Cựu binh Hà Tĩnh chinh phục núi đá, làm giàu từ đồi hoang
- Thứ hai - 08/10/2018 04:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trở về quê hương sau khi phục viên từ đơn vị Công an nhân dân vũ trang Nghệ Tĩnh (nay là Bộ đội Biên phòng), năm 1981 ông Trần Văn Bính tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Trong suốt những năm tháng làm việc và tới lúc về hưu, ông Bính luôn mang nặng nỗi trăn trở về vùng đất mình sinh sống.
Ông tâm sự: “Vùng đồi núi ở đây rất dốc, nhiều tảng đá lớn. Từ bao đời nay người dân không dám nghĩ tới chuyện trồng cây ăn quả, làm kinh tế. Nếu không cải tạo thì muôn đời vẫn chỉ là đồi núi khô cằn”.
Năm 2007, ông thử nghiệm trồng cây keo trên diện tích gần 2ha đất đồi nhưng hiệu quả mang lại gần như không có. Cây phát triển yếu do đất quá cằn cỗi, đồi keo 7 năm trời chỉ thu về 11 triệu đồng. Song, với phẩm chất người lính “Cụ Hồ”, không nản chí trước mọi thử thách, năm 2015, nhận thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, khu dân cư mẫu, vườn mẫu phù hợp với suy nghĩ, tâm tư của mình bấy lâu nay, ông Bính mạnh dạn đầu tư cải tạo mặt bằng để trồng cam, bắt đầu hành trình chinh phục núi đá.
Ông chia sẻ: “Những tảng đá lớn ở đây khiến máy xúc cũng “bó tay”. Hầu hết công đoạn đều phải được thực hiện thủ công”.
Hai vợ chồng ông phải sử dụng máy đục, phá các tảng đá lớn, ghép thành bậc thang. Các hố trồng cam cũng được đào sâu, rộng hơn, được ghép đá xung quanh để giữ lại thực bì, chất mùn trong đất. Sau nhiều tháng trời kiên trì, chịu thương, chịu khó, từng bước cải tạo địa hình, những mầm xanh cây ăn quả cũng được ươm trên vùng núi đá.
Tuy nhiên, việc chăm sóc cam trên nền đất có độ dốc lớn, đất đá khô cằn đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ông Bính lúc này lại chưa có kinh nghiệm nên vườn cam bị sâu bệnh phá hại, phát triển yếu. Khó khăn chồng chất khó khăn, ông Bính tiếp tục lặn lội tới các mô hình trồng cam trong địa bàn huyện Vũ Quang và các huyện Hương Sơn, Hương Khê, tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả có múi để học hỏi kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm chăm sóc cây về áp dụng tại vườn mình.
Và sỏi đá đã không phụ sự cần cù, mồ hôi nước mắt của vợ chồng người cựu chiến binh. Vùng đồi cằn cỗi ngày nào nay đã được phủ xanh bằng một vườn cam tươi tốt. Sau 3 năm, gia đình ông nay đã có 500 gốc cam, chanh, bưởi với 300 gốc đã cho thu hoạch. Cây cam phát triển trên núi đá cho quả mọng, da xanh bóng, ăn ngọt, thơm và giòn. Dù chỉ mới là mùa đầu tiên nhưng sản lượng ước tính lên tới 15 tấn, thu về hơn 400 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển 2ha vườn cam, ông Bính còn làm ruộng, chăn nuôi trâu bò, gà thả đồi, kết hợp cùng 500m2 hồ thả cá, 20 đàn ong, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 5/2018, khu vườn của ông xuất sắc giành giải A trong cuộc thi Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu toàn tỉnh. Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại Hà Tĩnh - Nguyễn Xuân Tình, nhận xét: “Vườn mẫu của ông Trần Văn Bính là một khu vườn đặc biệt, mang tính sáng tạo cao. Các gốc cam được ghép đá xung quanh giúp giữ được độ ẩm, chất dinh dưỡng trong đất. Việc kết hợp nuôi ong trong vườn không chỉ tăng thêm nguồn thu mà còn tăng khả năng thụ phấn cho cây. Hàng năm cần bồi đắp thêm phân bón hữu cơ là có thể phát triển bền vững, lâu dài”.
Mô hình trồng cam trên núi đá của cựu chiến binh Trần Văn Bính tuy không dễ thực hiện, nhưng khi thành công mang lại hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi. Tới nay, với sự hướng dẫn của ông Bính, đã có tới 1/3 hộ dân thôn 1 xã Ân Phú, cùng nhiều hội viên Hội cựu chiến binh trong xã học tập và xây dựng theo.
“Hai vợ chồng tôi đều đã ở tuổi hưu trí, nhưng với sự quyết tâm, phấn đấu và chịu khó mà có thể gây dựng nên mô hình kinh tế thu nhập khá cao. Tôi tin rằng, mọi người, ở bất kỳ đâu, đều có thể phát triển kinh tế, biến cái không thể thành có thể, để mỗi vùng nông thôn đều trở thành miền quê đáng sống”, ông Trần Văn Bính nói.