Xã Cương Gián (Hà Tĩnh): Làng xuất ngoại và những chuyện bên lề

Xã Cương Gián (Hà Tĩnh): Làng xuất ngoại và những chuyện bên lề
Xã Cương Gián (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) thường được nhắc đến với "mũi nhọn” là xuất khẩu lao động, cùng với đó là sự khen ngợi, ngưỡng mộ về sự giàu có của người dân xứ biển nơi đây. Thế nhưng ít ai biết đến nỗi băn khoăn "đau đáu” thường trực trong lòng một bộ phận người dân cũng như chính quyền của xã mấy chục năm qua.
 
 
Nhà tầng ở Cương Gián mọc lên san sát
 
"Phố trong làng”
 
Người ta đồn rằng "dân Cương Gián chỉ tiêu tiền đô chứ không tiêu tiền Việt”. Khi đến địa phận xã Cương Gián tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh giàu có như chốn đô thành của một miền quê vốn trước đây quanh năm bám biển để sống. Cương Gián ngày nay chẳng khác gì thành thị, nhà cao tầng mọc san sát thậm chí những ngôi biệt thự tiền tỷ cũng không còn hiếm. Dọc "tuyến phố trong làng” là những ngôi nhà "kiểu tây”, nhà hàng, dịch vụ…
 
Từ năm 1995 trở lại đây, người người, nhà nhà ở Cương Gián đều thi nhau xuất khẩu lao động. Với lợi thế của dân biển là có nghề đánh bắt hải sản, lao động khỏe mạnh, cần cù, chất phác nên xã đã đưa ra kế sách xuất khẩu lao động và đã đạt được bước đột phá nhờ chính sách này. Ông Hoàng Văn Tiến – Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: Xã có khoảng 14.000 dân nhưng mấy chục năm nay đã có tới 2.500 người đã được đưa đi xuất khẩu lao động, mỗi nhà bình quân có từ 2-3 người xuất ngoại, đặc biệt có những gia đình có 9-10 người xuất khẩu lao động. Nguồn lợi từ xuất khẩu lao động đem lại là rất lớn, chỉ tính riêng thị trường Malaixia và Đài Loan trong năm 2011 tiền gửi tín dụng của lao động xuất khẩu đã đạt con số gần 35 tỷ đồng; mỗi năm người dân xuất khẩu đem về khoảng 70-80 tỷ đồng; khi có vốn người dân đầu tư chủ yếu vào việc xây nhà, ngoài ra mở rộng kinh doanh, buôn bán dịch vụ. Điều đó lý giải vì sao xã Cương Gián giống như "phố” và "chỉ tiêu tiền đô”.
 
Thị trường xuất khẩu mạnh nhất của xã Cương Gián từ trước đến nay là Hàn Quốc, tuy nhiên gần đây thị trường này có sự chuyển giao sang Nhật Bản – một thị trường đầy tiềm năng.
 
Tình cờ vào một ngôi nhà trông có vẻ khá giả ở thôn Bắc Mới nhưng không ngờ lại đúng nhà ông Nguyễn Ngọc Cư - trưởng thôn. Nhắc đến việc xuất khẩu lao động của địa phương, ông Cư giống như "mở cờ” trong bụng và tâm sự: "Thôn Bắc Mới trước đây nghèo nhất xã, có tới 75% là hộ nghèo nhưng nhờ đi nước ngoài nên giờ chỉ còn 17,5% . Gia đình tôi cũng có 4 cháu đi xuất khẩu lao động, cả con trai lẫn con dâu. Thu nhập bình quân đạt từ 700 - 1000 USD/tháng. Nhờ có xuất khẩu lao động nếu không dân ở đây không biết sẽ nghèo đến bao giờ”.
 
Phải nói rằng, xuất khẩu lao động đã giúp cho xã Cương Gián có sự "thay da đổi thịt”, đời sống vật chất ngày càng được nâng lên, bộ mặt toàn xã đã khác xưa. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn ẩn chứa nhiều bấp bênh.
 
Những hệ lụy từ xuất khẩu lao động
 
Với một số địa phương khác, hệ lụy từ xuất khẩu lao động đem lại chủ yếu là du nhập văn hóa phẩm đồi trụy, tệ nạn xã hội nhưng với Cương Gián thì đó không phải là điều đáng lo ngại. Mặc dù đã có rất nhiều con em ra nước ngoài nhưng trên địa bàn xã chưa hề có trường hợp nghiện ma túy hay hành nghề mại dâm. Đó là điều rất đáng tự hào của nhân dân cũng như chính quyền xã Cương Gián.
 
Song điều bất cập hiện nay của xã chính là khoảng cách giàu nghèo rất cao; người dân không quan tâm đến việc học; bỏ bê nghề biển; lao động nhàn rỗi ngày càng nhiều... Xã có hơn 3.000 hộ dân nhưng có tới 555 hộ nghèo, chiếm 18,2%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt từ 12 đến 15 triệu đồng/người/năm. Những hộ có người xuất khẩu lao động thì rất giàu trong khi một số hộ lại "nghèo rớt mồng tơi”, điều đó đã kéo thu nhập của toàn xã xuống thấp. Sở dĩ ở đây có nhiều hộ nghèo như vậy là vì các hộ đó không có nghề nghiệp ổn định, đất nông nghiệp ít, chủ yếu là ngư nghiệp vì xã có tới 8km đường biển, 10/15 thôn giáp biển nhưng nay nghề biển dường như bị lãng quên, vì phần lớn người chỉ tập trung để đi nước ngoài. Mặt khác, một số hộ đã nghèo lại càng nghèo thêm do sự bấp bênh trong xuất khẩu lao động, điển hình như 2 trường hợp ở thôn Bắc Mới là gia đình ông Trần Đức Trường và Nguyễn Ngọc Tịnh do vay tiền cho con đi nước ngoài nhưng do làm ăn thất bát nên nợ nần chồng chất.
 
Dẫu biết rằng, xuất khẩu lao động là hướng đi mang lại hiệu quả lớn nhưng hệ lụy của nó cũng tiềm ẩn nhiều bất cập. "Nhàn cư” thì sẽ "bất thiện”, đó là điều khó tránh khỏi đối với bất kỳ ai. Xã Cương Gián có đường biển khá dài, có tiềm năng để phát triển dịch vụ, du lịch biển, nếu biết tận dụng nguồn lợi từ biển và khai thác có hiệu quả các dịch vụ thì chắc hẳn Cương Gián không chỉ nổi tiếng về xuất khẩu lao động mà còn phát triển được kinh tế biển.
Hạnh Nguyên
Theo Báo Đại đoàn kết