/11/2012 19:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong khi các trường học trên địa bàn tỉnh ta đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2, thì gần 1/2 trường học ở Nghi Xuân lại đang loay hoay với công tác xây dựng chuẩn mức độ 1. Sự chậm trễ trong phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn ở Nghi Xuân được lý giải bởi sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền dẫn đến việc thiếu cơ chế, chính sách trong việc huy động nguồn lực.
Gian nan xây dựng trường chuẩn...
Với cơ sở vật chất của Trường Mầm non Xuân Mỹ như hiện nay, việc đảm bảo đủ phòng học cho học sinh đã khó chứ chưa nói đến công tác xây dựng trường chuẩn |
Theo cô giáo Trần Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường, nếu xét về chất lượng dạy, học và các phong trào thi đua thì Trường tiểu học thị trấn Nghi Xuân luôn đứng ở tốp đầu của cấp học, tỷ lệ giáo viên, học sinh giỏi của nhà trường là niềm mong ước của nhiều đơn vị khác. Năm học 2006-2007, trường Tiểu học Thị trấn Nghi Xuân đưa ra đề án xây dựng trường đạt chuẩn nhưng đến năm học này Trường tiểu học Thị trấn mới về đích chuẩn giai đoạn 1. Một trong những lý do chủ yếu khiến cho quá trình xây dựng trường chuẩn ở đây bị kéo dài chính tiến độ xây dựng kiểu “rùa bò” của công trình nhà chức năng và văn phòng. Được khởi công từ tháng 3- 2008 nhưng đến tháng 6-2012, công trình có giá trị hơn 1 tỷ đồng này mới được bàn giao và đưa vào sử dụng. Những khúc mắc trong quá trình thi công chúng tôi xin không được bàn ở đây, nhưng rõ ràng vấn đề huy động nguồn lực và quản lý xây dựng của địa phương gây ảnh hưởng đến nỗ lực phấn đấu của cô trò nhà trường. Cũng vì chưa được công nhận đạt chuẩn mà nhiều năm liền tập thể cán bộ, giáo viên ở đây đều bị cắt mọi danh hiệu thi đua!?
Theo chủ tịch UBND thị trấn Nghi Xuân Hồ Ngọc Liên, vì là thị trấn nên địa phương không được hưởng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó địa phương hoàn toàn dựa vào nội lực để xây dựng các công trình trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã dồn lực để xây dựng trường THCS và mầm non đạt chuẩn nên việc tiến độ xây tiến độ xây dựng trường chuẩn ở cấp 1 có chậm hơn.
Khác với trường tiểu học thị trấn Nghi Xuân, quá trình xây dựng trường học đạt chuẩn ở trường THCS Thành - Mỹ khó khăn hơn nhiều. Nằm trên địa bàn hai xã có điều kiện kinh tế khó khăn, sau hơn 10 năm thành lập, nhà trường mới cơ bản xây dựng được đủ phòng học để phục vụ cho công tác giảng dạy. Theo lộ trình, năm học 2012-2013 nhà trường sẽ phấn đấu đạt chuẩn. Thầy giáo Nguyễn Hoài Nam – Hiệu trưởng Trường THCS Thành Mỹ cho biết, quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn thì có thừa nhưng xem ra để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn cũng không dễ. Ước tính để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất, năm học này, hai địa phươn phải huy động khoảng 1,2 tỷ đồng để xây dựng phòng học chức năng, tổ bộ môn và các thiết bị phụ trợ.
Thầy Nam làm một phép tính đơn giản, tổng số tiền cần huy động là 1,2 tỷ đồng, trong đó tiền huy động từ phụ huynh học sinh là 130.000.000đ/năm, cộng với tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất theo cam kết của 2 địa phương là 200 trăm triệu/xã/năm thì được khoảng 530 triệu. Trong khi đó, hai xã hiện đang nợ gần 1,7 tỷ đồng tiền xây dựng trường học từ các năm cộng lại, nếu với mức đóng góp theo như cam kết thì phải đến 3 -4 năm sau địa phương mới trả xong nợ xây dựng trường, thì nói gì đến việc huy động nguồn lực để xây dựng trường chuẩn. Nếu không được thụ hưởng dự án hoặc không có sự hỗ trợ của cấp trên, xem ra quá trình xây dựng trường chuẩn ở đây còn dài dài.
