Người thương binh làm kinh tế cho thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm
- Thứ tư - 08/08/2018 12:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 5/1978, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, CCB, thương binh Hoàng Ngọc Trà lập gia đình với chị Phan thị Lài và bắt tay vào phát triển kinh tế. Những ngày đầu lập nghiệp, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, lao động vất vả cũng không đủ nuôi các con ăn học. Năm 1980, vợ chồng ông đã quyết định đưa con cái lên thôn Xuân Sơn, một vùng sơn cước, hẻo lánh ven chân núi Hồng Lĩnh của xã Cổ Đạm để lập nghiệp. Những ngày đầu nơi vùng đất mới, cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn, quanh năm lam lũ với những cây nông nghiệp truyền thống như lúa, khoai và chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn. Với ý chí kiên cường của một người lính, không khuất phục cái đói, cái nghèo, năm 1984 ông Trà cùng gia đình quyết tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế VACR. Vợ chồng ông cải tạo được gần 3ha đất đồi núi để làm vườn, đào đắp trên 1ha đất để làm ao thả cá, nuôi ba ba và nhận 20ha đất rừng để trồng keo, tràm, bạch đàn. Ngoài ra vợ chồng còn nấu rượu nuôi thêm lợn, trồng thêm cây ăn quả như: hồng, cam, ổi, vải thiều..
Vốn là một người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, với những trăn trở quyết tâm vượt lên đói nghèo nhưng do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi nên cũng đã có nhiều năm liền kinh tế gia đình ông phải lao đao với những biến cố thăng trầm. Vào năm 2008, do sự cố vỡ đập tràn Cồn Tranh đã cuốn trôi nhiều tấn cá và trên 1.200 con ba ba sắp đến ngày thu hoạch, tổng thiệt hại cho gia đình gần 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó gia đình cũng phải phá bỏ gần 1ha cây vải do chất lượng giống không đảm bảo, sản phẩm không có đầu ra.
Từ những thất bại đó, ông quyết định phải thay đổi hướng làm ăn sao cho thật hiệu quả và bền vững. Là một người gắn bó lâu năm với vùng ven chân núi Hồng Lĩnh, ông hiểu những tiềm năng lợi thế từ rừng mang lại. Ông mạnh dạn vay thêm vốn từ ngân hàng, cộng với số vốn do gia đình tích lũy quyết tâm xây dựng, phát triển kinh tế theo mô hình kết hợp trồng rừng, chăn nuôi, đặc biệt là trồng cây hoa đào, một trong những loài cây cảnh có đầu ra dễ dàng vào dịp Tết Nguyên Đán. Ông đã mày mò tự học hỏi, đồng thời chủ động đi tham quan nhiều mô hình kinh tế để tích lũy kinh nghiệm. Sau nhiều cố gắng, giờ đây ông Trà đó có một trang trại quy mô với tổng diện tích gần 30ha, bao gồm 25ha rừng, 1,2ha ao hồ thả cá, 3ha cây ăn quả, cây cảnh với các loại: mít thái, hồng vuông và gần 800 gốc đào. Ông còn chủ động nhận bảo vệ và chăm sóc gần 100ha rừng dưới chân núi Hồng Lĩnh, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động của địa phương. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình từ 350 đến 400 triệu đồng. Riêng mỗi dịp tết đến, xuân về, vườn đào của ông đã cung cấp từ 250 đến 300 gốc cho thị trường, mang lại nguồn lợi hàng trăm triệu đồng.
Ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông còn năng nổ, nhiệt tình và đầy trách nhiệm với công tác xã hội, tích cực phổ biến cho bà con về kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, giúp các gia đình khác còn nghèo khó trong thôn cùng thoát khỏi đói nghèo. Tại địa phương, ông luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt mọi quy ước, hương ước ở thôn, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng NTM, xây dựng vườn mẫu, vận động các hội viên cựu chiến binh khác cùng tham gia xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Năm 2017, mô hình phát triển kinh tế vườn hộ của ông Trà đã được xếp giải B trong cuộc thi vườn mẫu cấp tỉnh. Nhiều năm liền ông đã được nhận bằng khen của Bộ NN&PTNT, của tỉnh, của huyện về thành tích trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi và bảo vệ rừng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Trà còn là chi hội trưởng chi hội CCB thôn Xuân Sơn xã Cổ Đạm. Với tư cách người đứng đầu, ông luôn quan tâm đến đời sống của các hội viên, giúp đỡ họ trong phát triển kinh tế gia đình xoá đói giảm nghèo. Ông thường xuyên có những sáng kiến để cùng trao đổi, chia sẻ với các hội viên, từ đó giúp hội viên có thêm kinh nghiệm, tự tin để phát triển kinh tế, nhất là kinh nghiệm trong xây dựng mô hình VAC. “Dù ở cương vị nào, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Trà cũng luôn đầu tàu, gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao, được đồng đội và bà con ở địa phương yêu mến, tin tưởng” thôn trưởng thôn Xuân Sơn ông Trần Văn Sơn chia sẻ.
Vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ông Hoàng Ngọc Trà xứng đáng là người lính “Cụ Hồ” với phẩm chất tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh. Mô hình kinh tế của ông không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh, và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Cổ Đạm.
Theo Hồng Quang - Đức Đồng/nghixuuan.hatinh.gov.vn