Sự “hồi sinh” ở Làng Mộc Phổ Trường

Sự “hồi sinh” ở Làng Mộc Phổ Trường
Nghề Mộc truyền thống Phổ Trường (Xuân Phổ) ra đời vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước. Ở đây có nhiều nghệ nhân nổi tiếng về chạm trổ, đóng đồ mướp, đóng thùng vận…Trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 2016, nghề mộc Phổ Trường đã được UBND tỉnh công nhận nghề mộc truyền thống. Nghề mộc truyền thống Phổ Trường có sức sống bền bỉ cùng thời gian, giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng ấm no, khá giả.

Ông Trần Đức Tỵ là một trong những người cao tuổi của nghề Mộc truyền thống Phổ Trường. Mặc dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn miệt mài và đam mê với nghề mộc. Ông Tỵ là thế hệ thứ 4 trong một gia đình nổi tiếng của nghề mộc. Mấy năm gần đây, để theo kịp với xu thế phát triển chung và đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng, ông đã đầu tư gần 600 triệu đồng mua sắm máy móc hiện đại như máy cưa bào, đục…nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong xưởng của ông luôn có từ 3-5 lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng một tháng.

Được hình thành trên đất Xuân Phổ từ rất sớm - vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, nghề mộc đã có những nghệ nhân nổi tiếng về chạm trổ, đóng đồ mướp, đóng thùng vận như: cố Phớt Mơn ở Phổ An, cố Nhung Lộc ở Phổ Bình, cố Nhoan ở Phổ Hòa và sau nữa là cố Tấn ở Phổ Trường, cố Khởi ở Phổ Bình...Từ đó, xuất hiện câu phương ngôn “Trống Đan Tràng, đục chàng Đan Phổ”. Năm 1978, xã Xuân Phổ thành lập HTX thủ công nghiệp sản xuất hàng mộc dân dụng lấy tên là HTX Tân Tiến để gom lao động làm nghề tập trung. Đến khoảng năm 1990, do điều kiện sản xuất, kinh doanh theo mô hình HTX không phù hợp nên HTX đã giải thể. Số lao động được chia ra từng nhóm nhỏ tiếp tục duy trì nghề truyền thống. Hầu hết được chuyển sang làm ăn cá thể tại hộ gia đình hoặc đi làm công ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nghề mộc truyền thống ở Phổ Trường được duy trì và phát triển đến nay đã trên 50 năm. Từ chỗ trong làng chỉ có vài ba người tham gia, cha truyền con nối, đến nay đã trở thành một nghề truyền thống. Năm 2016 nghề Mộc Phổ Trường đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận nghề mộc truyền thống.

Toàn thôn hiện có 134 hộ dân, trong đó 75 lao động làm nghề mộc, trên 30% hộ tham gia sản xuất hàng mộc dân dụng, cao cấp. Các công đoạn sản xuất chủ yếu như: xử lý gỗ nguyên liệu, xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn, ép gỗ... trước đây đều phải làm bằng tay thì đến nay đã được thay thế bằng hệ thống máy móc hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và giải phóng sức lao động. Trước đây sản xuất của nghề mộc truyền thống Xuân Phổ chỉ hoạt động cầm chừng, sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng phổ thông như bàn, ghế khung cửa, cánh cửa…và khách hàng chỉ là nhân dân trong xã, trong huyện. Từ khi được công nhận nghề mộc truyền thống thì sản phẩm của làng nghề trở nên đa dạng hơn nhiều, các thợ mộc trong làng đã làm được những bộ bàn ghế, tủ bếp, bộ phản cao cấp…nhiều sản phẩm có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Khách hàng của làng nghề bây giờ đã mở rộng khắp địa bàn Hà Tĩnh và thành phố Vinh. Nhờ vậy mà thu nhập của các hộ gia đình cũng từng bước được nâng lên. Năm 2014 doanh thu của nghề mộc truyền thống Phổ Trường mới chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 đã đạt trên 12 tỷ đồng. Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 35 triệu đồng, 100% lao động đều có việc làm ổn định.
Về nghề Mộc truyền thống Phổ Trường hôm nay sẽ cảm nhận được sự đổi thay ấn tượng. Thấp thoáng phía sau cổng làng là những ngôi nhà cao tầng ngói mới khang trang. Sự phát triển của nghề Mộc truyến thống Phổ Trường đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Xuân phổ,  cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần cùng địa phương xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu một cách bền vững.
 
Theo: Ngọc Trâm/nghixuan.hatinh.gov.vn