... Và giữ chuẩn
Câu chuyện xây dựng trường chuẩn đã khó, việc giữ vững chuẩn xem ra còn khó hơn. Sau một thời gian được công nhân đạt chuẩn, năm 2011 Trường Tiểu học Xuân Hội bị cắt danh hiệu. Theo Cô giáo Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường, lý do khiến nhà trường không được công nhận lại là do cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nhưng chưa được xây dựng, tu sữa kịp thời. Trước tình hình đó, xã Xuân Hội đã lập dự án xây dựng khu nhà hiệu bộ và phòng học chức năng ở trường tiểu học với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên vừa mới khởi công, dự án đã bị “tuýt còi” do tổng mức dự toán vượt so với quy mô của dự án và năng lực huy động vốn của chủ đầu tư.
“Việc có được công nhận đạt chuẩn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng điều chỉnh, đẩy nhanh tiến xây dựng theo quy định”, cô Thủy cho biết thêm.
Xem ra dù chính quyền có “tích cực” đến đâu, nhưng việc phấn đấu đạt chuẩn trở lại của nhà trường đang vấp phải trở ngại kinh phí.
Cùng với nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh thì các quy định về trường đạt chuẩn cũng từng bước được nâng lên. Đối với những trường học trước đây đã được công nhận đạt chuẩn, nếu không có sự đầu tư, đổi mới sẽ khó lòng giữ được chuẩn chứ chưa nói gì đến việc phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2.
Trường Tiểu học Xuân Liên nằm trong tốp cuối khối tiểu học được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nếu không được tiếp tục đầu tư thì trường sẽ mất chuẩn sau 3 năm được công nhận. Để giữ vững tiêu chí chuẩn mức độ 1 sau 5 năm kiểm tra lại, bắt buộc nhà trường phải huy động hơn 750 triệu đồng để xây dựng phòng thư viện, phòng đọc, phòng giáo viên và các thiết bị bên trong.
Theo ông Hoàng Văn Cát - Chủ tịch UBND xã Xuân Liên, để huy động nguồn lực từ người dân là rất khó, với mức thu nhập bình quân trên đầu người hiện nay của xã là 12 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 1/2. Bên cạnh đó, so với trường THCS và Mầm non thì cơ sở vật chất của trường tiểu học khang trang, đầy đủ hơn nhiều. Vì vậy nếu có nguồn hỗ trợ thì chúng tôi sẽ ưu tiên cho 2 đơn vị có cơ sở vật chất khó khăn hơn. Xem ra để giữ được chuẩn, Trường tiểu học Xuân Liên phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài
Hội thi tìm hiểu môi trường ở Trường THCS Cương Gián |
Theo khảo sát của chúng tôi, đối chiếu các tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia, hầu như các trường học trên địa bàn Nghi Xuân đều đạt hoặc vượt. Chỉ thiếu duy nhất tiêu chí cơ sở vật chất. Vẫn biết rằng, với điều kiện khó khăn như hiện nay, việc huy động nguồn lực để xây dựng trường học gặp không ít trở ngại. Theo nhiều người tâm huyết với giáo dục Nghi Xuân, do không tạo ra được tiếng nói chung nên phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn ở đây có lúc bị xem nhẹ. Nếu so với điều kiện của các địa phương khác, chắc rằng những ai quan tâm đến ngành giáo dục của vùng đất văn hóa sẽ không khỏi chạnh lòng.
Cùng với cả tỉnh, năm học 2005-2006, huyện Nghi Xuân bắt tay vào việc xây dựng trường chuẩn theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục. Thế nhưng, phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở đây không nhận được sự vào cuộc quyết liệt nên Nghi Xuân chưa xây dựng được lộ trình, chính sách để tháo gỡ những khó khăn trong trào xây dựng trường chuẩn, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, được chăng hay chớ.
Ngô Tuấn
Theo baohatinh.vn