VỀ TRƯỜNG TIỂU HỌC THẠCH VIỆT NGẮM "NGHỆ NHÂN NHÍ" TRỔ TÀI LÀM NÓN

VỀ TRƯỜNG TIỂU HỌC THẠCH VIỆT NGẮM "NGHỆ NHÂN NHÍ" TRỔ TÀI LÀM NÓN
Trường Tiểu học Thạch Việt chiều ngày 11/4/2019 rộn ràng tiếng cười nói. Hơn 300 em học sinh thích thú, say mê với hoạt động trải nghiệm nghề "làm nón lá Ba Giang" - một làng nghề truyền thống nổi tiếng từ xưa đến nay vẫn đang được gìn giữ, phát huy ở xã Phù Việt và là nét đẹp đặc trưng trong văn hóa người Việt từ bao đời.

Chương trình văn nghệ Dân ca, ví, giặm cổ vũ "nghệ nhân nhí" trổ tài làm nón

Ông Nguyễn Phan Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại điện tử Ammy - Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ nhà trường một bộ Amply và loa trị giá 25 triệu đồng.

Dưới những góc sân trường thân quên, các em quên đi cái nắng oi bức chăm chú nhìn những sợi chỉ tăm tắp được khâu tỉ mỉ, cận thận, chính xác bởi bàn tay khéo léo của gần 30 nghệ nhân trong địa phương.

Học sinh chăm chú theo dõi từng chi tiết để thực hành cho thành thạo

Tại hoạt động trải nghiệm, các bà, mẹ, chị và thầy cô giáo đã giới thiệu cho học sinh biết những vật dụng chính phải có để làm nên một chiếc nón đó là tre, nứa, chỉ và lá tơi. Đặc biệt, hướng dẫn các công đoạn làm nón gồm: vuốt lá, là lá, vào vành, ráp và đóng nón hoàn thiện.

Công đoạn vuốt lá, là lá: Lá nón sau khi nhập về phải phơi sương, đem sấy, phơi khô rồi sau đó vuốt cho phẳng phiu mà không giòn, không rách.

Công đoạn vào vành đòi hỏi người thợ phải có sự cần mẫn, tỉ mỉ để đường kim, mũi cước thẳng, đều, mềm mại theo độ cong của vành nón.

Ở đây, các em còn được giao lưu, tìm hiểu một số nét đặc trưng về nghề làm nón lá đơn sơ, bình dị vẫn hiện hữu trong cuộc sống đời thường.

Không chỉ che mưa, che nắng mà nón lá Phù Việt còn được các cô dâu mang theo khi về nhà chồng. Hình ảnh người phụ nữ thiết tha, đằm thắm trong tà áo dài với chiếc nón thơ mộng không bao giờ phai trong mỗi người.

Các nghệ nhân, phụ huynh và thầy cô giáo hướng dẫn tận tình

Các em học hỏi nhanh và tự tay trổ tài làm nón

Và rồi, chính những "nghệ nhân nhí" với đôi bàn tay nhỏ nhắn đã trực tiếp nhào nặn ra những sản phẩm ưng ý.

 Những chiếc nón bền, đẹp được bày bán để ủng hộ các nghệ nhân.

Hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích này nhằm giúp học sinh thêm yêu quê hương, hiểu biết hơn về nghề truyền thống địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh nón Ba Giang; quảng bá hình ảnh ngôi trường Tiểu học Thạch Việt yêu dấu đến với mọi người. Qua đây tạo niềm hứng thú để học sinh chăm chỉ học tập, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ./. 

Theo Khắc Mai - Nguồn: Trung tâm văn hóa - truyền thông huyện Thạch Hà