Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn

Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn
Xã Thạch Văn và dòng họ Hồ Phi vừa long trọng tổ chức lễ đón nhân bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn. Về dự có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH, TT&DL. Về phía huyện có các đồng chí Trần Nhật Tân-TUV, Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Văn Thắng-Phó Bí thư TTHU, Chủ tịch HĐND huyện, Trần Việt Hà-Phó Bí thư HU, Chủ tịch UBND huyện.


Các tiết mục văn nghệ tại buổi lễ

Hồ Phi Chấn là anh cả trong một gia đình có ba anh em trai, cha là Hồ Phi Thỉnh. Theo hậu duệ của dòng họ Hồ xã Thạch Văn thì Hồ Phi Chấn tên chữ là Hiển, con cháu thường gọi là ông Hiển. Thuở nhỏ Hồ Phi Chấn có sức khoẻ hơn người, thông minh cứng cỏi và có lòng thương người. Đến bây giờ nhiều câu chuyện về Hồ Phi Chấn vẫn được truyền tụng trong tâm thức của nhân dân vùng biển ngang Thạch Hà và dòng họ Hồ Phi xã Thạch Văn.   

Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở đất Tây Sơn (thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam), do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo, đó là Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Tuy sử sách không ghi rõ thời gian và quá trình tòng quân, chiến đấu của Hồ Phi Chấn nhưng chắc chắn ông phải là người anh dũng, can trường, võ nghệ cao cường, đã từng lập được nhiều công lao trong chiến trận. Sách Địa chí Thạch Hà chép: “Hồ Phi Chấn đã xung vào đội quân của vua Quang Trung. Trong trận, Hồ Phi Chấn là người dũng cảm, ra trận thường xông lên hàng đầu, lập nhiều chiến công, cuối đời Quang Trung, được phong làm Cai cơ, Anh liệt tướng quân, Chỉ huy sứ, tước Bá…”

Di tích Nhà thờ và Mộ Hồ Phi Chấn nay ở thôn Đông Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Theo sách Địa chí Thạch Hà thì Nhà thờ Hồ Phi Chấn trước đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ, thường gọi là “Điện ông Đô” dựng trên đồi cát. Trước kia, miếu lợp tranh, đến năm Bính Tý đời Bảo Đại (1936), dân xóm Đông và xóm Nam, xã Trung Thủy quyên góp tiền xây dựng lại. Miếu rất nhỏ, tường xây gạch, mái trát vữa, mỗi chiều rộng khoảng 2m, bệ thờ vừa đủ chỗ đặt bài vị, lư hương. Phía trước, cách miếu khoảng 7 - 8m có tắc môn, hai cột cổng xây cao khoảng hơn 2m, giữa hai cột cổng, phía trong xây bức bình phong, đắp hình con hổ.

Năm 2006, phần mộ Đô đốc Hồ Phi Chấn đã được di dời về cát táng ngay trong khuôn viên Nhà thờ của ông. Năm 2010 - 2011, sau khi Nhà thờ và Mộ Hồ Phi Chấn được xếp hạng di tích Lịch sử cấp tỉnh, con cháu trong dòng họ Hồ Phi xã Thạch Văn đã quyên góp tiền của, công sức để xây dựng lại Nhà thờ và Mộ Hồ Phi Chấn trên diện tích khuôn viên gần 1.300m2. Nhà thờ với thiết kế 5 phần gồm: Nghi môn, Bình phong, Hạ điện, Thượng điện và Mộ Hồ Phi Chấn.

Di tích nhà thờ và phần mộ Hồ Phi Chấn luôn được con cháu dòng tộc và cấp ủy chính quyền địa phương xã Thạch Văn hết sức quan tâm. Trong năm, các lễ tế chính được tổ chức như lễ tế Tết Nguyên đán, lễ tế rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, Lễ tế Thần tổ vào ngày 26/10 Âm lịch. Đặc biệt hiện nay, xã Thạch Văn hai năm một lần tổ chức Lễ hội Đô đốc Hồ Phi Chấn, hay còn gọi là lễ hội Quan Đô vào dịp 26/3 hàng năm, gồm phần lễ và phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi. Các hoạt động lễ hội Đô đốc Hồ Phi Chấn thường diễn ra trong 3 ngày, do UBND xã đứng ra tổ chức, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà chỉ đạo về mặt chuyên môn. Số lượng nhân dân và du khách về dự lễ thường rất đông. Có thể nói rằng, chính sự quan tâm, thờ phụng chu đáo, các lễ hội được tổ chức thường niên của nhân dân và các thế hệ con cháu trong dòng họ đã như một sợi dây liên lạc vô hình, giúp xóm làng, dòng tộc đoàn kết, hoà đồng, sống nương tựa vào nhau, các phong tục truyền thống tốt đẹp của làng quê, đất nước được bảo tồn và phát huy ngày càng tốt đẹp hơn.

Đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn là niềm tự hào đối với xã Thạch Văn và con cháu dòng họ Hồ Phi. Đây là sự ghi nhận những công lao của một vị tướng đối với đất nước quê hương, đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ đối với con cháu dòng họ và cấp ủy chính quyền xã Thạch Văn phải giữ gìn và phát huy những giá trị của một di tích , để nơi đây trở thành địa chỉ để mọi người về dâng hương, vãn cảnh.  

 

Trung tâm VH-TT/thachha.hatinh.gov.vn