KHẨN CẤP: SỐ LỢN CHẾT TRÊN KÊNH KẺ GỖ N9 DƯƠNG TÍNH VỚI BỆNH TẢ LỢN CHÂU PHI

Vừa qua, như đã đưa tin, tối ngày 24/5/2019 trên địa bàn huyện Thạch Hà phát hiện hàng chục con lợn chết trong giai đoạn phân huỷ trôi nổi trên Kênh Kẻ Gỗ N9 đoạn qua xã Thạch Lạc. Ngày 25/5/2019, Chi cục thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm. Kết luận số lợn chết dương tính với bệnh tả lợn Châu Phi.

Như Cổng thông tin Thạch Hà đã đưa tin trước đó, vào khoảng 20h ngày 24/5 trên kênh Kẻ Gỗ N9 đoạn qua thôn Thanh Sơn - xã Thạch Lạc phát hiện hàng chục con lợn chết trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối. Lãnh đạo huyện và cơ quan chức năng đã vào cuộc, thu gom đào hố chôn lượng lợn trên, đồng thời gửi mẫu xét nghiệm nguyên nhân lợn chết. Ngày 25/5, Cục thú y vùng III kết luận số lợn trên dương tính với virus tả lợn Châu Phi.

Sáng ngày 27/5, tiếp tục phát hiện lợn mắc kẹt tại các chốt chặn trên địa bàn các xã Thạch Trị, Thạch Hội

Lợn chết mắc kẹt tại thanh chắn khu vực giáp ranh giữa các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên với xã Thạch Hội của huyện Thạch Hà. Các điểm ghi nhận có xác lợn chết tại: cống Đò Bang, khu vực giáp ranh xã Cẩm Yên huyện Cẩm Xuyên với xã Thạch Hội trên tuyến kênh N7, khu vực giáp ranh xã Cẩm Hòa huyện Cẩm Xuyên với xã Thạch Hội trên tuyến kênh N9.

Tuyến dòng chảy lấy nước từ hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) chảy vào địa bàn huyện Thạch Hà vẫn tiếp tục phát hiện lợn chết. Qua chốt chặn tại địa bàn giáp ranh giữa xã Thạch Hội với các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên đã phát hiện lợn mắc kẹt lại. Cụ thể là ở sông tiêu tại điểm chắn cống Đò Bang giáp ranh xã Cẩm Yên với xã Thạch Hội và xã Cẩm Hoà với xã Thạch Hội qua dòng chảy kênh Kẻ Gỗ N9.

Chính quyền các địa phương các xã bãi ngang đã lập các chốt chặn tại điểm kênh vào địa bàn và tổ chức các tổ đội tuần tra dọc tuyến kênh đồng thời lập tức trục vớt và chôn, tiêu độc khử trùng lợn chết ngay khi phát hiện. Tuy nhiên, nguồn nước đã nhiễm bệnh. Gần 50.000 con lợn trên địa bàn Thạch Hà đang ở mức báo động đỏ.

Qua kiểm tra ban đầu cho thấy nhận thức của người dân còn rất thấp, chính quyền còn lơ là trong công tác tuyên truyền và thiếu quyết liệt trong triển khai các công tác phòng chống dịch.

Ngay lúc này, chính quyền địa phương và người dân cần ứng phó với bệnh dịch bằng mọi biện pháp. Đặc biệt lưu ý đối với nguồn nước.

Khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước từ kênh để tắm lợn, vệ sinh chuồng trại; đi làm đồng về cần tiêu độc khử trùng cơ thể, dụng cụ tránh lây lan sang lợn; hạn chế ra vào khu chăn nuôi; Rắc vôi bột 2 tầng, phun tiêu độc khử trùng 100% tại nhà ở và khu chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn; Khuyến cáo bà con chăn nuôi không sử dụng thức ăn có liên quan đến nguồn nước lấy từ kênh N9; tăng đàn, tái đàn; mua thức ăn chăn nuôi tại các đại lý có uy tín; không sử dụng thức ăn dư thừa ở các nhà hàng và phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện lợn có dấu hiệu bệnh;

Tuyên truyền, phát thanh liên tục cảnh báo mức cao nhất một cách thường xuyên, liên tục các dấu hiệu, cập nhật tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho bà con, đặc biệt là hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn từ đó nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của bà con;

Chính mỗi người dân phải nâng cao hơn nữa trong ứng phó với bệnh dịch do người ảnh hưởng trực tiếp bởi hậu quả của bệnh dịch chính là người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải tăng cường hơn nữa tuyên truyền, cung cấp vôi bột, hướng dẫn bà con ứng phó với bệnh dịch.

Tác giả: Hiền Lương - Nguồn: Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Thạch Hà
http://thachha.gov.vn