Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thạch Hà
- Chủ nhật - 25/11/2012 19:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về các xã Thạch Văn, Thạch Ngọc, Tượng Sơn, Thạch Tân, Thạch Xuân... của huyện Thạch Hà trong những ngày qua, ở xã nào chúng tôi cũng thấy được sự đổi thay mạnh mẽ và khá toàn diện so với những lần về trước. Hỏi ra được biết, mọi thay đổi nơi đây đều bắt nguồn từ thay đổi nhận thức.
Mô hình nuôi lợn liên kết quy mô lớn của HTX Đồng Tiến, xã Thạch Thắng cho thu lãi mỗi năm 350 triệu đồng |
Ông Phan Hữu Tuất, Trưởng phòng LĐ-TB&XH, cho biết: Trong gần 3 năm thực hiện Đề án đào taọ nghề cho lao động nông thôn của huyện, cái được lơn nhất là người người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề...để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước.
“Trước đây, khi chưa qua đào tạo, người nông dân cứ theo thói quen, theo kinh nghiệm sẽ bón 5 kg phân đạm hoặc gieo 4 kg giống... nhưng giờ cũng trên đơn vị diện tích ấy họ chỉ đã gieo, bón ít hơn theo đúng kỹ thuật nên không chỉ giảm chi phí mà còn cho hiệu quả cao hơn, năng suất hơn so với trước...”, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Nguyễn Văn Thìn, cụ thể.
Nếu như trước đây, người dân xã Tượng Sơn huyện Thạch Hà sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay đã khác. Nhiều nghề mới đang được phổ biến, cho thu nhập tốt, giúp người nông dân vốn "một nắng hai sương" với đồng ruộng đang dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống. Anh Trần Hậu Danh, 30 tuổi, xóm Bắc Bình là một ví dụ điển hình. Từ nhỏ lớn lên anh cùng gia đình"cuốc bẫm cày sâu" trên mấy sào ruộng, vất vả sớm hôm mà thu nhập thì chẳng là bao. Theo Đề án "Đào tạo nghề, giải quyết việc lam cho lao động nông thôn huyện Thạch Hà đến năm 2020", anh theo học nghề hàn. Tiếp thu được nghề, anh về mạnh dạn mở xưởng sản xuất. Và chẳng bao lâu, đến nay, nghề hàn của anh làm không hết việc, cho thu nhập tốt gấp nhiều lần làm ruộng. Anh tiếc vì không được đến với nghề này sớm!.
Không chỉ anh Danh, hiện nay nhiều nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và các huyện lân cận cũng là người xã Tượng Sơn làm trưởng bếp và phục vụ...Nhưng ấn tượng nhất về Tượng Sơn lần này là “bát ngát” những cánh đồng sản xuất rau sạch. Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, Dương Kim Huy, cho biết: "Hiện 4 vùng sản xuất rau sạch rộng trên 15 ha đang có 116 hộ trong xã tổ chức sản xuất cho thu nhập 250 triệu đồng-280 triệu đồng/ha. Thời gian tới chúng tôi sẽ quy hoạch thêm 3 vùng nữa với diện tích 15 ha. Đây sẽ là vùng sản xuất rau sạch tập trung theo hướng hàng hóa để cùng cấp cho thành phố Hà Tĩnh và các vùng khác”.
Theo anh Huy, trong thời gian qua, xã đã mở được 18 lớp, gồm: Điện dân dụng, máy nông cụ, hàn, thú y với hơn 600 người tham gia. Nhiều người trong số đó đang phát huy được nghề đã học nên có thu nhập ổn định.
Theo Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phan Hữu Tuất, được sự quan tâm của các cấp, các ngành..., trong thời gian qua, mỗi năm trung bình huyện tổ chức mở được gần 60 lớp đào tạo nghề với trên 2.000 lao động nông thôn và cán bộ công chức xã tham gia trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, phi nông nghiệp quản lí nhà nước... Đó là chưa tính hàng chục lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn hàng năm theo các nguồn kinh phí hỗ trợ hoắc các dự án khác. Tính đến cuối tháng 10/2012, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thạch Hà chiếm trên 40%, trong đó, lao động qua đào tạo chiếm 32%, trên 70% học viên sau học nghề tạo được việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Điểm đáng ghi nhận khác là hiện nay, Thạch Hà đã xây dựng được gần 40 mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nhiều mô hình bước đầu đã giải quyết được việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động. Mô hình Dự án "Đào tạo nâng cao năng lực kinh tế dựa vào cộng đồng" (CB-TREE) tại xã Thạch Văn với 8 nhóm nghề, sau một thời gian triển khai đã được Tổng Cục dạy nghề - Dự án CB-TREE đánh giá cao về tính hiệu quả. Hiện tại, xã đã thành lập tổ hợp đóng thuyền nan, thành lập HTX sản xuất kinh doanh mây tre đan xuất khẩu. Mô hình Dự án IMPP tại 9 xã đã thành lập được HTX làm nón lá tại xã Phù Việt; sản xuất tăm, đũa tre tại xã Thạch Kênh; HTX trồng rau sạch tại xã Tượng Sơn; chăn nuôi lơn quy mô lớn tại xã Thạch Hội, xã Thạch Thắng...
“Để góp phần có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Thạch Hà sẽ tập trung đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới bằng những hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh...", Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phan Hữu Tuất, cho biết.
Theo baohatinh.vn